Họa sĩ Trần Lê Nam: 'Vợ tôi làm ở Bệnh viện Bạch Mai 20 ngày rồi chưa về nhà'
Là họa sĩ góp mặt ở cả 2 phiên đấu giá số 1 và số 6 của chương trình 'Vượt qua đại dịch Covid-19', Trần Lê Nam có sự đồng cảm với đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, khi có vợ làm ở Bệnh viện Bạch Mai, 20 ngày nay chưa về nhà.
Trần Lê Nam sinh ra trong gia đình quân nhân, có bố mẹ đều là bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 108. Vợ anh hiện đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Thời gian đầu chị tham gia chống dịch Covid-19, bây giờ thì cách ly. Tổng cộng thời gian vợ anh vắng nhà đã 20 ngày.
2 vợ chồng họa sĩ có 1 người con. Những ngày trước đây, hầu hết thời gian anh chỉ dành để vẽ tranh, mọi việc trong gia đình đều do vợ anh chu toàn. Nhưng từ khi có Covid, cuộc sống gia đình bỗng chốc đảo lộn, một mình anh vừa lo lắng cho cậu con trai học lớp 10, lại vừa không bỏ bê việc sáng tác.
Anh cũng thành thật chia sẻ rằng, một nồi cơm nấu ra, 2 bố con ăn cả ngày. Nhà cửa trống vắng bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ. Trước đây, anh từng tham gia các cuộc vận động tặng tranh nhưng có lẽ, lần tham gia chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật "Vượt qua đại dịch Covid-19", để tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ, làm anh thấm thía hơn cả.
Hơn nữa, ngay từ bé, họa sĩ đã hiểu dịch bệnh còn đáng sợ hơn chiến tranh và đói nghèo, vì anh lớn lên ở khu tập thể Viện Quân y 108. Anh còn hiểu những khó khăn vất vả của y bác sĩ, một nghề căng thẳng không được phép sai sót.
Ở phiên đấu giá số 1, họa sĩ Trần Lê Nam góp mặt với bức tranh "Vượt gió" thuộc sở hữu của công ty Indochineart, đã được trả giá 9 triệu đồng. Tác phẩm “Vượt gió” của anh phần nào vẫn sử dụng bút pháp quen thuộc, lược bỏ chi tiết, chỉ giữ cấu trúc hình thể và coi trọng yếu tố cảm xúc, tính ngẫu hứng. Những đàn chim sải cánh hối hả bay về phương Nam tránh rét, chỉ có trắng ghi là màu chủ đạo trên nền xanh da trời, một tác phẩm thật đẹp và giàu cảm xúc.
Ở phiên đấu giá số 6, anh tặng chương trình bức tranh "Cầu Long Biên". Theo họa sĩ, cầu Long biên là biểu tượng vượt qua chiến tranh của Hà nội. Anh lấy hình tượng đó để gửi gắm thông điệp: Vượt qua dịch bệnh. Trên nền không gian mầu ghi trầm u ám, cầu Long Biên vụt sáng. Màu sắc và bút pháp mạnh, khỏe mang tính biểu hiện cao.
Anh mong muốn, hành động nhỏ của mình sẽ giúp động viên, khích lệ tinh thần của các y bác sĩ và chung tay với mọi người đẩy lùi dịch bệnh.
Họa sỹ Trần Lê Nam sinh năm 1962, tự học mỹ thuật. Anh đi bộ đội nhập ngũ năm 1980, tham gia bảo vệ biên giới Tây nam và xuất ngũ năm 1984. Năm 1986, anh bắt đầu học vẽ rồi làm nghề đến bây giờ.
Mẹ anh thường nói:"Cả họ không ai theo nghề này. Tự dưng lại có đứa "nẩy nòi". Âu cũng là cái nghiệp, riêng Trần Lê Nam thích là được. Để đi con đường của riêng mình, họa sĩ đã có một "vốn liếng" thất bại đồ sộ. Tuy nhiên, anh chia sẻ, thất bại làm cho anh lớn, vững vàng hơn trong nghề nghiệp, can đảm và đam mê hơn với lựa chọn.