Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam
Trên cơ sở Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Chính phủ cần quy định cụ thể về các tiêu chí doanh nghiệp dân tộc, để có cơ chế, chính sách phát triển đối với doanh nghiệp dân tộc.
Cơ sở chính trị
Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023 của Đảng đã đưa ra quan điểm về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới: Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng,
Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Có thể thấy, Nghị quyết 41-NQ/TW của Đảng rất chú trọng đến việc phát triển doanh nghiệp dân tộc để dẫn dắt các lĩnh vực then chốt, trọng yếu, làm chủ chuỗi giá trị công nghiệp để phát triển đất nước, xã hội. Chính vì vậy, dựa trên cơ sở này, Chính phủ cần quy định cụ thể về các tiêu chí doanh nghiệp dân tộc, để có cơ chế, chính sách phát triển đối với doanh nghiệp dân tộc.
Định nghĩa, các đặc điểm doanh nghiệp dân tộc
Mặc dù trong Nghị quyết 41-NQ/TW năm 2023 có đưa ra “có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu”, nhưng hiện tại chưa có định nghĩa nào về doanh nghiệp dân tộc. Theo chúng tôi, có thể hiểu một cách khái quát doanh nghiệp dân tộc là những doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, do người Việt Nam làm chủ sở hữu và có uy tín trên thị trường. Từ cách hiểu này, chúng tôi đưa ra được các đặc điểm của doanh nghiệp dân tộc, cụ thể như sau:
Một là, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, đều là doanh nghiệp dân tộc nếu chủ sở hữu là người Việt Nam. Nghĩa là bất kể doanh nghiệp đó là những doanh nghiệp hàng đầu hay là những doanh nghiệp siêu nhỏ có sở hữu là người Việt Nam thì đó là doanh nghiệp dân tộc.
Hai là, không phân biệt các doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, đáp ứng được yêu cầu do người Việt chúng ta sở hữu thì được coi là doanh nghiệp dân tộc, như các doanh nghiệp cheabol (tập đoàn) của Hàn quốc, các tập đoàn Panasonic, Toyota, người sở hữu đều là người của quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ba là, không phân biệt các doanh nghiệp ở trong nước hay ngoài nước đang hoạt động, chỉ cần đó là doanh nghiệp do người Việt làm chủ, không phân biệt đang hoạt động ở hải ngoại, chỉ cần đó là người Việt chúng ta là chủ sở hữu thì đều coi đó là doanh nghiệp dân tộc. Điều này đưa lại sự gắn kết giữa các doanh nhân, doanh nghiệp Việt kiều đang sinh sống ở hải ngoại cũng như các chủ doanh nghiệp trong nước, vì mục đích chung hướng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bốn là, một điểm mang tính chất định tính là doanh nghiệp phải có uy tín trên thị trường, có thể là trong nước hoặc ngoài nước, những doanh nghiệp như này sẽ góp phần thúc đẩy thương hiệu, tạo lòng tin đối với xã hội, đất nước.
Nếu hiểu theo nghĩa như trên rất trực quan, sinh động, bao hàm được các đặc điểm để doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp dân tộc, phân biệt với các doanh nghiệp khác như các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý vấn đề sau: Trong Luật Đầu tư 2020 thì các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam thì những doanh nghiệp được đầu tư đó có thể coi là doanh nghiệp dân tộc hay chỉ là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, điều này chúng ta cũng cần làm rõ nội hàm để xác định được doanh nghiệp dân tộc hay không? Theo chúng tôi được biết đến nay vẫn chưa có sự xác định đó là doanh nghiệp dân tộc, mà chỉ được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hoàn thiện chính sách,pháp luật về doanh nghiệp dân tộc
Theo quan điểm của chúng tôi, không nên quy định riêng về doanh nghiệp dân tộc mà cần lồng ghép các quy định liên quan đến doanh nghiệp dân tộc trong các văn bản pháp luật đã sẵn có, bởi doanh nghiệp dân tộc không tách rời các quy định pháp luật như: Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Cạnh tranh 2018… Để làm được điều đó, trước hết Chính phủ cần rà soát tất cả các quy định pháp luật, bổ sung thêm các quy định liên quan đến doanh nghiệp dân tộc, có thể chưa cần quy định cụ thể thế nào là doanh nghiệp dân tộc nhưng cần đưa ra các tiêu chí đánh giá về doanh nghiệp dân tộc.
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc, chúng tôi xin đưa ra một số các yêu cầu như sau:
Liên quan đến các tiêu chí về doanh nghiệp dân tộc, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số tiêu chí như sau, doanh nghiệp dân tộc là doanh nghiệp:
Thứ nhất, được đăng ký thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Dù là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ như hợp tác xã, công ty, hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp dân tộc thì đều phải được thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đây là tiêu chí đầu tiên về doanh nghiệp dân tộc.
Thứ hai, doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ sở hữu.
Trong Luật Doanh nghiệp quy định các loại hình doanh nghiệp cụ thể, chủ sở hữu có thể là cá nhân hoặc tổ chức nhưng điều kiện tiên quyết phải do người Việt Nam làm chủ sở hữu. Ở đây không phân biệt là người có quốc tịch Việt Nam hoặc không có quốc tịch Việt Nam, chỉ cần là người gốc Việt có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thì cũng cần xác định đó là doanh nghiệp dân tộc.
Thứ ba, doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trên thị trường.
Để đánh giá một doanh nghiệp có uy tín trên thị trường trở thành doanh nghiệp dân tộc, chúng ta cũng cần xem xét ở các giá trị định tính, uy tín trên thị trường có thể xem xét đến khía cạnh thương hiệu sản phẩm có giá trị. Và để đánh giá doanh nghiệp có giá trị thương hiệu trên thị trường, chúng ta cũng cần nhìn nhận nhiều mặt như thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm doanh nghiệp, lịch sử hoạt động, phát triển, các đột phá hay uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Đối với các quy định pháp luật về doanh nghiệp dân tộc, cần quy định các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dân tộc, trách nhiệm của doanh nghiệp dân tộc. Theo đó, đối với những doanh nghiệp dân tộc, Chính phủ cần tạo các lợi thế thuận lợi từ việc cấp phép, chứng nhận theo quy định của pháp luật. Hỗ trợ về các nguồn vốn huy động để phát huy tối đa sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp dân tộc, trở thành các doanh nghiệp thương hiệu quốc tế, đúng như tư duy của Nhà nước về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số, tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội.
Tuy chúng ta cần hỗ trợ về các nguồn lực như vốn, cơ chế thủ tục hành chính, hay các hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp nhưng cũng phải có “hàng rào kỹ thuật” bảo vệ doanh nghiệp dân tộc để tránh các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cho rằng doanh nghiệp dân tộc được ưu ái, cạnh tranh không lành mạnh, phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là bài toán mà Chính phủ cần giải quyết khi đưa các quy định về doanh nghiệp dân tộc vào các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn.
Về giải quyết các tranh chấp doanh nghiệp dân tộc, việc hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước đối với doanh nghiệp dân tộc gắn liền với các quy định về giải quyết tranh chấp phát sinh đối với các doanh nghiệp dân tộc. Theo quan điểm của chúng tôi, để hỗ trợ và bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của các doanh nghiệp dân tộc, Chính phủ cần quy định cụ thể về cơ chế luật sư công bảo vệ cho doanh nghiệp nước nhà trong lĩnh vực kinh doanh thương mại quốc tế mà chúng tôi đã từng chỉ ra nhiều lợi ích của luật sư công đối với các doanh nghiệp nhà nước khi tham gia tranh chấp quốc tế.
Các doanh nghiệp dân tộc có thể được coi là đại diện cho dân tộc Việt Nam, việc đưa cơ chế luật sư công vào giải quyết các tranh chấp thương mại cho doanh nghiệp dân tộc thiết nghĩ không mâu thuẫn đối với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước mà còn là sự bổ sung cần thiết đối với các doanh nghiệp dân tộc, phòng tránh các rủi ro phát sinh, tăng sự cạnh tranh của doanh nghiệp dân tộc đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Việc tận dụng các luật sư công khi giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp dân tộc sẽ phát huy được giá trị mà đội ngũ luật sư hiện nay của chúng ta mang lại, thay vì tốn kém hàng triệu đô la để thuê luật sư nước ngoài mà có thể chưa hiệu quả bằng các luật sư công trong nước.
Trên đây là một số quan điểm của chúng tôi về việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với doanh nghiệp dân tộc. Để phát huy cao độ các giá trị của doanh nghiệp Việt Nam, Nhà nước cần tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế, cũng như có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chỉ khi những doanh nghiệp có những lợi thế nhất định, mới cạnh tranh và tạo thương hiệu cho đất nước ta trên con đường hội nhập sâu rộng, cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.