Hoài niệm về những chuyến bay giá rẻ thời Xô viết
Trước năm 1991, nhiều người Gruzia đến Moscow trên những chuyến bay giá 37 rubble của hãng hàng không Aeroflot. Chính Liên Xô chứ không phải quốc gia nào khác đã phát minh ra một mô hình mà sau này trở thành biểu tượng của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Đó là nội dung chính trong bài viết “Hoài niệm về những chuyến bay giá rẻ thời Xô viết” đăng trên báo Le Monde (Pháp) số ra gần đây.
Ngồi trong phòng khách được trang trí bằng những chậu hoa màu tím, bà Manana Natchkebia, 59 tuổi, người Gruzia, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm hơn 30 năm về trước, về những chuyến bay giá rẻ của hãng hàng không Aeroflot.
Khi 20 tuổi, Manana Natchkebi là công nhân trong một nhà máy ở Tbilisi, thủ đô Gruzia. Mức lương của cô dao động từ 300-400 rubble/tháng và cô không phải trả tiền nhà do ở trong khu tập thể của nhà máy. Vào ngày nghỉ, nhiều người đi du lịch thì Manana có sở thích khác, đó là bay sang thủ đô Moscow của Nga để mua sắm. Cô thích mua nước hoa và quần áo thời trang của Pháp. Thời kỳ đó, hàng nhập khẩu không có nhiều ở Gruzia, vì thế những phụ nữ thích thời trang như Manana thường bay sang Liên Xô để thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình. Thật may, giá vé máy bay giữa Tbilisi và Moscow khá rẻ, chỉ 37 rubble/chiều, một mức giá phải chăng và không cao hơn giá tàu hỏa là mấy.
Ở Gruzia ngày nay, những người thuộc thế hệ Xô viết trước đây giờ đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn nhớ những chuyến bay giá rẻ của hãng hàng không Aeroflot 30 năm về trước. “Ngày đó, chúng tôi rất thích Moscow. Chúng tôi thường đến đây vài ngày để đi thăm thủ đô, xem phim, nghe nhạc hay vào Lăng Lênin bởi vì chúng tôi đều là đảng viên Đảng Cộng sản. Có lần, chúng tôi bay từ Tbilisi sang Moscow và ngược lại chỉ trong vòng 24 giờ để tham dự một buổi tiệc, xem hòa nhạc hoặc làm tóc...”, Manana nhớ lại.
Theo trí nhớ của cựu phi công Kakha Chachava, 60 tuổi, trong những năm 1970 và 1980, nhiều người Gruzia đã đáp chuyến bay của Aeroflot đến Moscow với giá 37 rubble. "Có ít nhất 10 chuyến bay mỗi ngày giữa Tbilisi và Moscow, và con số này tăng lên 14 chuyến vào mùa hè", ông Kakha nhớ lại.
Không phải chỉ người Gruzia mà rất nhiều người dân ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây đều thích những chuyến bay 37 rubble của Aeroflot. Liên Xô đã phát minh ra các chuyến bay giá rẻ, biểu tượng của chủ nghĩa tư bản hiện đại, rất lâu trước khi easyJet hay Ryanair xuất hiện.
Có nhiều điểm chung giữa các chuyến bay của Aeroflot và các chuyến bay của các hãng hàng không giá rẻ hiện nay: Ít ghế hạng thương gia, tiện nghi cơ bản, không có bữa ăn phụ và nhân viên không phải lúc nào cũng dễ chịu. Nhà sử học người Mỹ Steven Harris, người sắp ra một cuốn sách về Aeroflot, nhận xét: “Thật kỳ lạ, ngay từ những năm 1990, Aeroflot đã đi tiên phong trong việc cung cấp những chuyến bay giá rẻ. Dịch vụ giảm đến mức tối thiểu để người dân mua được giá vé thấp nhất".
Tại Liên Xô, số lượng hành khách hàng không làm phương tiện đi lại đã tăng đáng kể, từ 8 triệu lượt người (trong tổng số 203 triệu người dân) năm 1958 lên tới hơn 100 triệu lượt người (trong tổng số 257 triệu dân dân) năm 1976. Sự phát triển của giao thông hàng không đi đôi với việc phát triển du lịch. Erik Scott, Giáo sư lịch sử nghiên cứu về Liên Xô của Đại học Kansas (Mỹ) giải thích: “Trong thời kỳ hậu Stalin, chính quyền Xô viết đã mang đến cho người dân nhiều cơ hội đi du lịch và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Các chuyến bay cho phép nhiều người đi du lịch hơn”.
Năm 1990, Aeroflot ghi vào Sách Kỷ lục Guinness thế giới với tư cách là hãng hàng không lớn nhất thế giới, với mạng lưới hơn 1 triệu km đường bay nội địa nối liền 3.600 thị trấn và thành phố.
Giao thông hàng không thuận lợi cũng góp phần thúc đẩy giao thương và trao đổi văn hóa. Đạo diễn Lana Gogoberidze, 92 tuổi, người đã từng làm việc với nhà đạo diễn điện ảnh, nhà biên kịch nổi tiếng của Nga Andrei Tarkovsky thường xuyên có các chuyến bay đến Moscow. "Vào thời điểm đó, tôi phải đến Moscow để tham dự các buổi thuyết trình hoặc hỗ trợ đoàn làm phim trước ủy ban kiểm duyệt", bà Lana nói. Ngoài ra, bà còn tranh thủ gặp gỡ bạn bè và tận hưởng đời sống văn hóa ở thủ đô Moscow.
Nhưng tất cả đã kết thúc vào năm 1991, thời điểm đánh dấu sự tan rã của Liên Xô. Các chuyến bay giá 37 rubble bị ngừng lại sau khi Aeroflot tái cơ cấu. Kể từ đó, đường bay Tbilisi-Moscow cũng phản ánh căng thẳng giữa Nga và Gruzia trong bối cảnh xung đột ly khai của Abkhazia và Nam Ossetia. Tháng 6-2019, Moscow đã cấm tất cả các đường bay trực tiếp với Gruzia sau một cuộc biểu tình bạo lực chống Nga ở Tbilisi. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc chiến năm 2008.
Ngày nay, giới trẻ Gruzia thích đi du lịch ở Berlin (Đức), Prague (Séc) Amsterdam (Hà Lan), Barcelona (Tây Ban Nha) hay Paris (Pháp) trên những chuyến bay của các hãng hàng không giá rẻ như Wizz Air của Hungary, Pegasus Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng với những người lớn tuổi Gruzia yêu mến Liên Xô, họ vẫn nhớ về cụm từ "37 rubble", về những chuyến bay giá rẻ của Aeroflot. “Đó là hoài niệm thời tuổi trẻ của chúng tôi”, bà Manana Natchkebia nhấn mạnh.