Hòa thượng Thích Huyền Diệu: 'Muốn phát triển môi sinh bền vững, phải làm nhiều hơn nói'
'Tôi trồng nhiều cây xanh và muốn làm tốt thì mình phải quyết liệt âm thầm làm, đừng nói nhiều' - Hòa thượng Thích Huyền Diệu.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến– Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam- Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường mới đâyđã có cuộc trò chuyện với Hòa thượng Thích Huyền Diệu- Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal, Chủ tịch danh dự Hội Kinh tế Môi trường Việt Namvề vấn đề trồng cây xanh, phát triển và bảo vệ môi trường sinh thái trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm.
Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã lược ghi lại cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024 khi các đơn vị tổ chức sự nghiệp, xã hội tích cực tham gia nhiều hoạt động trồng cây xanh khắp vùng miền của Tổ quốc.
Mục tiêu trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm
-Thưa thầyThích Huyền Diệu,năm 2021,Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây. Thầy đánh giá thế nào vềĐề ánnày?.
-Tôi cho rằng Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ là rất tuyệt vời. Nếu Đề án này hoàn thành sẽ gây ấn tượng mạnh đối với cộng đồng quốc tế, thậm chí trở thành phong trào trồng xây xanh trên toàn thế giới. Thế giới hiện nay đang chết dần đi vì vấn đề môi sinh nhưng nhiều nước họ không dám nói sự thật. Việt Nam sẽ đi vào lịch sử khi trở thành nước tiên phong, đặc biệt là trong giai đoạn môi sinh bị khủng hoảng như hiện nay.
Tôi mong rằng, Việt Nam sẽ giữ vững quyết tâm, làm nhanh, làm mạnh, hoàn thành mục tiêu trước cả thời hạn 5 năm đã đề ra.
-Hiện nay,quá trình đô thị hóa đang ngày càng mạnh mẽ, đi kèm với nó là hàng loạt hệ lụy về môi trường.Theo thầy thì làm thế nào để hài hòa giữa vấn đề môi sinh vàphát triển kinh tế?
-Nhìn ra thế giới thì nước Mỹ từ 100 năm trước, biểu tượng của họ là các tòa nhà cao tầng. Thế nhưng hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, những tòa nhà chọc trời ấy xảy ra sự cố, thiệt hại là không thể đong đếm. Quá trình đô thị hóa của Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Ngày xưa mình sinh sống ở sau lũy tre làng, nhà cửa thấp chỉ tầm một hoặc hai tầng, còn bây giờ nhà có đến mấy chục tầng, nhiều nguy cơ lắm.
Hà Nội trong 5 năm qua đã trồng hơn một triệu cây xanh, đây là một điều tốt. Nhưng trồng một triệu cây xanh mà cấp phép xây một triệu ngôi nhà thì không tốt. Trái lại, nếu trồng hai mươi nghìn cây xanh mới cấp phép xây một cái nhà thì tốt hơn. Hà Nội là một thành phố đẹp, nhưng thành phố cần có biện pháp để giảm số lượng phương tiện cá nhân, khuyến khích dùng xe điện, xe công cộng. Ngoài ra, cũng nên bớt dùng đồ hóa học, túi nylon, sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường...
Ước nguyện trồng một triệu cây xanh của hòa thượng Thích Huyền Diệu
-Sau khi Thủ tướngChính phủphát động trồng một tỷ cây xanh thì thầy có ý phát nguyện trồng một triệu cây xanh. Thầy có thể chia sẻ thêm về ý định này được không?
-Tôi đã rời khỏi đất nước trên 50 năm nên chưa có làm gì đóng góp cho đất nước mình. Điều đó khiến tôi rất buồn. Nếu Việt Nam có thể thu xếp một khu đất tốt và có dòng nước ở đó thì tôi mơ ước được trở về trồng một triệu cây xanh như một lời tri ân đất nước, dân tộc và ông bà tổ tiên của mình.
Hiện nay tôi không có tiền, nhưng những đồ sưu tập tranh ảnh, quần áo cũ của tôi thì tôi có thể mang bán đấu giá. Những người nào có chung chí hướng với tôi cũng sẽ trở về để cùng tham gia. Tôi ước mơ có thể được trồng cây càng sớm càng tốt.
Tại sao lại dùng chữ “ước mơ”? Vì tôi hứa mà tôi không làm là tôi thiếu nợ. Tôi làm bất cứ điều gì trong cuộc đời tôi thì đều xuất phát từ ước mơ. Ví dụ như việc tôi xây dựng hai ngôi chùa bên này (Lumbini – Nepal) là xuất phát từ ước mơ, hay làm cho thế giới hòa bình cũng là ước mơ.
-Ngoài ước mơ trồng cây bảo vệ môi sinh, thầy còn có những ước mơ khác nữa. Thầy có thể chia sẻ thêm được không?
-Tôi có nhiều ước mơ lắm. Tôi thấy Việt Nam mình có nhiều điều hay. Có những nước từng mang bom đạn qua giày xéo quê hương mình, làm khổ quê hương mình, nhưng cuối cùng qua thời gian thì chúng ta cũng có thể buông bỏ hận thù. Việt Nam mình có nhiều cái hay, mình phải phát triển thêm, tự phát triển chứ không phải cái gì cũng bắt chước nước ngoài.
Tôi dựa vào tinh thần dân tộc của mình mà qua bên này dấn thân, đưa một nơi từng là chỗ sình lầy trở nên tươi đẹp hơn. Không chê nước ngoài nhưng Việt Nam mình có rất nhiều cái hay riêng mà mình có thể phát triển lên.
Cũng như vấn đề giáo dục, Việt Nam có rất nhiều truyền thống quý báu. Trước đây, tôi ở Việt Nam mười mấy năm và có duyên gặp được một sư phụ của mình. Ông ấy đã dạy tôi về triết học tri ân. Ông nói, khi ta uống một chén nước, ăn một bát cơm thì không bao giờ được quên ơn cội nguồn. Tôi sống ở nước ngoài, đi làm mướn ở thế giới chưa bao giờ gặp khó khăn, tất cả là nhờ tri ân. Nhờ tri ân đất nước nên tôi đã dựng 2 ngôi chùa mang tên Việt Nam. Nhờ tri ân Đức Phật tôi đóng góp cho sự phát triển tại nơi mình sống.
Tôi trồng nhiều cây xanh và muốn làm tốt thì mình phải quyết liệt âm thầm làm, đừng nói nhiều. Nói nhiều người khác không ưa, họ quậy phá mắc phiền lắm. Tôi làm xong ngôi chùa rồi mới để mọi người biết.
Nếu mấy anh thương đất nước, thương quý tôi thì bằng mọi cách trồng một tỷ cây càng sớm càng tốt, tôi sẽ về giúp đỡ, không nói nhiều mà phải làm. Tôi mong muốn tìm được mảnh đất ở Việt Nam, rồi tôi về đích thân trồng cây ở đó, đem được tất cả cây quý trên thế giới về trồng ở quê hương mình. Hi vọng ước mơ này sẽ được thực hiện càng sớm càng tốt, vì tôi không biết bao giờ sự vô thường nó đến với mình.
-Bác Hồ từng nói “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, nghe theo lời dạy của Bác Hồ, chiêm nghiệm từ chỉ dẫn của thầy,Hội Kinh tế Môi trườngViệt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trườngđã trồngnhiềucây bồ đề tại những nơi linh thiêng, nơi tưởng niệm liệt sĩ,nơi biển đảo của Tổ quốc...Từ việc trồng thêm cây xanh,thầy muốn gửi gắm thông điệp gì đến Phật tử chúng sinh, những người yêu quý môi sinh?
-Nói riêng về cây bồ đề, cách đây mấy chục năm khi tôi về Việt Nam, tôi có dịp cùng anh (PGS.TS Trương Mạnh Tiến - PV) trồng cây trên núi Yên Tử. Lúc anh và tôi lên trồng cây thì thiền viện Trúc Lâm còn xộc xệch mà bây giờ diện mạo đã thay đổi rất nhiều.
Cây bồ đề mà mình mang về có một khí chất rất đặc biệt. Tôi mong muốn có thể mang giống cây bồ đề nơi Đức Phật đắc đạo về trồng tại Việt Nam, dưới sự cho phép và hỗ trợ từ nhà nước và chính quyền địa phương.
Tôi từng trồng cây bồ đề ở miền Bắc rất thành công, miền Trung thì tôi chưa trồng. Trong miền Nam tôi có trồng nhưng sau đó cây bị bỏ thuốc chết, điều này khiến tôi rất buồn. Nhưng những cây trồng ở đường Hùng Vương, Hoàng Thành Thăng Long, tượng đài Lý Thái Tổ phát triển rất tốt, rất tuyệt vời. Tôi năm nay 75 tuổi rồi, không còn nhiều thời gian nữa. Ngoài cây bồ đề, tôi sẽ cố gắng mang cây thuốc, cây xanh hay cây ăn trái về trồng khi còn có thể.
Tôi có một tâm tư rất tha thiết, mong mọi người có thể hiểu, đó là chúng ta sống được là nhờ có không khí, có đất, có nước. Vì vậy, chúng ta phải bảo vệ mẹ Trái Đất. Trồng thêm thật nhiều cây xanh cũng là hành động thiết thực để bảo vệ mẹ Trái Đất. Tôi tha thiết kêu gọi mọi người hành động.
Tôi có mấy người đệ tử, từ bên này (Lumbini – Nepal) về Việt Nam mà đến nay đã trồng được hai trăm nghìn cây xanh. Việt Nam mình mà có một triệu người như vậy thì đã có bao nhiêu cây xanh rồi. Đừng để tấc đất nào trống.
Mỗi người Việt Nam đều nên yêu quý Trái Đất và tôn trọng môi sinh. Mình không nên nói nhiều mà nên hành động. Hồi xưa tôi ước mơ có thể trồng chín, mười ngàn cây, nhưng giờ đã nhiều hơn. Tôi đi đâu cũng cổ vũ mọi người trồng cây.
Ý thức bảo vệ môi sinh cần được giáo dục, định hướng từ nhỏ
-Giáo dục môi trường là một việc hết sức quan trọng. Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chủ trương đẩy mạnh giáo dục môi trường từ khi tấm bé, xây dựng nền móng, ý thức hệ bảo vệ môi trường. Thầy nghĩ sao về việc này?
-Đúng vậy, hiện nay con người đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa tiêu thụ, gây ra những hệ lụy không tốt. Do vậy, mình nên giáo dục, truyền thừa tinh thần bảo vệ môi sinh từ khi con người ta còn bé. Làm được điều đó thì trong tương lai, chúng ta sẽ có thêm nhiều thế hệ biết tôn trọng, bảo vệ môi sinh.
Nếu việc giáo dục môi trường thành công và được nhân rộng thì thật đáng mừng. Giống như việc ngày xưa anh (PGS.TS Trương Mạnh Tiến – PV) đem một cây ngâu sang Lumbini trồng, giờ tôi đã chiết ra ngàn cây cho người dân trồng, rất tuyệt vời. Gieo nhân thiện sẽ sinh ra muôn điều thiện. Hi vọng chúng ta sẽ làm được điều gì đó để cứu mẹ Trái Đất.
-Được biết thầy có một số bức thư ngỏ về vấn đề môi sinh. Thầy có thể chia sẻ thêm về việc này được không?.
-Tôi có một lời hứa rõ ràng. Nếu người Việt Nam nào trồng 18.000 cây xanh trên đất nước mình, thì tôi sẽ sẽ khắc tên của người đó trên bia đá, lưu lại hằng trăm năm trên đất Phật.
Nếu người nào trồng 180.000 cây xanh, thì khi đến với đất Phật tôi sẽ dành cho một chỗ ở đặc biệt, hoặc một chuyến bay đặc biệt băng qua Hi Mã Lạp Sơn (Himalaya - PV). Tôi sẽ thực hiện lời hứa ấy khi tôi còn sống!
Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng Thích Huyền Diệu!