Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ bảo đảm hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phát triển kinh tế xã hội, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh có liên quan tới dữ liệu cá nhân

Ngày 23-4, tại Hà Nội, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2025 và có hiệu lực từ tháng 1-2026.

 Quang cảnh cuộc tọa đàm

Quang cảnh cuộc tọa đàm

Tại tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực NCA, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) khẳng định, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa quyền con người, quyền công dân, phù hợp với định hướng “lấy con người làm trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển” mà Nghị quyết số 27-NQ/TW (ngày 9-11-2022) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đề ra; gắn bảo vệ dữ liệu cá nhân với bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số.

 Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu tại tọa đàm

Trung tướng Nguyễn Minh Chính phát biểu tại tọa đàm

Về cơ sở pháp lý, luật nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Mục tiêu tổng thể là hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế số, bảo đảm an ninh trật tự và chủ quyền dữ liệu quốc gia. “Trên thế giới đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, gần nhất là Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam cũng không thể chậm trễ hơn trong việc ban hành luật này”, Trung tướng Nguyễn Minh Chính nhấn mạnh.

 Thiếu tá Đào Đức Triệu trình bày những nội dung trọng tâm của dự thảo luật

Thiếu tá Đào Đức Triệu trình bày những nội dung trọng tâm của dự thảo luật

Đại diện ban soạn thảo, Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng Thư ký NCA, cho biết, dự luật bảo đảm hài hòa với thông lệ, quy định quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động kinh doanh có liên quan tới dữ liệu cá nhân; hạn chế tiến tới khắc phục tình trạng dữ liệu cá nhân đang bị mua bán, lộ, mất tràn lan, nhiều hành vi vi phạm pháp luật thiếu quy định xử lý; giúp nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân hiện nay…

 Các đại biểu dự tọa đàm

Các đại biểu dự tọa đàm

Tại tọa đàm, đại diện Viện Quản trị Chính sách và chiến lược phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đưa ra kiến nghị về hoàn thiện pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân từ góc độ nghiên cứu và so sánh quốc tế; đại diện Tập đoàn Viettel chia sẻ những khó khăn và đề xuất hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai luật; Công ty An ninh dữ liệu Việt Nam (VNDS) trình bày kinh nghiệm thực tiễn trong việc tuân thủ các yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân tại doanh nghiệp công nghệ.

 Đại diện Tập đoàn Viettel phát biểu tại tọa đàm

Đại diện Tập đoàn Viettel phát biểu tại tọa đàm

 Phiên thảo luận mở tại tọa đàm

Phiên thảo luận mở tại tọa đàm

Các đại biểu đều đồng thuận, dữ liệu cá nhân là yếu tố gắn liền với quyền con người, quyền công dân, đồng thời có tác động sâu rộng đến an ninh mạng, an ninh quốc gia và toàn bộ hệ sinh thái số. Trong khi đó, hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ dữ liệu còn phân tán, thiếu tính thống nhất. Theo thống kê, hiện đang có 69 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến dữ liệu cá nhân, nhưng mới chỉ có Nghị định 13/2023/NĐ-CP (ngày 17-04-2023) là văn bản đầu tiên cung cấp định nghĩa và nguyên tắc bảo vệ dữ liệu một cách tương đối đầy đủ. Việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trên cơ sở kế thừa và phát triển từ Nghị định số 13/2023/NĐ-CP sẽ tạo nền tảng pháp lý đồng bộ và hoàn thiện hơn, khắc phục một số bất cập trong quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong toàn xã hội.

TRẦN BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-post792073.html