Hoàn thiện cao tốc, khơi thông nguồn lực

Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới được xác định là công trình giao thông chiến lược, trục động lực góp phần tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội cho khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Sau một thời gian đưa vào vận hành, tuyến đường đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải được đầu tư hoàn chỉnh theo đúng quy hoạch và tiêu chuẩn kỹ thuật. Sự chủ động của tỉnh Thái Nguyên cùng sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương liên quan và nhà đầu tư đang mở ra triển vọng hiện thực hóa dự án này.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đưa vào vận hành năm 2014, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đưa vào vận hành năm 2014, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng (CT.07) dài khoảng 227km, quy mô cao tốc 4-6 làn xe, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Về quy mô, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đầu tư 6 làn xe; đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, quy mô 4 làn xe.

Tuy nhiên, thực tế đoạn Hà Nội - Thái Nguyên dài 62,4km (đưa vào vận hành năm 2014) vẫn đang khai thác ở mức 4 làn xe, dù phần lớn đã được giải phóng mặt bằng và xây dựng cầu, cống với quy mô 6 làn.

Riêng đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới dài 41,3km mới chỉ có 2 làn xe, đầu tư theo hình thức BOT từ năm 2017, không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu 4 làn xe như quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc. Điều đó khiến tuyến đường mất đi chức năng cao tốc đúng nghĩa và bộc lộ nhiều bất cập khi khai thác.

Công trình cầu Cạn trên cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, thuộc địa phận xã Phú Lương. Ảnh: T.L

Công trình cầu Cạn trên cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, thuộc địa phận xã Phú Lương. Ảnh: T.L

Thống kê cho thấy, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên ngày càng lớn, trung bình khoảng 25.000 đến 45.000 phương tiện quy đổi mỗi ngày đêm. Sau hơn 10 năm đưa vào vận hành, một số vị trí mặt đường đã bị hằn lún, làn dừng khẩn cấp hẹp, tổ chức giao thông chưa hợp lý khiến nhiều đoạn xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm.

Anh Nguyễn Văn Thắng, phường Phan Đình Phùng: Tôi lái xe tuyến Hà Nội - Thái Nguyên hơn 10 năm, quen thuộc từng đoạn đường. Nhiều khúc rất dễ ùn tắc, chỉ cần một vụ va chạm nhẹ là có thể kẹt xe cả tiếng đồng hồ. Nếu mở rộng lên 6 làn xe, có làn dừng khẩn cấp thì sẽ an toàn hơn nhiều cho lái xe và hành khách.

Với đặc thù có nhiều xe tải nặng, xe container lưu thông thường xuyên, tuyến đường này đang đối mặt với áp lực vượt quá thiết kế ban đầu. Không chỉ gây mất an toàn giao thông, sự quá tải còn kéo theo chi phí vận hành cao, gia tăng thời gian di chuyển, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp vận tải và các ngành kinh tế liên quan.

Những bất cập đó là lý do khiến Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới theo hình thức đối tác công tư (PPP). Phương án đề xuất được chia làm hai đoạn.

Đoạn thứ nhất, từ nút giao Vành đai III của Hà Nội đến nút giao Tân Long dài 61,2km, sẽ được đầu tư mở rộng lên quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100km/h. Đoạn thứ hai, từ Tân Long đến nút giao Thanh Bình (xã Chợ Mới), dài 39,49km, đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ tương tự.

Tổng mức đầu tư dự kiến cho toàn tuyến là 16.789 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước khoảng 5.363 tỷ đồng, còn lại do nhà đầu tư huy động. Hình thức hợp đồng là BOT, trong khi người dân vẫn có quyền lựa chọn tuyến đường không thu phí song song là Quốc lộ 3 cũ.

Thái Nguyên chủ động “nhận vai”

Theo thông báo của Bộ Xây dựng mới đây, tỉnh Thái Nguyên được giao chủ quản, có thẩm quyền tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới. Đây là quyết định hợp lý, bởi trong tổng chiều dài tuyến 100,69km, đoạn đi qua Thái Nguyên chiếm phần lớn.

Tỉnh cũng là địa phương được hưởng lợi lớn nhất khi tuyến đường hoàn thành, với vai trò trung tâm kết nối khu vực Trung du, miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm công nghiệp - dịch vụ lớn ở miền Bắc.

Ngay sau khi Bộ Xây dựng có văn bản về phương án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới, UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua nghị quyết đồng thuận về việc đề xuất thực hiện Dự án.

Sở Xây dựng Thái Nguyên là đầu mối kỹ thuật, đã đánh giá toàn diện hiện trạng tuyến, lập phương án kỹ thuật sơ bộ, đề xuất quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, cơ cấu vốn, hình thức thực hiện… Tinh thần chủ động, khẩn trương đó thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc đón đầu cơ hội, thúc đẩy liên kết vùng và cải thiện hạ tầng chiến lược.

Với kinh nghiệm từ việc triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm trong những năm qua như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc; đường Vành đai V, cầu Huống Thượng, cầu Bến Tượng… Thái Nguyên có đủ năng lực thực hiện, nhất là vấn đề đối ứng vốn và giải phóng mặt bằng, cùng kinh nghiệm để đảm nhiệm thực hiện.

Việc giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư cũng phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền của Trung ương, giúp rút ngắn thủ tục, tăng tính chủ động, phát huy nguồn lực tại chỗ, đảm bảo tính đồng bộ giữa đầu tư hạ tầng và quy hoạch phát triển không gian hai bên tuyến.

Tạo động lực phát triển mới

Việc hoàn thiện tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới không chỉ giải quyết bài toán giao thông, mà còn tạo ra đòn bẩy quan trọng cho phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên nói riêng và vùng Trung du, miền núi phía Bắc nói chung, nhất là sản xuất công nghiệp và logistics.

Tuyến đường góp phần tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh như: Điểm Thụy, Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II… với Thủ đô Hà Nội và các cảng biển, cửa khẩu quốc tế. Nhờ đó, chi phí logistics sẽ giảm, tính cạnh tranh của sản phẩm tăng lên, mở ra cơ hội thu hút thêm đầu tư cả trong và ngoài nước vào Thái Nguyên và vùng phụ cận.

Bà Đỗ Mai Hương, Phó Giám đốc Công ty CP Thương Mại và Du Lịch Hà Lan: Chúng tôi hiện có khoảng 400 đầu xe, trong đó 2/3 lượng xe hoạt động trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới. Việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường này sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tăng khả năng xoay vòng phương tiện, giảm chi phí nhiên liệu và hao mòn kỹ thuật. Giảm ùn tắc cũng đồng nghĩa với tăng độ an toàn và giảm rủi ro tai nạn.

Không dừng lại ở đó, tuyến cao tốc hoàn chỉnh còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, giảm tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian đi lại từ các địa phương vùng cao đến trung tâm hành chính của tỉnh và các đô thị lớn. Điều này cũng mở ra cơ hội để người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ giáo dục, y tế, thương mại và thị trường lao động năng động ở vùng trung tâm.

Các trạm dừng nghỉ cần đầu tư đồng bộ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới, để đáp ứng nhu cầu của người và phương tiện.

Các trạm dừng nghỉ cần đầu tư đồng bộ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới, để đáp ứng nhu cầu của người và phương tiện.

Trên bình diện chiến lược, việc hoàn thiện tuyến đường là một mắt xích quan trọng trong hành lang kinh tế Việt Bắc, nối từ Cao Bằng - Thái Nguyên - Hà Nội - Hải Phòng; góp phần thực hiện hiệu quả các nghị quyết về phát triển vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc - nơi có rất nhiều tiềm năng nhưng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn nhất định.

Hiện nay, nhà đầu tư chính được đề xuất là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - một đơn vị có năng lực và kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn như mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cầu Bạch Đằng…

Tuy nhiên, để được lựa chọn chính thức, doanh nghiệp này phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm và kế hoạch huy động vốn. Một vấn đề khác cũng cần được xử lý thỏa đáng là sự phối hợp với nhà đầu tư BOT hiện hữu đang quản lý đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, nhằm đảm bảo không chồng lấn pháp lý và quyền lợi giữa các bên.

Có thể khẳng định, Dự án đầu tư hoàn chỉnh tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới là một minh chứng rõ nét cho tư duy phát triển đồng bộ, bài bản và hướng tới hiệu quả lâu dài. Việc lựa chọn hình thức PPP giúp giảm áp lực ngân sách Nhà nước, đồng thời phát huy nguồn lực xã hội hóa, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đây cũng là "bài kiểm tra" thực tế về năng lực triển khai các dự án hạ tầng lớn theo mô hình đối tác công - tư tại các địa phương.

Với quyết tâm chính trị cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, cùng sự đồng thuận của người dân, tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới khi hoàn thành không chỉ mang lại những thay đổi tích cực về giao thông, mà còn mở ra một không gian phát triển mới, góp phần định hình lại bản đồ kinh tế khu vực và tạo nền tảng vững chắc cho những đột phá của Thái Nguyên trong giai đoạn tới.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới có tổng chiều dài 100,69km. Đoạn từ Vành đai III (Hà Nội) đến Tân Long dài 61,2km, sẽ được mở rộng lên 6 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100km/h. Đoạn từ Tân Long đến Thanh Bình (xã Chợ Mới) dài 39,49km, sẽ được đầu tư quy mô 4 làn xe, cùng tốc độ thiết kế.

Tổng mức đầu tư toàn tuyến là 16.789 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 5.363 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương và tỉnh Thái Nguyên). Dự án dự kiến thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.

Nhóm P.V

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-thong/202507/hoan-thien-cao-toc-khoi-thong-nguon-luc-603191b/