Hoàn thiện hạ tầng logistics để thúc đẩy phát triển

Được xem là 'thủ phủ' công nghiệp của thành phố, nếu hạ tầng logistics tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng cô được hoàn thiện sẽ thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp.

Hạ tầng tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang dần hoàn thiện

Hạ tầng tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đang dần hoàn thiện

“Mắt xích” cảng Chân Mây

Không phải ngẫu nhiên mà tại Kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố Huế thống nhất ban hành Nghị quyết (NQ) kéo dài thời gian thực hiện thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây (từ ngày 1/1 - 31/12/2025).

NQ này ra đời xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp, hãng tàu vận tải đường biển và các đơn vị liên quan về hoạt động, khai thác, phát triển hàng container đi, đến cảng Chân Mây; nhằm khuyến khích các hãng tàu biển tiếp tục duy trì, tăng tần suất chuyến và mở mới các tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Chân Mây, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Trên bình diện thúc đẩy phát triển hạ tầng, mục tiêu của NQ cũng tăng cường thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các bến cảng; hạ tầng logistics từng bước phát triển cảng Chân Mây thành cảng biển loại I theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Từ khi triển khai NQ đến nay, cảng Chân Mây đã đón 124 chuyến tàu vận chuyển container với sản lượng 14.514 TEUS, tương đương với 217.710 tấn hàng hóa.

Dễ dàng nhận thấy, Cảng Chân mây được xem là một trong những “mắt xích” quan trọng nhất trong chuỗi dịch vụ logistics tại Huế. Việc đưa vào khai thác các cầu cảng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải lớn đến là sự đầu tư mạnh mẽ cho sự phát triển của dịch vụ logistics tại đây. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp trên địa bàn sẽ là điều kiện thuận lợi và hấp dẫn cho sự phát triển dịch vụ logistics tại Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

“Để phát triển dịch vụ logistics, ngoài hoàn thiện hạ tầng, cảng Chân Mây có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài vị trí chiến lược, thuận lợi, cảng Chân Mây là đầu mối hàng hải quan trọng không chỉ của miền Trung mà của cả khu vực. Từ bến cảng này dễ dàng tiếp cận với tuyến Quốc lộ 1A, sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng. Ngoài ra, vị trí giữa 2 đô thị lớn là Đà Nẵng và Huế cũng tạo những thuận lợi nhất định không phải bến cảng nào có được”, ông Lê Hòa, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp nhận định.

Hoàn thiện hạ tầng logistics sẽ tạo động lực cho các ngành công nghiệp phát triển

Hoàn thiện hạ tầng logistics sẽ tạo động lực cho các ngành công nghiệp phát triển

Kết nối khu vực

Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, phát triển logistics bài bản sẽ trở thành ngành dịch vụ gắn với phát triển sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu mang lại giá trị kinh tế, đóng góp và ngân sách nhà nước rất cao.

Tại Huế, minh chứng cho điều này đó là, năm 2025, dự kiến hoạt động xuất, nhập khẩu của địa bàn khu kinh tế, công nghiệp đạt khoảng 1,8 tỷ USD, trong đó riêng Dự án Kim Long Motor đạt gần 500 triệu USD và dự kiến phần lớn hàng hóa của đơn vị này sẽ mở tờ khai và nhập khẩu về cảng Chân Mây, mức đóng góp ngân sách cho hoạt động này khoảng 500 tỷ đồng. Do vậy, sản lượng và giá trị thông qua cảng sẽ gia tăng đột biến, góp phần tăng thu cho ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu.

Theo ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp thành phố, nhằm tạo tiền đề cho phát triển dịch vụ logistics, thành phố đã tập trung hoàn thiện quy hoạch các phân khu chức năng, kêu gọi đầu tư hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng đồng bộ hiện đại, tập trung. Ngoài ra, các trục giao thông đã góp phần kết nối các khu công nghiệp đến cảng Chân Mây.

Trong một lần trò chuyện, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Phương khẳng định, cơ sở hạ tầng chính là yếu tố quyết định sự phát triển dịch vụ logistics. Thành phố cũng tiếp tục đầu tư về hạ tầng để kết nối không gian phát triển kinh tế tại các vùng động lực.

Ngoài những dự án trọng điểm tại cảng Chân Mây, mới đây, tại Kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố cũng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đường trục chính kết nối Khu du lịch quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương với Quốc lộ 1A. Dự án này được tăng tổng mức đầu tư, từ 358,537 tỷ đồng thành 462,870 tỷ đồng. Dự án nhằm phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, từng bước xây dựng đô thị Chân Mây trở thành đô thị loại III, đô thị trọng điểm phía nam của thành phố, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị Chân Mây, quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương. Đồng thời, phát triển năng lực giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải của khu vực và các vùng lân cận, làm tiền đề cho việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần chỉnh trang đô thị, thu hút các nhà đầu tư và phát triển du lịch, dịch vụ.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/hoan-thien-ha-tang-logistics-de-thuc-day-phat-trien-150990.html