Hoàn thiện các vấn đề kỹ thuật để đáp ứng EUDR
Theo quy định mới ban hành của EU, những doanh nghiệp lớn phải tuân thủ các quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) từ ngày 30/12/2024 và doanh nghiệp nhỏ và vừa thì bắt đầu áp dụng từ 30/6/2025.
Theo quy định của EUDR, 7 nhóm mặt hàng bị ảnh hưởng. Tại Việt Nam chủ yếu có ba mặt hàng gồm gỗ, cao su và cà phê.
Các sản phẩm được sản xuất thuộc nhóm ngành hàng này phải tuân thủ ba điều kiện: không gây mất rừng so với hiện trạng ở thời điểm 31/12/2020, chứng minh được tính pháp lý của việc sản xuất theo quy định của nước nhập khẩu, đồng thời có báo cáo giám định về tính hợp pháp này.
Mặc dù các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam những năm gần đây đã tuân thủ nhiều quy định của EU, tuy nhiên, các quy định EUDR của Liên minh châu Âu đang là vấn đề mới, như thông tin về tọa độ địa lý của vùng rừng khai thác chưa rõ ràng, các định nghĩa về rừng của Việt Nam và EU chưa đồng nhất, có những khu vực Việt Nam coi là rừng thì EU lại không hoặc ngược lại, hay diện tích rừng tối thiểu EU quy định là 0,5 ha còn Việt Nam là 0,3 ha, hay EUDR không có quy định nào về quy hoạch sử dụng đất còn Việt Nam lại có...
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi thấy rằng Việt Nam và EU thì định nghĩa về rừng còn một số điểm khác biệt, chỗ nào là đất rừng và chỗ nào là đất lâm nghiệp, chúng ta cần phải làm rõ. Đặc biệt là định vị địa lí, cung cấp dữ liệu vùng trồng và mã số vùng trồng, các QR code cho nông dân để họ đảm bảo sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc”.
Ngay sau khi EU ban hành EUDR, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 88/NĐ-CP ngày 8/6/2023, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Khi mà châu Âu ban hành đạo luật về cấm các sản phẩm có nguồn gốc phá rừng và ngay sau khi đạo luật này ban hành thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phiên làm việc trực tiếp với Tổng vụ môi trường châu Âu là cơ quan đề xuất dự thảo dự luật này và có nhiều hội thảo tham vấn các bên liên quan để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch hành động để chuẩn bị cho các ngành hàng, trong đó có hai ngành hàng có sản phẩm xuất khẩu rất lớn vào châu Âu là ngành hàng gỗ, cà phê, cao su”.
Ngành gỗ và cà phê là hai trong những ngành xuất khẩu top đầu của Việt Nam sang EU. Việc Liên minh châu Âu đưa ra các quy định về sản xuất xanh, trong đó có quy định về chống phá rừng là vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam.
Việc sớm thực thi các quy định này sẽ giúp ngành gỗ và chế biến cà phê của Việt Nam phát triển bền vững, thể hiện cam kết của Việt Nam trong giảm phát thải CO2 và chống biến đổi khí hậu.