Hoài niệm về thời kỳ trước đại dịch

Trong giai đoạn cuối của đại dịch, hàng triệu người trẻ nhớ nhung quãng thời gian này vào đầu năm ngoái. Họ lãng mạn hóa các xu hướng, nỗi ám ảnh và âm thanh của 18 tháng trước.

Thật dễ dàng để quên đi tình trạng khan hiếm giấy vệ sinh, những con phố vắng người và các cửa hàng tạp hóa được khử trùng. Những ngày, hoặc thậm chí vài tuần đầu tiên của đại dịch giống như thứ gì đó mới lạ và hấp dẫn, theo The Atlantic.

Bạn có thời gian thử làm cà phê dalgona hay bánh mì tại nhà. Bạn miệt mài chơi Animal Crossing. Bạn chưa biết gì về biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Bạn nghĩ rằng mình có thể trở lại trường học hoặc văn phòng là việc chỉ trong vài tuần.

Nhưng đó là hồi tháng 3/2020.

Lúc này, trong giai đoạn cuối của đại dịch, hàng triệu người trẻ nhớ nhung quãng thời gian này vào đầu năm ngoái. Họ lãng mạn hóa các xu hướng, nỗi ám ảnh và âm thanh của 18 tháng trước.

 Mọi người mua giấy vệ sinh và các mặt hàng khác tại một siêu thị ở Novato (bang California, Mỹ) vào tháng 3/2020. Ảnh: Josh Edelson/AFP.

Mọi người mua giấy vệ sinh và các mặt hàng khác tại một siêu thị ở Novato (bang California, Mỹ) vào tháng 3/2020. Ảnh: Josh Edelson/AFP.

Xu hướng hoài niệm

James Ikin (25 tuổi), ở London (Anh), đã tham gia trào lưu “hoài niệm đại dịch” từ tháng 10 năm ngoái.

“Thời điểm đó thật thuần túy và đơn giản. Bạn bị nhốt trong nhà và đó là tình cảnh chung trong tương lai gần của tất cả mọi người. Trong khi đó, lúc này, bạn đang phải cố gắng vạch ra hướng đi mới và cuộc sống trở nên phức tạp hơn nhiều”, anh chia sẻ với The Atlantic.

Tháng 3/2021, trào lưu hoài cổ trở lại để “kỷ niệm” một năm Covid-19 bùng phát trên thế giới.

Sophie Feldman, sinh viên đại học 22 tuổi đến từ Chicago (bang Illinois, Mỹ), nhớ lại khoảnh khắc bắt gặp video sử dụng ca khúc Supalonely của Benee khi đang lướt Internet vào một ngày tháng 8/2020.

“Ngay lập tức, nó gợi nhớ lại cho tôi vô vàn kỷ niệm”, cô chia sẻ. Những kỷ niệm này của Feldman nghe chừng như ký ức xa xăm, nhưng thực ra mới xảy ra 5 tháng trước đó.

“Chúng ta chỉ cảm thấy luyến tiếc khoảng thời gian mà dường như mọi người đều đồng lòng chung sức mặc dù bị cô lập về mặt thể chất. Tôi nhận thấy điều này đã tan biến dần trong 1,5 năm qua”, Feldman chia sẻ.

 Nhiều người hoài niệm về tháng 3/2020, khi sự việc chưa trở nên quá tồi tệ. Ảnh: Carlos Alvarez.

Nhiều người hoài niệm về tháng 3/2020, khi sự việc chưa trở nên quá tồi tệ. Ảnh: Carlos Alvarez.

Phản ứng tự nhiên của con người

Theo David Newman, một nhà nghiên cứu tại UC San Francisco, nỗi hoài niệm là một phản ứng tự nhiên đối với sự không chắc chắn và không hài lòng của con người.

Trong các nghiên cứu của Newman về hoài niệm, ông phát hiện ra rằng phần lớn mọi người hoài niệm mỗi khi cảm thấy cô đơn hoặc bị cô lập.

Theo Newman và các chuyên gia tâm lý học khác, bẵng theo thời gian, chúng ta có thể quên đi ký ức tiêu cực và chỉ giữ lấy những phần tích cực.

Bởi vậy, cho dù là vì quy định đeo khẩu trang quay trở lại, hay đợt bùng phát dịch do biến chủng Delta gần đây, mọi người mong mỏi trở lại khoảng thời gian khi mức độ nghiêm trọng của mọi thứ chưa hoàn toàn nghiêm trọng.

Hầu hết mọi người đều nhận thức sâu sắc rằng họ sẽ nhớ về đại dịch trong nhiều năm tới. Và có lẽ họ đang ghi lại những ngày này với tâm niệm đó trong trí óc.

Các phương tiện truyền thông xã hội chắc chắn khuyến khích kiểu hoài niệm sớm này, hoặc ít nhất là thôi thúc ghi lại khoảnh khắc hiện tại cho hậu thế.

Khó phai mờ

Tất nhiên, không phải ai cũng hoàn toàn đồng tình, hào hứng đối với thể loại video gợi nhớ về thời gian đầu đại dịch.

Mục bình luận luôn sẽ có một số người tức giận vì nội dung video đang tán dương sự lây lan của căn bệnh chết người.

Thực tế, phụ huynh, nhân viên thiết yếu và chuyên gia y tế không có đặc quyền được nghỉ ngơi yên bình trong đại dịch. Vấn đề giai cấp và chủng tộc cũng leo thang.

 Với Philaé Lachaux (22 tuổi), sống ở Paris (Pháp), “đại dịch giống như một điểm dừng lớn trong cuộc đời chúng tôi". Ảnh: Dmitry Kostyukov.

Với Philaé Lachaux (22 tuổi), sống ở Paris (Pháp), “đại dịch giống như một điểm dừng lớn trong cuộc đời chúng tôi". Ảnh: Dmitry Kostyukov.

Bên cạnh đó, mặc dù không nghiêm trọng bằng cái chết, những mất mát mà nhiều người trẻ phải trải qua suốt 18 tháng qua đã tạo ra một loại nỗi đau tiềm ẩn của riêng họ.

Cả một thế hệ thanh niên phải bỏ lỡ những cột mốc quan trọng đầu đời như lễ tốt nghiệp, chuyển tới ký túc xá đại học hoặc một thành phố mới, tiệc sinh nhật lần thứ 21 hoặc công việc đầu đời.

Những cột mốc truyền thống của tuổi trưởng thành bị thay thế bởi quãng thời gian dài ở nhà, dưới sự để ý của gia đình và trong phòng ngủ gắn liền với tuổi thơ.

Những bạn trẻ này cũng lo lắng về một mùa thu đông tiềm tàng sự bất ổn. Một số người đã trở lại lớp học hoặc văn phòng trực tiếp, song họ không chắc nó sẽ kéo dài. Họ cũng sợ hãi khi nghĩ đến viễn cảnh lại phải học tập, làm việc từ xa lần nữa.

Một số khác vẫn đang làm việc ở nhà và họ không thể chịu đựng hơn được nữa. Trong bối cảnh đó, hoài niệm thời kỳ đầu đại dịch là phản ứng dễ hiểu trước sự mệt mỏi chồng chất do Covid-19 gây ra.

Và khi virus SARS-CoV-2 trở thành một thứ đặc hữu trong xã hội, có vẻ thời kỳ đầu đại dịch sẽ không dễ dàng phai mờ trong ký ức mọi người.

Internet là không gian trút bỏ cảm xúc mất mát và đau buồn của những người trẻ tuổi. Tại đó, những ký ức về cuộc sống thời kỳ đầu đại dịch không những trở thành một cách để kết nối với người khác, mà còn là phương thức đối phó với nỗi buồn ấy.

Cảm giác tội lỗi đi kèm với sự hoài niệm đại dịch là hệ quả của việc mọi người cố gắng nhặt nhạnh giá trị từ khoảng thời gian khủng khiếp ấy.

Mặc dù nỗi hoài niệm có thể là phương pháp chữa lành hữu hiệu lúc này, một mình nó không thể giúp phục hồi lâu dài và có ý nghĩa như những gì mọi người khao khát.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoai-niem-ve-thoi-ky-truoc-dai-dich-post1267919.html