Họa sỹ Huỳnh Phương Đông và những bức vẽ nối chiến tranh với hòa bình

Từ tranh khổ to đến khổ nhỏ, họa sỹ tái hiện cuộc chiến bằng nhiều cách mà ở cách nào cũng sống động cảm xúc lớn lao, tự hào, mang tinh thần quật cường của Việt Nam trong kháng chiến.

Trong thời chiến tại Việt Nam, họa sỹ cũng như một phóng viên ghi lại hiện thực bằng cọ vẽ. Vai trò của họ càng quan trọng khi máy quay, máy ảnh không sẵn có, điều kiện tác nghiệp khó khăn.

Nhân dịp 50 năm đại thắng mùa Xuân năm 1975, loạt ký họa và tranh của họa sỹ Huỳnh Phương Đông - chủ nhân Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật - đã được chọn để trưng bày tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, xuyên suốt dịp kỷ niệm này. Tranh của ông không chỉ đẹp mắt, mà còn tác động mạnh mẽ lên người xem từ trong và ngoài nước - những người từng ở bên kia chiến tuyến.

Hội họa là cầu nối hòa bình

Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn, sinh năm 1925 tại Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), mất năm 2015. Ông từng tham gia phục vụ cách mạng trong cả hai cuộc kháng chiến Pháp và Mỹ, nổi bật là giai đoạn chống Mỹ.

Từ 1963 đến ngày giải phóng, họa sỹ dành 12 năm lặn lộn khắp các mặt trận Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long ký họa. Ông vẽ đại cảnh về các cuộc chiến, chân dung những người lính ra trận, công tác hậu phương, từ ký họa nhanh đến các tác phẩm hoàn thiện về bố cục, màu sắc... bức nào cũng chân thực, đầy sức sống.

Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét: "Bất kể vẽ chì, bút sắt, màu nước hay chất liệu nào… cảm xúc trong tranh của Huỳnh Phương Đông luôn rất dồi dào. Đó là sự kết hợp giữa tài năng của họa sỹ với hiện thực cuộc chiến."

 "Trận Bình Giã" (trên) và "La Ngà" (dưới) - 2 trong bộ 3 tranh nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007. (Ảnh tư liệu: Báo ảnh Việt Nam)

"Trận Bình Giã" (trên) và "La Ngà" (dưới) - 2 trong bộ 3 tranh nhận Giải thưởng Nhà nước năm 2007. (Ảnh tư liệu: Báo ảnh Việt Nam)

Chính tài năng ấy đã đưa tên tuổi Huỳnh Phương Đông vượt qua các biên giới. Năm 1987, một cựu binh Mỹ tên David Thomas đã trở lại Việt Nam nhằm hàn gắn nỗi đau chiến tranh bằng hội họa. Ông đã được giới thiệu đến Huỳnh Phương Đông - khi đó là Cục phó Cục Mỹ thuật phụ trách phía Nam, thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin cũ.

Xem tranh của ông Đông, trao đổi và cùng ông về đi các vùng chiến sự xưa, David Thomas càng coi trọng họa sỹ và có thêm niềm tin vào sứ mệnh của mình.

 David Thomas và vợ trong triển lãm năm 2023 tại Hà Nội (trái) và bìa sách song ngữ, chọn lọc tranh Huỳnh Phương Đông.

David Thomas và vợ trong triển lãm năm 2023 tại Hà Nội (trái) và bìa sách song ngữ, chọn lọc tranh Huỳnh Phương Đông.

Từ 1990 đến nay, David Thomas đã trở thành cái tên quen thuộc với giới hội họa tại Việt Nam. Ông sáng lập quỹ IAP chuyên hỗ trợ giao lưu và lưu trú nghệ sỹ hai quốc gia, tổ chức nhiều triển lãm tranh cho họa sỹ hai nước, trong đó có nhiều tranh của Huỳnh Phương Đông và đáng chú ý là bộ 3 tác phẩm giúp ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. Các hoạt động đều được rất nhiều sự hưởng ứng của các họa sỹ và công dân hai nước nói chung.

Riêng để tôn vinh Huỳnh Phương Đông, cũng trong năm 2007, David Thomas cho ra mắt cuốn sách tranh song ngữ gần 200 trang, chọn lọc hàng trăm tác phẩm nổi bật của người họa sỹ Việt Nam.

Nhân cuộc ra mắt sách, người cựu binh Mỹ từng chia sẻ: “Tôi đã rất say mê những bức tranh của ông Đông. Những bức tranh mang ‘sức nóng’ của một người trong cuộc, được khúc xạ dưới con mắt lãng mạn của một người nghệ sỹ tài ba. Từ sâu trong đáy lòng, tôi vẫn tự hào coi mình là người hiểu chiến tranh của ông. Tôi có nhiều mối giao tình và từ lâu đã coi ông như cha.”

 Tranh Huỳnh Phương Đông vẽ lại hình Bác Hồ xem ký họa của mình. (Ảnh tư liệu)

Tranh Huỳnh Phương Đông vẽ lại hình Bác Hồ xem ký họa của mình. (Ảnh tư liệu)

Sau này tranh của Huỳnh Phương Đông cũng được mang đi nhiều nước trưng bày như Trung Quốc, Liên Xô, Cuba, Pháp...

Năm 2009 họa sỹ còn vẽ lại một bức ảnh ông đặc biệt yêu thích. Đó là một khoảnh khắc cuối thập niên 1960, tranh của các họa sỹ giải phóng, trong đó có Huỳnh Phương Đông, được gửi ra Bắc làm triển lãm. Khán giả Thủ đô xem rất xúc động, Bác Hồ cũng tới xem và khen. Trong giây phút đó có nhiếp ảnh gia Đinh Đăng Định chụp Bác đang chỉ vào một tranh ký họa của Huỳnh Phương Đông.

Biết được chi tiết này ông rất thích, nên đã vẽ lại bằng sơn dầu trên khổ cỡ lớn. Họa sỹ càng tự hào khi nghe kể Bác Hồ chỉ đạo phải mang tranh đi triển lãm ở các quốc gia ủng hộ Việt Nam, để mọi người biết về tinh thần người Việt Nam.

Sau mỗi chân dung là một cuộc đời

Triển lãm tranh của Huỳnh Phương Đông có hai phần là những tranh vẽ đã hoàn chỉnh và những bức ký họa (vẽ nhanh, thường vẽ than chì, không lên màu). Phần nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc, khiến người xem nán lại và ngắm nhìn thật lâu cái hồn và thần thái trong tác phẩm.

Là tác giả hồi ký “Huỳnh Phương Đông - Những mảng màu thời chiến,” nhà báo Nguyễn Thị Diệu Ân (nguyên là Phó phòng Quản lý Báo chí, Sở Văn hóa Hà Nội) đã có cơ hội gặp và tiếp xúc những nhân vật và câu chuyện sau các bức vẽ chân dung.

Năm 2018 để hoàn thành cuốn sách, bà Diệu Ân đã theo gia đình họa sỹ (vợ và con trai, con dâu) đi thăm nhiều nhân vật từng được ông ký họa. Đoàn về các chiến trường cũ, trong đó có Củ Chi gặp bà Bảy Mô - nữ du kích nổi tiếng vì tha mạng 4 lính Mỹ năm 1968. Sau này bản lĩnh của bà trở thành cảm hứng cho nhân vật Ba Hương trong phim “Địa đạo: Mặt Trời trong bóng tối” vừa ra mắt đầu tháng 4/2025.

 Bà Bảy Mô (giữa) trong cuộc giao lưu khán giả phim "Địa đạo: Mặt Trời trong bóng tối" tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2025 và hình vẽ bà năm 17 tuổi đã được họa sỹ vẽ hoàn chỉnh từ ký họa. (Ảnh tư liệu)

Bà Bảy Mô (giữa) trong cuộc giao lưu khán giả phim "Địa đạo: Mặt Trời trong bóng tối" tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4/2025 và hình vẽ bà năm 17 tuổi đã được họa sỹ vẽ hoàn chỉnh từ ký họa. (Ảnh tư liệu)

Bà Diệu Ân kể trong cuộc gặp khi ấy bà Bảy Mô khoảng 70 tuổi. Sức khỏe bà Bảy Mô yếu hơn trước nên phải thở máy, nhưng biết sắp gặp gia đình ông Đông, bà lại thấy phấn chấn và khỏe lên nhiều. Nữ du kích nhớ như in đã gặp họa sỹ năm 1965, ông đến cùng một đoàn cán bộ quay phim, chụp ảnh, đi tìm nhân vật tiêu biểu để vẽ và ghi hình.

Bảy Mô 17 tuổi, thấy khách đến liền hạ cây súng xuống bên cạnh rồi xắn ống quần lên cho gọn. Họa sỹ thấy vậy bảo cô giữ nguyên dáng để vẽ. “Vẽ xong ông đưa tôi xem, mọi người trầm trồ khen vẽ giống y hệt. Bức tranh sau này được in ra nhiều bản, nghe nói chú Ba Đông còn vẽ lớn bức tranh này tặng cho ông Võ Văn Kiệt khi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh,” bà Mô kể chuyện.

Bà Bảy Mô rất quý chú Ba Đông và biết ơn vì bức vẽ, nói rằng nhờ thế mà sau này ba má bà mới đồng ý cho đi du kích (trước đó chỉ toàn đi lén). Bức hình cũng được coi như quà kỷ niệm ghi lại tuổi thanh xuân.

“Con cảm ơn chú Ba nhiều lắm. Nhờ có chú mà con có tấm hình 17 tuổi, hồi đó cũng ‘được gái’ lắm mà bây giờ phải thở máy rồi. Chú Ba dũng cảm lắm, chú đi theo du kích vào vùng ác liệt. Chính vì chú đi, mắt thấy tai nghe mới vẽ được,” bà Bảy Mô xúc động nói với gia đình họa sỹ.

 Nhà báo Diệu Ân, tác giả hồi ký "Huỳnh Phương Đông: Những mảng màu thời chiến." (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhà báo Diệu Ân, tác giả hồi ký "Huỳnh Phương Đông: Những mảng màu thời chiến." (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Do chiến tranh loạn lạc, nhiều liệt sỹ hy sinh nhưng gia đình không có ảnh để thờ. Vì thế ký họa chân dung chiến trường càng trở nên quý giá. Bà Diệu Ân kể thêm trường hợp liệt sỹ Ba Cường (Nguyễn Văn Cường) ở Tiền Giang, hy sinh năm 1968 trong chiến dịch Tết Mậu Thân. Khi đó Ba Cường mới 24 tuổi, đã có vợ và con.

Nhà có 5 liệt sỹ, trên ban thờ có 5 bát hương nhưng chỉ duy nhất anh Ba Cường có hình. Đó chính là ký họa do ông Đông vẽ khi đi công tác Tiền Giang năm 1964. Tại đây ông đã phác họa chân dung các chiến sỹ du kích ở Cù Lao Thới Sơn, trong đó có xã đội trưởng Nguyễn Văn Cường.

Do vội di chuyển, họa sỹ vẽ cũng phải cầm loạt tranh đi ngay. Mãi tới sau giải phóng, các họa sỹ chiến trường, gồm Ba Đông, được tổ chức một triển lãm tranh, có du khách tới xem mới nhận ra anh xã đội trưởng Ba Cường. Người này sau đó đã phối hợp với tỉnh ủy để trao tặng cho gia đình.

Tác giả Diệu Ân cũng cho biết sau cuộc chiến, gia đình ông Đông nhiều lần tới thăm gia đình Ba Cường, cả sau khi họa sỹ đã mất. Có chuyến ông Đông đi cùng còn trực tiếp tặng lại một bức vẽ khác của anh Ba Cường để thay hình cũ bị mối xông, có chuyến gia đình thay mặt ông góp chút kinh phí để hỗ trợ cuộc sống, chuyến nào hai gia đình cũng thân tình và rất gần gũi.

Nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (1926-2007) từng nhận xét Huỳnh Phương Đông có lối tiếp cận con người và sự kiện nhanh chóng, nhưng nhấn mạnh là không hề hời hợt: “Có vẻ anh sợ bỏ lỡ sự tích này, sự tích kia, nhân vật này nhân vật kia, để mắc lỗi với những hy sinh lớn lao của đồng bào, đồng chí đồng đội anh, bỏ sót các xóm làng, các mái nhà, đồng ruộng… tất cả những gì sinh sôi trên quê hương anh.”

Một số tranh của họa sỹ Huỳnh Phương Đông:

 Ký họa "Chiến khu rừng Sác, Nam Sài Gòn"

Ký họa "Chiến khu rừng Sác, Nam Sài Gòn"

 Tranh "Cuộc họp giấu mặt trong chiến khu"

Tranh "Cuộc họp giấu mặt trong chiến khu"

 Họa sỹ bên ký họa "Trận phía Nam cầu chữ Y."

Họa sỹ bên ký họa "Trận phía Nam cầu chữ Y."

 Tranh "Con người thời chiến."

Tranh "Con người thời chiến."

 Tranh "Lễ hội tòng quân."

Tranh "Lễ hội tòng quân."

Họa sỹ Huỳnh Phương Đông thuộc thế hệ thanh niên miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Ông kết hôn với y sỹ Lê Thị Thu năm 1957 và có ba người con, hai người ra đời trước khi ông lên đường đi B năm 1963. Phương Đông là tên ông lấy theo con tàu Vostok 1 của Liên Xô đặt cho con trai thứ hai, cũng là tên ông dùng để hoạt động cách mạng sau đó.

Năm 1973, bà Thu được đào tạo thành bác sỹ. Yên tâm hai con được chăm sóc tốt ở trường học sinh miền Nam, bà lên đường nhận nhiệm vụ đi B rồi hội ngộ chồng ở căn cứ Tây Ninh sau 10 năm xa cách. Trong 10 năm đó, bác sỹ Thu kể chồng vẫn luôn thương nhớ gia đình, gửi hàng trăm bức thư tình cho vợ.

Hai vợ chồng họa sỹ Huỳnh Phương Đông, Lê Thị Thu trong một chuyến về chiến trường xưa. (Ảnh: Facebook Hoa Si Dong)

Đến năm 1975 hòa bình lập lại, cả gia đình mới được hạnh phúc đoàn tụ và về sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây họa sỹ Huỳnh Phương Đông tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp hội họa đến những ngày cuối đời.

Trong 70 năm sự nghiệp hội họa, ông Huỳnh Phương Đông đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, 2 Huân chương kháng chiến, 5 Huân chương về hoạt động mỹ thuật và 3 giải thưởng cao quý tại các triển lãm.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hoa-sy-huynh-phuong-dong-va-nhung-buc-ve-noi-chien-tranh-voi-hoa-binh-post1033278.vnp