Hoàn tất bàn giao cọc giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 2 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Ngày 28-2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Quản lý dự án) cho biết, đơn vị đã hoàn thành công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng (GPMB) ngoài thực địa đối với Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Hiện huyện Cái Bè đang tiến hành các trình tự, thủ tục để thực hiện công tác GPMB.
Theo Ban Quản lý dự án, ngày 24-6-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.
Theo đó, Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan chủ quản. Dự án thành phần 2 có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại lý trình khoảng Km23+109 (cách nút giao An Bình khoảng 4 km) thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại lý trình khoảng Km98+950 (cách nút giao An Thái Trung khoảng 1,8 km) thuộc xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Dự án thành phần 2 có tổng chiều dài khoảng 11,43 km; trong đó thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 3,81 km và tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62 km. Quy mô mặt cắt ngang như sau: Giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế (mỗi làn xe rộng 3,5 m) với chiều rộng nền đường là 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe cao tốc (mỗi làn xe rộng 3,75 m) với chiều rộng nền đường là 24,75 m, vận tốc khai thác là 100 km/h.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án thành phần 2 khoảng 2.246 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; trong đó, chi phí GPMB khoảng 398 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027.
Cũng theo Ban Quản lý dự án, tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 2 trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là dự kiến trên cơ sở suất đầu tư của dự án trước đó. Hiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đã hoàn thành.
Phạm vi phải xử lý nền đất yếu hầu như toàn tuyến và nguồn cung vật liệu đáp ứng theo tiêu chuẩn đường cao tốc khan hiếm, giá cả vật liệu tăng cao nên tổng mức đầu tư thực tế tăng cao hơn nhiều so tổng mức đầu tư trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã dự kiến trước đây.
Ngoài ra, công tác GPMB đã được triển khai tính toán cơ bản thực tế tăng cao so chi phí GPMB trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt.
Hiện nay, tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 2 tăng khoảng 1.085 tỷ đồng, trong đó tỉnh Tiền Giang tăng khoảng 776 tỷ đồng và tỉnh Đồng Tháp tăng khoảng 309 tỷ đồng.
Để có cơ sở triển khai dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý dự án đang dự thảo văn bản tham mưu UBND tỉnh có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện dự án và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tăng tổng mức đầu tư của dự án để địa phương thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án theo quy định.