Hoàn thiện chính sách để nuôi dưỡng kinh tế sáng tạo
Khẳng định tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo (KTST) rất lớn, theo các chuyên gia, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng KTST.
Tiềm năng lớn
Lần đầu tiên, vấn đề KTST được nghiên cứu tại Việt Nam tại Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Phát triển KTST: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hôm qua (26/4).
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ: “Những ý tưởng, đề xuất chính sách quan trọng đầu tiên về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn… đều được khởi xướng, hoàn thiện ở Viện. Trong tư duy của chúng tôi, phát triển các mô hình mới ấy không chỉ dựa vào công nghệ mới, mà phần lớn phải xuất phát từ sự chủ động, sáng tạo của các chủ thể khi tiếp cận các ngành nghề, thị trường, khách hàng truyền thống. Đó chính là không gian “vô tận” để chúng ta khai thác các ý tưởng cho mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian tới…” - bà Minh hào hứng.
Viện trưởng CIEM bày tỏ ấn tượng về những tư duy, cách làm hết sức sáng tạo ở chính những DN, ngành nghề được cho là “khá truyền thống”. “Chẳng hạn, khi đi thăm một cơ sở gốm sứ nghệ thuật ở Phú Thọ, chúng tôi không chỉ ấn tượng với công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, mà còn được lắng nghe những câu chuyện văn hóa mà người chủ cơ sở đã chia sẻ về từng sản phẩm. Những trải nghiệm ấy thực sự mới, thực sự sáng tạo và thị trường sẽ sẵn sàng tưởng thưởng cho những sáng tạo ấy…” - bà Minh chia sẻ.
Theo Viện trưởng CIEM, lợi ích của KTST đã sớm được thực chứng ở nhiều quốc gia, kể cả các nước đang phát triển ở khu vực châu Á. Kinh nghiệm quốc tế, trong đó có CHLB Đức, cho thấy tư duy về KTST giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu, từ đó mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho DN và thu nhập cao hơn cho người lao động…
Làm gì để phát triển kinh tế sáng tạo?
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM dẫn thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, quy mô thị trường toàn cầu cho hàng hóa sáng tạo đã tăng trung bình 2,28%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020 và tăng tới 16,56% năm 2021. Tổng xuất khẩu dịch vụ sáng tạo toàn cầu đã tăng trung bình 8,14%/năm trong giai đoạn 2011 - 2020.
Việt Nam đã nỗ lực tiếp cận các ngành công nghiệp và dịch vụ sáng tạo. Thống kê của UNCTAD cho thấy Việt Nam đã xuất khẩu không ít hàng hóa sáng tạo. Tuy nhiên, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của cả các nước phát triển và các nước đang phát triển trong phát triển KTST, cụ thể trên các khía cạnh như tiếp cận phát triển KTST dựa trên nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của mô hình kinh tế này, coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách phát triển KTST, thúc đẩy các điển hình tốt, hoàn thiện cơ sở lý luận và hệ thống thông tin về đo lường KTST, thu hút tài năng gắn với phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo phục vụ KTST và phát triển các mạng lưới, cụm công nghiệp sáng tạo.
Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, Việt Nam đã bước đầu có khung chính sách liên quan đến phát triển KTST. Các nhóm chính sách hiện có đã bao gồm cả các chính sách chung và chính sách cụ thể đối với một số ngành. Phạm vi chính sách hiện có là tương đối rộng, từ chính sách ưu đãi thuế, khoa học - công nghệ cho đến chính sách cạnh tranh, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Một số chính sách, quy định đã được hoàn thiện và đáp ứng rất tốt yêu cầu phục vụ phát triển KTST. Chẳng hạn, các quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được hoàn thiện phù hợp với các cam kết quốc tế và các thông lệ quốc tế tốt nhất, qua đó giúp tạo động lực và sự yên tâm cho các chủ thể phát huy sức sáng tạo và tài sản trí tuệ trong nền KTST.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng CIEM, khảo sát tại một số địa phương cho thấy cách hiểu khác nhau về KTST, có nơi còn hiểu “đại khái” KTST giống với đổi mới, sáng tạo. “Chính sách cho KTST chỉ mới cụ thể ở một số ngành, song chưa điều chỉnh kịp thời phù hợp với bối cảnh mới của các ngành này, trong khi nhiều hoạt động sáng tạo còn thiếu khung chính sách, quy định pháp lý...” - bà Minh nói.
Trong khuyến nghị các giải pháp nhằm phát triển KTST ở Việt Nam thời gian tới, nhóm nghiên cứu CIEM nhấn mạnh yêu cầu cần hoàn thiện khung chính sách vững chắc để nuôi dưỡng KTST, gắn với tạo không gian, động lực và sự yên tâm cho các chủ thể sáng tạo. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng DN, hướng tới việc xây dựng và triển khai hiệu quả một Chiến lược quốc gia về KTST.