Làm gì để có 10 tỷ phú đô la?

Theo xếp hạng mới nhất của Fortune 2024, trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp. Vingroup là doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhưng cũng chỉ đứng ở vị trí 43.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 66, đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú đô la thế giới và 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Báo Giao thông trao đổi với ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Ông Hoàng Quang Phòng.

Ông Hoàng Quang Phòng.

Lực lượng doanh nghiệp lớn còn mỏng

Theo báo cáo của Forbes, Việt Nam hiện có 6 tỷ phú đô la. Để có thêm 4 tỷ phú nữa vào năm 2030, theo ông điều này có khó?

Nhìn vào bức tranh chung, 6 đại gia này đến từ các ngành bất động sản, tài chính, công nghệ và hàng không.

Hiện, chúng ta có 2,6% là doanh nghiệp lớn, hoạt động ở nhiều lĩnh vực. 97,4% còn lại là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có 4% là doanh nghiệp vừa có khả năng trở thành "sếu đầu đàn".

Theo xếp hạng mới nhất của Fortune 2024, trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp. Vingroup là doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhưng cũng chỉ đứng ở vị trí 43.

Những con số trên cho thấy, lực lượng doanh nghiệp lớn của chúng ta còn mỏng. Số lượng doanh nghiệp cỡ vừa để có thể trở thành doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp lớn để có thể tạo nền tảng sản sinh ra các tỷ phú, doanh nhân quyền lực tầm cỡ châu lục rất ít ỏi.

Chưa kể, ngay cả khi được xếp hạng là doanh nghiệp quy mô lớn, yêu cầu về mức vốn của các doanh nghiệp này cũng mới chỉ là 300 tỷ đồng hay khoảng 12 triệu USD. Đây là khoảng cách quá lớn để các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp tỷ USD.

Chính sách hỗ trợ chưa đủ dài

Đâu là nguyên nhân của hiện trạng này, thưa ông?

Năm 1986 là mốc đổi mới, nhưng mãi đến năm 1994 chúng ta mới chính thức được Mỹ gỡ bỏ cấm vận. Năm 2007 chúng ta mới gia nhập WTO, kinh tế mới chính thức bước vào thời kỳ hội nhập.

6 tỷ phú đô la của Việt Nam do Forbes bình chọn.

6 tỷ phú đô la của Việt Nam do Forbes bình chọn.

Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân - động lực quan trọng của nền kinh tế mãi đến khi có sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 1999 mới thực sự được kích hoạt.

Giai đoạn 2018-2022, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, về tổng thể, quy mô và tỷ lệ đóng góp còn chưa tương xứng với sự phát triển đông đảo về số lượng.

Điều này chỉ ra rằng, các doanh nghiệp tư nhân với quy mô nhỏ lẻ khó có khả năng cạnh tranh so với các loại hình doanh nghiệp khác, đặc biệt so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ dài hạn và toàn diện so với các nước trong khu vực. Cùng đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng thường yếu trong việc xây dựng thương hiệu và chiến lược phát triển bền vững.

Cần một thông điệp mạnh mẽ

Vậy theo ông, chính sách cần thay đổi thế nào để đạt mục tiêu đề ra của Nghị quyết 66 là có thêm nhiều tỷ phú đô la và doanh nhân quyền lực?

Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, như tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, chiều sâu hội nhập quốc tế và thị trường tiêu dùng lớn. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch, tính cạnh tranh thấp ở một số lĩnh vực.

Vì thế, thời gian tới cần thực hiện tổng hòa các giải pháp. Đó là, Nhà nước cần quyết liệt khắc phục các điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế; cải thiện thủ tục hành chính và nên tạo sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực vốn, trong đó, có sự tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, thế mạnh và có cạnh tranh.

Ngoài ra, cần khuyến khích đổi mới sáng tạo và đầu tư vào các ngành công nghệ cao.

Đặc biệt, cần xây dựng chính sách thuế công bằng, khuyến khích các doanh nghiệp tái sinh đầu tư vào sản xuất.

Hiện, các công nghệ mới như xe điện, AI, blockchain; năng lượng tái tạo và thương mại điện tử là những lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất. Đây là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế toàn cầu, có tiềm năng lớn nhất để tạo ra tỷ lệ doanh nhân giàu có mới.

Thời gian qua, không ít doanh nhân vướng vòng lao lý khiến một bộ phận doanh nghiệp "sợ lớn", ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Đúng vậy, tôi mong muốn chính sách phải minh bạch, rõ ràng để nâng cao nội lực, quy mô, tầm vóc của doanh nghiệp, nhưng cũng phải có những cơ chế riêng để kích thích tinh thần sáng tạo.

Tức là, cần có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới, hay công nghệ mới. Đi kèm với đó là một môi trường pháp lý, một văn hóa khoan dung với những ý tưởng mới, khuyến khích doanh nghiệp dám làm, dám chịu thất bại, bắt đầu lại khi thất bại.

Một giải pháp rất quan trọng, trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ Chính trị đã đưa ra quan điểm và định hướng không hình sự hóa quan hệ kinh tế, mà phải bổ sung các chế tài phù hợp để xử lý vi phạm.

Chủ trương, định hướng đã có, song để đi được vào cuộc sống là cả một quá trình. Do vậy, thời gian tới, chủ trương "không hình sự hóa quan hệ kinh tế" cần trở thành một thông điệp mạnh mẽ.

Cảm ơn ông!

Việt Nam hiện có 6 tỷ phú đô la

Hiện, trên thế giới có 2 tổ chức uy tín bình chọn các doanh nhân trên thế giới là Forbes và Bloomberg.

Theo danh sách tỷ phú đô la của Forbes, năm 2024, Việt Nam hiện có 6 người. Đó là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast với 4,4 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet với 2,8 tỷ USD), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, 2,6 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank, 1,7 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group, 1,2 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (Chủ tịch Thaco với 1,2 tỷ USD).

Tổng cộng 6 tỷ phú đô la của Việt Nam có khối tài sản theo bảng xếp hạng năm 2024 của Forbes đạt 13,9 tỷ USD, tăng so với mức 12,6 tỷ USD năm 2023.

Thứ doanh nghiệp cần từ Nhà nước không phải là tiền

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho hay, muốn nuôi dưỡng các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì chính sách phải rất rõ ràng, phải ủng hộ sản xuất trong nước. Theo ông, thứ doanh nghiệp cần từ Nhà nước không phải là tiền.

"Để có được các tập đoàn lớn, cách tốt nhất là học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc hay Trung Quốc. Họ có các chính sách như thế nào thì trên cơ sở đó chúng ta áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam", ông Long nói.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trường Hải cũng bày tỏ mong muốn các chính sách ủng hộ sản xuất trong nước. Theo ông, hiện các doanh nghiệp FDI chọn Việt Nam là nơi lắp ráp để xuất khẩu hoặc chuyển về, trong đó chúng ta cũng có thể sản xuất từ 35-40% các chi tiết, linh kiện phụ tùng cho họ.

Bởi vậy, Thaco dự định sẽ tăng gấp đôi sản lượng về công nghiệp hỗ trợ trong năm 2025. Vì thế, sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước là cần thiết khi thực tế lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa có chiến lược rõ ràng.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lam-gi-de-co-10-ty-phu-do-la-192250130110305105.htm