Hoài niệm Tết xưa
Những ngày cuối tháng Chạp, không khí Tết ngập tràn trên các diễn đàn mạng xã hội. Những bức ảnh đen trắng nhuốm màu tháng năm, những câu chuyện về Tết xưa với sắc đỏ thắm của câu đối... như thước phim quay chậm đưa người ta trở về những mùa xuân giản dị của nhiều thập niên trước. Giữa sự tấp nập của xã hội hiện đại, nhiều người lại thèm thuồng cái hồn Tết xưa, gắn với những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt.
Tết Nguyên đán với khung cảnh làng quê thanh bình, những phiên chợ Tết rộn ràng và các phong tục cổ truyền đã in sâu trong tâm trí biết bao thế hệ.
Ngày ấy, Tết bắt đầu với khoảng thời gian sum họp, ấm áp bên gia đình. Để người người, nhà nhà quây quần, bận rộn dọn dẹp, bài trí nhà cửa - chu đáo đến từng góc nhỏ của ngôi nhà. Tết náo nức trong ánh mắt, điệu cười của lũ trẻ trong những bộ quần áo mới, khi nhận phong bao lì xì đỏ thắm. Thời khắc ấy, trong mỗi người đều cảm nhận rõ nhất giá trị của sự đoàn tụ, của tình thân và cả những hy vọng về một năm mới hân hoan, bình an.
Trong hoài niệm của anh Lê Xuân Chiến, phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn), ký ức Tết xưa gắn liền với chiếc tivi hộp cũ mà đến thời điểm hiện tại gia đình anh vẫn còn lưu giữ. Anh Chiến chia sẻ: "Tết là âm thanh của bản nhạc xuân phát ra từ chiếc tivi đen trắng mà bố mẹ chắt bóp rất lâu mới mua được. Những ngày Tết sum vầy, cả nhà lại cùng quây quần bên nhau, xem không khí vui xuân, đón Tết trên mọi miền Tổ quốc qua chiếc tivi đen trắng chỉnh kênh bằng núm vặn và xoay chiếc ăng ten tứ phía để đón sóng. Thiếu thốn là vậy nhưng đầy ắp niềm vui, nghĩa tình".
Dù sinh ra và lớn lên trong thời hiện đại, nhiều người trẻ vẫn mang trong mình những hoài niệm sâu sắc về Tết xưa, qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Tết xưa không chỉ với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, mà còn là không khí ấm áp, thiêng liêng và rất đỗi thân thuộc mà ngày nay họ thường so sánh với cái Tết hiện đại. Đó là hình ảnh hình ảnh cả gia đình cùng ngồi gói bánh chưng, từng chiếc lá dong được rửa sạch, vuốt thẳng; bố thì tỉ mỉ nắn lại khung bánh, còn lũ trẻ con thì tíu tít xin phần lá dư để chơi đồ hàng. “Cả ngày tất bật, nhưng đến tối cả nhà lại quây quần bên nồi bánh chưng, hàn huyên đủ chuyện. Mùi bánh chưng thơm lừng quyện với hơi ấm của bếp lửa như xua tan cái lạnh mùa đông” - anh Chiến chia sẻ với nụ cười ấm áp.
Với bà Lê Thị Thảnh, 85 tuổi ở TP Sầm Sơn, ký ức Tết xưa là những buổi sáng tinh sương, khi cả nhà cùng nhau dọn dẹp sân vườn, lau chùi bàn thờ tổ tiên và chuẩn bị cho lễ cúng tất niên. Có lẽ vậy mà nhiều người có chung nhận định, Tết bây giờ nhạt lắm, không bằng Tết xưa. Thực ra, Tết không hề nhạt đi, mà có lẽ chúng ta đã không còn đủ tĩnh lặng để cảm nhận trọn vẹn hương vị của nó. Giữa nhịp sống hối hả, những giá trị cốt lõi của Tết cổ truyền dân tộc dường như bị che lấp bởi sự bận rộn, bởi áp lực của công việc.
Tết cổ truyền dân tộc vẫn đẹp và thiêng liêng như tự ngàn đời - chỉ cần chúng ta tìm lại một góc bình yên để thưởng thức. Đó là mùi hương trầm ngan ngát và mâm ngũ quả đầy sắc màu trên bàn thờ tổ tiên, là vị ngọt ngào của mứt gừng, là sắc đỏ may mắn của câu đối treo trên cánh cửa nhà gửi gắm hy vọng vào một năm mới an khang, thịnh vượng. Đó là sự chộn rộn khi cả nhà cùng sắng sở mâm cỗ tất niên, là niềm xúc động thành kính khi bố dâng nén hương thơm lên ban thờ gia tiên, là niềm hân hoan chực trào trong thời khắc giao thừa. Giản dị nhưng thấm đẫm yêu thương - ấy chính là hồn cốt của Tết cổ truyền dân tộc, là sợi dây gắn kết các thế hệ trong gia đình, dòng tộc và trong mỗi cộng đồng.
Và, dù cuộc sống hiện đại có mang đến bao nhiêu đổi thay, những mỹ tục Tết xưa vẫn như mạch nguồn chảy mãi trong tâm hồn người Việt.
Hiện nay, tại TP Thanh Hóa, nhiều nơi cũng đã chọn cách tái hiện Tết xưa trong các hoạt động trang trí nhằm mang đến không khí hoài niệm cho người dân. Những quán cafe, các khu vực công cộng như Quảng trường Lam Sơn, Công viên Hội An... đã dành một không gian cho Tết xưa với hình ảnh cây mai vàng, cây đào thắm, câu đối đỏ, ảnh Bác Hồ... và các tiểu cảnh gợi nhớ về không gian Tết của nhiều thập niên trước. Không chỉ dừng lại ở việc làm đẹp, những hình ảnh ấy còn gợi nhắc đến giá trị văn hóa truyền thống, làm sống dậy ký ức về một thời Tết giản dị mà thân thương.
Ngoài ra, tại nhiều gia đình, người dân vẫn giữ thói quen trang trí nhà cửa theo phong cách xưa. Các góc nhà được tô điểm bởi câu đối đỏ, những bức tranh dân gian hoặc tranh Tết mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trên bàn thờ tổ tiên, người ta thường bày biện mâm ngũ quả với đủ loại trái cây tượng trưng cho sự sung túc, đủ đầy. Không thể thiếu những đèn lồng đỏ và hoa mai, hoa đào, biểu trưng cho sự phát triển, thịnh vượng. Không khí Tết như tràn ngập trong từng ngóc ngách của ngôi nhà, mang lại cảm giác ấm cúng và sum vầy.
Anh Nguyễn Huy Nam, chủ quán cafe An Nam, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cho biết: “Quán cafe của tôi lựa chọn trang trí theo phong cách Tết xưa vì trong ký ức của tôi, mỗi khi Tết đến, không khí trong gia đình luôn ngập tràn sự ấm áp và hạnh phúc. Tôi muốn mang lại cho khách hàng cảm giác thân thuộc, gần gũi như một phần của những ngày Tết xưa, khi mọi người quây quần bên nhau, cùng nhau trang trí nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên và thưởng thức những món ăn truyền thống. Những hình ảnh cây mai, cây đào, hay những chiếc đèn lồng đỏ không chỉ đơn thuần là trang trí, mà còn chứa đựng một phần giá trị văn hóa, giúp chúng ta nhớ về một thời kỳ của gia đình, tình cảm và sự gắn bó".
Không cầu kỳ hay hiện đại như ngày nay, Tết xưa mang vẻ đẹp gần gũi, bình dị nhưng chứa đựng sự ấm áp và đoàn viên. Việc trang trí nhà cửa không chỉ là công việc mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình gắn kết, chuẩn bị cho một mùa xuân trọn vẹn.
Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, Tết cổ truyền dân tộc vẫn giữ trong mình một sức hút kỳ diệu, như một chiếc neo níu giữ tâm hồn của người con xứ Thanh giữa bao đổi thay. Từ những góc phố, công viên được trang trí mang phong cách xưa, đến việc giữ gìn phong tục gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, lau chùi bàn thờ tổ tiên, tất cả đều là cách để con người níu giữ hồn dân tộc giữa lòng phố thị. Những nét đẹp truyền thống ấy còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là cách để con người tìm lại sự bình yên, ý nghĩa đích thực của thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hoai-niem-tet-xua-35205.htm