Hoàn thiện hành lang pháp lý cho giao dịch điện tử
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm nhằm xây dựng một Luật thống nhất, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006. Luật GDĐT được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử.
Sau gần 15 năm thực hiện, Luật GDĐT và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), thúc đẩy GDĐT, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính. Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật GDĐT 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, Luật GDĐT năm 2005 là Luật khung, được ban hành sớm, sau khi có Luật mẫu của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL). Nội dung cơ bản bám theo Luật mẫu của Liên Hợp Quốc nên còn mang tính khung và mang tính nguyên tắc chung. Luật mẫu của Liên Hợp Quốc có xu hướng viết cho các nước đã phát triển, nơi có hệ thống, pháp luật và văn hóa khá khác biệt với Việt Nam. Vì vậy, khi áp dụng vào Việt Nam thì nảy sinh một số bất cập khó thực thi trong thực tế, đặc biệt là đối với vấn đề đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch điện tử.
Thứ hai, do là Luật khung, mang tính nguyên tắc, nên trong 15 năm qua chỉ có một số lĩnh vực chịu áp lực lớn của hội nhập quốc tế, có nhu cầu cấp thiết tự thân, tiên phong nghiên cứu xây dựng các văn bản dưới luật quy định chi tiết để thực thi và ứng dụng mạnh mẽ giao dịch điện tử, điển hình như lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (chữ ký số), Ngân hàng (thanh toán điện tử), Tài chính (giao dịch chứng khoán, hóa đơn điện tử, thuế điện tử, hải quan điện tử) và Thương mại điện tử. Với nhiều lĩnh vực khác, việc áp dụng giao dịch điện tử vẫn khó khăn do thiếu các quy định cụ thể của Luật GDĐT 2005. Hơn nữa, Luật GDĐT 2005 còn loại trừ không áp dụng cho khá nhiều lĩnh vực quan trọng trong đời sống, kinh tế và xã hội.
Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh tế và xã hội, môi trường và phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển.
Thứ tư, việc sửa đổi Luật GDĐT (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp 3 thời đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển ổn định kinh tế - xã hội của đất nước; tạo hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực; khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là đối với vấn đề bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; luật hóa các vấn đề thực tiễn yêu cầu và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật GDĐT (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua là rất cần thiết, nhằm hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực thi Luật GDĐT 2005, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi số, xã hội số, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.