Hoàn thiện các quy định kỹ thuật của từng phương pháp định giá đất
Về việc sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất cần hoàn thiện các quy định kỹ thuật của từng phương pháp định giá đất; đối tượng, điều kiện, tiêu chí áp dụng đảm bảo dễ thực thi, tránh việc tùy tiện trong lựa chọn phương pháp.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 327/TB-VPCP ngày 14/8/2023 tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Việc sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về phương pháp xác định giá đất cần dựa trên phương pháp luận đúng đắn, cơ sở khoa học, kinh nghiệm của các nước trên thế giới và điều kiện thực tiễn hiện nay của Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các Hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các chuyên gia, rà soát hoàn thiện các quy định, trong đó:
Hoàn thiện các quy định kỹ thuật của từng phương pháp định giá đất; đối tượng, điều kiện, tiêu chí áp dụng đảm bảo dễ thực thi, tránh việc tùy tiện trong lựa chọn phương pháp; nghiên cứu có quy định về các trường hợp cần áp dụng phương pháp kiểm chứng.
Quy định về trình tự thủ tục, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm khâu trung gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đi đôi với tăng cường trách nhiệm của từng cấp, từng ngành (tổ chức tư vấn định giá đất, hội đồng định giá,…) và kiểm tra, giám sát của cấp trên phù hợp với các nguyên tắc, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bổ sung các quy định về thu thập thông tin, dữ liệu, nguồn thông tin (dữ liệu giá đấu giá, dữ liệu giao dịch từ cơ quan thuế,…), trách nhiệm cung cấp thông tin, tiếp cận thông tin của tổ chức tư vấn định giá đất để bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có các cơ sở pháp lý làm cơ sở áp dụng phương pháp định giá phù hợp, giảm thiểu sự phụ thuộc vào ý chí chủ quan.
Cùng với đó, hoàn thiện các quy định chuyển tiếp đảm bảo theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật, khả thi, phù hợp với yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, hài hòa giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Cũng tại thông báo kết luận này, Phó Thủ tướng khẳng định: Giá đất là chính sách lớn có tính chất then chốt trong chính sách đất đai, nên việc sửa đổi theo quy trình rút gọn thực thiện trong trường hợp sửa đổi các vấn đề kỹ thuật. Những nội dung sửa đổi trong dự thảo Nghị định có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, tổ chức, các chuyên gia tại cuộc họp hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định về giá đất; khẩn trương lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tham vấn các đối tượng chịu tác động để hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 25/8/2023.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, có 5 phương pháp định giá đất tại Nghị định 44, bao gồm các phương pháp: So sánh trực tiếp; chiết trừ; thu nhập; thặng dư; hệ số điều chỉnh giá đất. Thông qua công tác định giá đất cụ thể, giá đất đã cơ bản phù hợp với giá thị trường, hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi.
Tuy nhiên, sau hơn 9 năm thi hành, một số quy định về phương pháp định giá đất đã bộc lộ hạn chế, tồn tại. Một số địa phương còn lúng túng trong áp dụng thực hiện và làm ảnh hưởng đến tiến độ xác định giá đất. Một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp với điều kiện thực tế về thông tin thị trường, quyền sử dụng đất còn thiếu minh bạch, chưa phù hợp với công tác quản lý Nhà nước về giá đất trong bối cảnh chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá đất. Quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau…
Vì vậy, việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44 để kịp thời hoàn thiện các quy định về phương pháp định giá đất, đổi mới trình tự xác định giá đất cụ thể để bảo đảm khơi thông nguồn lực đất đai, đồng thời hướng dẫn các địa phương thống nhất triển khai thực hiện việc UBND tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 6/5/2023 của Chính phủ là cần thiết.