Hoàn thiện chính sách thi hành án tín dụng ngân hàng

Ngày 23/8, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp Tổng cục Thi hành án dân sự – Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm 'Hoàn thiện cơ chế chính sách thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng'.

Quang cảnh Tọa đàm.

Quang cảnh Tọa đàm.

Tọa đàm nhằm chia sẻ thông tin và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các bản án tín dụng ngân hàng cũng như lắng nghe ý kiến phản hồi từ các tổ chức tín dụng.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Mặc dù công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các tổ chức tín dụng đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của tổ chức tín dụng chưa đáp ứng yêu cầu. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn mà các tổ chức tín dụng đang gặp phải là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.

“Xuất phát từ thực tiễn, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng cho biết.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Tọa đàm.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Nguyễn Thành Long cũng cho hay, đến nay, tuy Tổng cục thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, nhưng thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

Qua tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên, đến nay có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An...

Theo bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ 11 (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), bên cạnh những lý do khách quan dẫn đến việc khó thi hành của cơ quan thi hành án dân sự đối với các vụ việc tín dụng ngân hàng, cũng có một số lỗi do chủ quan của cơ quan thi hành án như việc xác định bản án khó thi hành. Thực tế, quá trình kiểm sát đã phát hiện nhiều trường hợp vụ việc, Bản án tuyên không rõ nhưng cơ quan thi hành án dân sự không có văn bản hỏi Tòa án hoặc có những cách hỏi Tòa không rõ ý dẫn đến Tòa án trả lời chung chung nên vẫn không thể thi hành án…

Do vậy, để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng nói riêng, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Luật Thi hành án năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, tuy nhiên đến nay từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, ông Nguyễn Thành Long đề nghị Tổng Cục Thi hành án xem xét sớm đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và Nghị định 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP), đặc biệt là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế thi hành án, thời hạn tối đa cơ quan thi hành án phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, thủ tục đấu giá rút gọn, tạm ngưng thi hành án, ủy thác xử lý tài sản bảm đảm, xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp,...

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoan-thien-chinh-sach-thi-hanh-an-tin-dung-ngan-hang-post826421.html