HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI THEO ĐÚNG TINH THẦN NGHỊ QUYẾT SỐ 18-NQ/TW

Vừa qua, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV đã cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quan tâm tới nội dung thảo luận, nhiều ý kiến chuyên gia tán thành và cho rằng, cần tiếp tục thể chế hóa rõ quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về hoàn thiện chính sách tài chính về đất đai...

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào sáng 30/8

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào sáng 30/8

Luật Đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chi phối nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Đây là cơ sơ, nền tảng để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cơ chế và chính sách tài chính đất đai khi thực hiện sẽ gắn kết chặt chẽ với các chính sách khác về đất đai như quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất gắn với bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,… Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chỉ rõ quan điểm, chủ trương của Đảng là khi thu hồi đất là mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất và thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Để chủ trương này đi vào thực tiễn, chính sách tài chính về đất đai cần phải đi đầu. Cụ thể là làm sâu sắc và toàn diện hơn những chính sách tài chính có tính ưu đãi về đất đai qua công cụ thuế để khuyến khích các chủ thể, huy động các nguồn lực vào đầu tư chỗ ở và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất.

 TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Về nội dung này, TS. Châu Hoàng Thân, khoa Luật, Trường Đại học cần Thơ cho biết, tài chính đất đai và giá đất là những nội dung quan trọng trong quản lý kinh tế đất đai, quyết định trực tiếp hiệu quả khai thác giá trị kinh tế của đất đai. Giải quyết tốt vấn đề này là tiền đề quan trọng hài hòa lợi ích các bên liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai; điều tiết hiệu quả địa tô chênh lệch và nguồn thu từ đất.

Theo TS. Châu Hoàng Thân, Dự thảo Luật sửa đổi cần bổ sung quy định những vấn đề như: Bổ sung quy định về thuế đất trống – là công cụ chống đầu cơ, thúc đẩy quá trình khai thác đất đai nhằm đầu tư, sản xuất ra của cải vật chất. Loại thuế này góp phẩn xử lý hiệu quả hiện tượng đầu cơ đất nông nghiệp để phân lô bán nền,… Đồng thời, thuế chuyển quyền sử dụng đất cần điều chỉnh biểu thuế lũy tiến theo thời gian giao dịch với nguyên tắc giao dịch trong thời gian ngắn thì mức thuế suất cao.

Tuy nhiên, với vai trò của thị trường bất động sản và thu hút đầu tư ở nước ta. TS. Châu Hoàng Thân lưu ý, việc quy định và áp dụng hai đề xuất nêu trên cần triển khai từng bước và hết sức thận trọng, không để thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng, khủng hoảng.

 TS. Châu Hoàng Thân, Khoa Luật, Trường Đại học cần Thơ

TS. Châu Hoàng Thân, Khoa Luật, Trường Đại học cần Thơ

Bàn về nội dung này, TS. Trần Quang Huy, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, từ Luật Đất đai năm 2003 trở lại đây, các vấn đề tài chính về đất đai và giá đất luôn có vị trí hết sức quan trọng trong các thay đổi lớn liên quan đến thương mại hóa quyền sử dụng đất, tiền tệ hóa quyền sử dụng đất, xóa bỏ bao cấp về đất đai,… Thực tế đất đai là nguồn lực, nguồn tài chính tiềm năng lớn để xây dựng đất nước. Giá đất đóng vai trò điều chỉnh nguồn lực này vào ngân sách nhà nước. Do đó, quy định về giá đất và tài chính về đất đai có mối liên hệ hữu cơ với nhau để tăng nguồn lực hay gây sự thất thoát của ngân sách nhà nước.

Nghiên cứu dự luật, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hà Nội cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng rất công phu, đã thể chế hóa 10 nhóm chính sách lớn theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam (118 luật có liên quan); dự thảo Luật có cấu trúc hợp lý, bố cục chặt chẽ;…

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, dự thảo đã thể chế hóa chính sách giá đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với mục tiêu là “Bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất. Có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên”. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định chưa thể chế đầy đủ chính sách giá đất theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, đặc biệt là vấn đề định giá đất, tính độc lập và nâng cao năng lực của Hội đồng thẩm định giá đất, tổ chức tư vấn xác định giá đất;…/.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79435