Hoài Đức đẩy nhanh tiến độ lên quận

Năm 2017, Hoài Đức được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Đức tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025; đồng thời quyết tâm hoàn thành tiêu chí phát triển đô thị, xây dựng huyện thành quận xanh, văn minh, hiện đại...

Huyện Hoài Đức xây dựng đô thị xanh, văn minh. Ảnh: Hồng Lý

Huyện Hoài Đức xây dựng đô thị xanh, văn minh. Ảnh: Hồng Lý

“Trái ngọt” từ khi đạt nông thôn mới nâng cao

Chia sẻ về thành tựu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường thông tin, xác định việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2019-2024, huyện tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường. Đến nay, tại 19/19 xã có khoảng 774km đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm và hơn 284km đường trục chính nội đồng đã được đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa, đáp ứng quy chuẩn và yêu cầu của tiêu chí giao thông; 100% hệ thống chiếu sáng công cộng bảo đảm mỹ quan, văn minh đô thị.

Trong phát triển kinh tế, Hoài Đức có bước tiến vượt bậc. Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Khuất Trọng Kiên thông tin, thực hiện chương trình nông thôn mới, từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, đến nay, huyện đã hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh có giá trị kinh tế cao. Điển hình là vùng trồng rau an toàn tại các xã: Tiền Yên, Vân Côn, Song Phương; vùng bưởi hữu cơ tại các xã: Cát Quế, Yên Sở, Dương Liễu; vùng ổi, táo tại các xã: Song Phương, Di Trạch, Kim Chung; gần 73ha trồng rau và cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận an toàn, VietGAP, được cấp mã số vùng trồng; giá trị đạt 500-700 triệu đồng/ha/năm. Trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Huyện hiện có 9 cụm công nghiệp, 12 làng nghề truyền thống với gần 400 doanh nghiệp; hơn 7.900 hộ sản xuất, kinh doanh đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 44.000 lao động với thu nhập từ 6 đến 12 triệu đồng/người/tháng.

Xác định giáo dục và đào tạo là yếu tố cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, 100% trường học trên địa bàn huyện cơ bản được xây mới, cải tạo, nâng cấp, góp phần tạo diện mạo đẹp, môi trường tốt cho hoạt động dạy và học. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức Trương Văn Lâm cho biết, giai đoạn 2020-2024, ngành Giáo dục huyện được quan tâm, đầu tư xây mới 18 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 69/81 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Đặc biệt, 4 trường trung học phổ thông công lập của huyện đều đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất...

Đến nay, Hoài Đức có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7/19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, từ hơn 21 triệu đồng/người/năm (năm 2010), lên hơn 86 triệu đồng/người/năm (năm 2024). Năm 2020, huyện không còn hộ nghèo; đến tháng 9-2024, huyện không còn hộ cận nghèo; chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng tăng.

Quyết tâm sớm thành quận

Thống kê của UBND huyện Hoài Đức cho biết, từ năm 2012 đến 2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là hơn 12.574,63 tỷ đồng, trong đó vốn do các tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp hơn 1.432,55 tỷ đồng.

Từ những thành quả đã đạt, ngày 31-12-2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1695/QĐ-TTg công nhận Hoài Đức đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023. Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự chung sức, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hoài Đức, đồng thời là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục hoàn thành các tiêu chí phường, quận...

Theo kết quả rà soát, đến nay, Hoài Đức đã đạt 29/31 tiêu chí thành lập quận. Sau khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo quy định, hợp nhất thị trấn Trạm Trôi với xã Đức Giang; xã Đắc Sở với xã Tiền Yên; xã Dương Liễu với xã Minh Khai, huyện có 17/17 phường dự kiến, đạt từ 12/13 đến 13/13 tiêu chuẩn về phát triển cơ sở hạ tầng đối với phường theo tiêu chuẩn đô thị đặc biệt.

Thời gian tới, huyện Hoài Đức tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo hướng đô thị với mục tiêu: Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; hoàn thiện 2/31 tiêu chí còn lại theo quy định.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh, năm 2025, Hoài Đức phấn đấu tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng hơn 12%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - thương mại 60,5%, công nghiệp - xây dựng 36-37%, nông nghiệp 1-2%; thu nhập bình quân toàn huyện đạt 95 triệu đồng/người/năm; duy trì không có hộ cận nghèo; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%...

Đồng thời, huyện Hoài Đức tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí xã thành phường, huyện thành quận với hạ tầng ngày càng đồng bộ, môi trường sinh thái, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, quyết tâm sớm trở thành quận xanh, văn minh, hiện đại của Thủ đô.

Ánh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoai-duc-day-nhanh-tien-do-len-quan-692761.html