Hoạch định tài chính cá nhân hướng tới tài chính toàn diện
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học 'Hoạch định tài chính cá nhân hướng tới tài chính toàn diện tại Việt Nam', nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp để thúc đẩy hoạch định tài chính cá nhân, hướng tới tài chính toàn diện.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Nguyễn Thị Hòa nhấn mạnh: Trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tài chính toàn diện có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm thiểu bất bình đẳng, nâng cao mức sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Trước thực tế đó, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nhóm giải pháp về “Tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính” được xác định là một trong những trụ cột quan trọng của Chiến lược.
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Chiến lược, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan đã chủ động, triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Về cơ bản, các mục tiêu đến năm 2025 đã và đang được thực hiện theo đúng định hướng Chiến lược đã đề ra.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tài chính là lĩnh vực đặc thù. Người tiêu dùng để tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính hiệu quả thông thường trải qua ba giai đoạn: được trang bị kiến thức tài chính; có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân; và hoạch định tài chính cá nhân. Trong đó, hoạch định tài chính cá nhân là bước phát triển cao nhất. Nếu thiếu kiến thức và kỹ năng tài chính phù hợp, việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính không chỉ kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn phát sinh rủi ro. Hoạch định tài chính không chỉ giúp giảm thiểu những nguy cơ này mà còn tối ưu hóa lợi ích việc sử dụng các dịch vụ tài chính.
Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy hoạch định tài chính cá nhân không chỉ hỗ trợ người dân tối ưu hóa nguồn lực tài chính của mình, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy người dân tiếp cận đến các dịch vụ tài chính chính thức, góp phần đạt được mục tiêu của tài chính toàn diện.
Nhận thức được vấn đề này, để phát triển hoạch định tài chính cá nhân, nhiều nước đã xây dựng và ban hành chương trình giáo dục tài chính toàn quốc, hệ thống chính sách cho đào tạo, hành nghề và quản lý hành nghề tư vấn, hoạch định tài chính cá nhân. Theo thống kê của Hội đồng tiêu chuẩn hoạch định tài chính, đến năm 2024, đã có 28 quốc gia phát triển lực lượng chuyên gia hoạch định tài chính chuyên nghiệp được chứng nhận, trong đó có các quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Tại Việt Nam, hoạch định tài chính cá nhân vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển trong khi nhu cầu của người dân là rất tiềm năng. Nhiều tổ chức tài chính đã triển khai dịch vụ “tư vấn tài chính cá nhân” nhưng chủ yếu tập trung vào giới thiệu sản phẩm tài riêng lẻ như bảo hiểm, tiết kiệm hay đầu tư, mà chưa hoàn toàn hướng tới phát triển dịch vụ hoạch định tài chính chuyên nghiệp, đúng nghĩa.
Do vậy, tại hội thảo, các đại biểu, diễn giả cũng đã tập trung đề xuất một số nhóm giải pháp chính để phát triển hoạch định tài chính cá nhân, đóng góp vào thực hiện mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia trong giai đoạn tới. Cụ thể như: đẩy mạnh giáo dục tài chính cá nhân qua hệ thống giáo dục chính thức và các chương trình truyền thông quốc gia, kết hợp với việc xây dựng thói quen lập kế hoạch tài chính dài hạn cho các cá nhân từ khi còn trẻ; tiếp tục hoàn thiện các quy định để nâng cao chất lượng tư vấn tại các định chế tài chính, thúc đẩy các định chế tài chính tăng cường đào tạo và phát triển nhân sự đủ năng lực để tư vấn, hoạch định tài chính cho khách hàng;…