Hoàn thiện chính sách phát triển năng lượng nguyên tử

Qua 15 năm triển khai, Việt Nam phải triển khai các điều ước quốc tế đã đặt ra yêu cầu nội luật hóa, hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử.

Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đưa hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng VERSA HD vào điều trị. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đưa hệ thống gia tốc xạ trị - xạ phẫu đa năng lượng VERSA HD vào điều trị. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Luật Năng lượng Nguyên tử (Luật số 18/2008/QH12) được Quốc hội Việt Nam khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 3 ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng một đạo luật để điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Qua 15 năm triển khai, trước yêu cầu thực tiễn cũng như việc hội nhập quốc tế, Việt Nam phải triển khai các điều ước quốc tế đã đặt ra yêu cầu nội luật hóa, hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử để đảm bảo thực thi các cam kết và nghĩa vụ quốc gia của Việt Nam.
*Thúc đẩy phát triển năng lượng

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Luật Năng lượng Nguyên tử đã tạo hành lang pháp lý trong việc xây dựng, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân, thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bên cạnh vai trò, tác động và đóng góp của Luật Năng lượng Nguyên tử; việc tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho thấy một số chính sách, quy định pháp luật về năng lượng nguyên tử đã bộc lộ bất cập, hạn chế về yêu cầu quản lý, sự đồng bộ với một số Luật mới ban hành và sự phù hợp với các yêu cầu, hướng dẫn mới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chưa đáp ứng và theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học và công nghệ hạt nhân, công nghệ bức xạ. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật năng lượng nguyên tử bảo đảm nội luật hóa, thực hiện nghĩa vụ và cam kết quốc tế quy định tại điều ước quốc tế.

Đặc biệt, từ năm 2010, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân như Công ước về An toàn hạt nhân; Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định Thanh sát Việt Nam - IAEA; Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ; Công ước về Trấn áp các hành vi khủng bố hạt nhân)... Việc triển khai thực hiện các cam kết và các điều ước quốc tế đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật năng lượng nguyên tử. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện Luật Năng lượng Nguyên tử (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh, thanh sát và không phổ biến hạt nhân, bồi thường hạt nhân, quản lý nguồn phóng xạ, chất thải phóng xạ và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. Đồng thời, dự báo sự phát triển của năng lượng nguyên tử như tái khởi động chương trình điện hạt nhân, điện hạt nhân nổi, sử dụng số hóa trong quản lý...

Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân cho biết thêm, Thế kỷ XX đã mở ra kỷ nguyên của ứng dụng năng lượng nguyên tử từ việc tạo ra nguồn năng lượng mới cho đến việc ứng dụng bức xạ phục vụ cuộc sống, điển hình trong lĩnh vực y tế như: Điện quang, y học hạt nhân, xạ trị, thuốc phóng xạ... Trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp như: chiếu xạ, chụp ảnh phóng xạ, đo mật độ, bề dày vật chất, đột biến, kích thích sinh trưởng... Hiện nay, theo thống kê, cả nước có hơn 1.900 cơ sở bức xạ, một số cơ sở hạt nhân trực thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trong đó có Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đang quản lý, vận hành an toàn Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất 500kW ứng dụng cho các nghiên cứu vật lý hạt nhân, vật lý bức xạ, kỹ thuật phân tích hạt nhân và đặc biệt sản xuất một số đồng vị phóng xạ cho y tế. Việt Nam cũng đang triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu công suất 10MW.

* Lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

Lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt. Ảnh: TTXVN

Lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt. Ảnh: TTXVN

Cùng với Luật Năng lượng nguyên tử, Chính phủ tiếp tục khẳng định chính sách coi trọng ứng dụng năng lượng nguyên tử vào phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 22/1/2021.

HL/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hoa-n-thie-n-chi-nh-sa-ch-pha-t-trie-n-nang-luo-ng-nguyen-tu/354235.html