Hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thu hút người giỏi vào lĩnh vực STEM
Xu hướng gia tăng tỷ lệ người học lựa chọn các ngành học liên quan lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) đã và đang là tín hiệu rất đáng mừng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, lĩnh vực STEM nói riêng. Tuy nhiên, để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm hoàn thiện các chính sách phù hợp về học bổng, về tín dụng ưu đãi nhằm thu hút được nhiều người giỏi vào lĩnh vực này.
Gia tăng tỷ lệ sinh viên, nghiên cứu sinh theo học ngành STEM
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2024, tỉ lệ học sinh nhập học của khối ngành liên quan đến STEM bậc đại học đã gia tăng đáng kể. Trong số hơn 600.000 sinh viên nhập học, đã có hơn 200.000 sinh viên khối ngành STEM; tăng 10% so với năm trước.
Nếu tính bình quân trong vòng 4 năm vừa qua về quy mô tuyển sinh thì các ngành liên quan đến STEM tăng bình quân khoảng 10%/năm, cao hơn so với tỷ lệ tăng trung bình về quy mô tuyển sinh của cả nước là khoảng 5,6%/năm. Số sinh viên học khối ngành STEM hiện nay đang ở mức khoảng 55 sinh viên/một vạn dân, mức này tương ứng chiếm khoảng 30% tổng quy mô đào tạo. Toàn hệ thống có 218 cơ sở đào tạo, trong đó có 158 công lập, 60 tư thục tham gia đào tạo các ngành STEM.
Đặc biệt, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018-một chương trình đang khuyến khích học sinh theo đuổi các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, tận dụng thế mạnh của học sinh Việt Nam, nhất là trong môn Toán. Ở bậc sau đại học, năm 2024, số lượng học viên ngành STEM tiếp tục tăng mạnh, trong đó, trình độ thạc sĩ tăng 34%, đạt gần 20.000 học viên; trình độ tiến sĩ tăng 33% với gần 4.000 nghiên cứu sinh, tăng khoảng 600 so với năm 2023. Đây là những tín hiệu rất tích cực thể hiện triển vọng phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng nguồn nhân lực STEM trong thời gian tới. Điều này cho thấy các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang tạo hiệu ứng tích cực nhất định đối với người học.

STEM đang được xem là một trong những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế số. Ảnh minh họa
Mặc dù vậy, trong bức tranh tổng thể, so với các nước phát triển và các nước có nền khoa học công nghệ hiện đại thì con số này của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn. Cụ thể, đối với Singapore, tỷ lệ này đang khoảng 46% sinh viên đang học trong các ngành STEM, Hàn Quốc khoảng 35%, Phần Lan khoảng 36% và Đức khoảng 40%. Trong khi đó, các ngành STEM có vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định đối với sự phát triển của xã hội, của quốc gia trong thời đại công nghệ 4.0, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về kĩ thuật, công nghệ đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Thông qua các ngành học STEM, người học có cơ hội vận dụng kiến thức liên ngành, các kỹ năng tổng hợp vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề của thực tiễn, của kĩ thuật hiện đại.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho rằng, nói đến phát triển đất nước thì cần rất nhiều nhóm nhân lực và mỗi nhóm nhân lực có một vai trò riêng. Tuy nhiên, ở thời điểm chúng ta mong muốn phát triển nhanh và bền vững, thu hút các doanh nghiệp FDI cũng như các doanh nghiệp trong nước trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt kỹ thuật cao thì yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực mà chúng ta hay gọi là STEM cần số lượng lớn hơn và đặc biệt là chất lượng cao hơn nữa. Do đó, rất cần có giải pháp để tạo sự dịch chuyển, tác động vào từng người học lựa chọn lĩnh vực này.
Xây dựng chuẩn chương trình và chính sách ưu đãi để thu hút người học
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 24/5/2025, phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2045. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm phát triển nhân lực STEM trong thời gian tới. Trong đó, về đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Ngay trong năm học 2024-2025, đã có khoảng 19.000 sinh viên nhập học các ngành phù hợp với lĩnh vực bán dẫn, chiếm khoảng 10% tổng số sinh viên theo học ngành STEM. Hiện cả nước có 166 cơ sở đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, trong đó 97 cơ sở đào tạo trực tiếp các ngành này, gồm 66 trường công lập và 31 trường tư thục.
Để bảo đảm chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng tư vấn và Hội đồng thẩm định Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1314/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2025, công bố Chuẩn chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ ngành vi mạch bán dẫn. Hiện đã có hơn 30 chương trình đào tạo đăng ký triển khai theo Chương trình 1017, trong đó có 8 cơ sở giáo dục đại học sẽ áp dụng ngay từ năm học 2025-2026. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương xây dựng và sẽ sớm ban hành Chuẩn chương trình đào tạo tài năng trong lĩnh vực STEM để triển khai Đề án theo Quyết định 1002/QĐ-TTg.
Về ưu đãi đối với sinh viên theo học ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt, công nghệ chiến lược, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược để kiến trình Chính phủ.
Nội dung dự thảo Nghị định quy định về chính sách cấp học bổng tập trung cho các đối tượng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc 3 lĩnh vực được quy định tại Nghị quyết số 57, gồm: Khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, phục vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang được Đảng, Nhà nước quan tâm. Bộ GD&ĐT cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh học các ngành liên quan đến lĩnh vực STEM.
Hiện, dự thảo Quyết định đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đang chủ trì xây dựng quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược; dự kiến sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2025.