HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ CHO QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC NGOÀI NGÂN SÁCH
Sáng 14/12 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Cơ sở lý luận hoàn thiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh – Chủ nhiệm đề tài đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa XIV Bùi Đặng Dũng; nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long; Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Thành Trung cùng các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước.
Phát biểu mở đầu Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường cho biết, thời gian qua, các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách đã có những đóng góp quan trọng trong thu hút vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân, các nguồn tài chính hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Thống kê sơ bộ hiện nay có khoảng trên 40 quỹ hoặc loại quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập tại trung ương và địa phương. Tuy nhiên, kết quả giám sát của Quốc hội và kiểm toán cho thấy hoạt động của các quỹ cả ở trung ương và địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập do còn thiếu hành lang pháp lý.
Xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về Quỹ Tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học “Hoàn thiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh làm Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo Cơ sở lý luận hoàn thiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Thay mặt ban tổ chức Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường mong muốn nhận được các ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý nhằm giúp Ban Chủ nhiệm hoàn thiện đề tài, từ đó đề xuất những chính sách, pháp luật để góp phần hoàn thiện pháp lý cho Quỹ Tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, qua gần bốn mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xây dựng xã hội XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Nhờ đó mà nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đảm bảo không chỉ là ngân sách nhà nước, mà còn có sự đóng góp tích cực của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Thực tế đã chứng minh rằng, việc thành lập và vận hành các quỹ này đã tạo ra công cụ tài chính linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực của xã hội phục vụ các hoạt động của khu vực công hay hỗ trợ đầu tư cho một số lĩnh vực cần khuyến khích, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo TS.Bùi Đặng Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa XIV, những năm gần đây, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở nhiều bộ, ngành, địa phương và hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nhằm hỗ trợ thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội của Nhà nước. Thực tế cho thấy, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã có những đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo một số mục tiêu kinh tế -xã hội cụ thể, tăng cường thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, huy động thêm các nguồn tài chính hỗ trợ ngân sách nhà nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống pháp luật về quỹ tài chính công ngoài ngân sách nhà nước ở nước ta hiện nay thiếu vắng nhiều quy định quan trọng: chưa đưa ra một khái niệm thống nhất về quỹ; chưa quy định rõ chủ thể có thẩm quyền thành lập; các điều kiện, tiêu chuẩn cho việc thành lập; các nguyên tắc pháp lý cần phải đảm bảo trong quá trình quản lý và sử dụng; điều kiện và mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước; các quy định về trách nhiệm; các biện pháp xử lý vi phạm trong quá trình quản lý và sử dụng quỹ; vai trò giám sát của các cơ quan dân cử…
Chính những hạn chế nêu trên là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở” hiện nay của các quỹ; tình trạng sử dụng quỹ không đúng mục đích, thiếu hiệu quả, và thiếu trách nhiệm, gây ra tổn thất cho nhà nước và xã hội. Trong khi đó, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách lại là một bộ phận quan trọng của nền tài chính quốc gia. TS.Bùi Đặng Dũng cho rằng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm điều chỉnh hoạt động quản lý và sử dụng các quỹ trong thời gian tới là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao vai trò và hiệu quả của các quỹ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội khóa XIV cho rằng cần xây dựng được một cơ chế pháp lý nhằm hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình quản lý và sử dụng quỹ; tăng cường sự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quản lý và sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đặc biệt và vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử và xây dựng hệ thống pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phù hợp với thực tiễn.
Đồng tình với ý kiến này, TS.La Thị Thắm – Giảng viên Đại học Lâm nghiệp cũng cho rằng chúng ta phải hình thành một khuôn khổ pháp lý thống nhất trong quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, và các khuôn khổ pháp lý này phải được quy định bằng luật, tức là ở cấp độ cao nhất. Những quy định này phải nêu rất cụ thể về mục đích hình thành, hình thức hoạt động và đầu tư, và cả quy định về kế toán, kiểm toán, thanh tra.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng bên cạnh việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các quỹ, cũng cần tăng cường sự giám sát của cơ quan nhà nước và người dân để hướng tới sử dụng quỹ hiệu quả, công khai và minh bạch…
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phạm Thúy Chinh - Chủ nhiệm Đề tài nêu rõ, hội thảo đã được nghe 8 tham luận và thảo luận hết sức sôi nổi về kinh nghiệm quốc tế cũng như các khuyến nghị về hoàn thiện chính sách pháp luật trong quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách ghi nhận, các luận cứ khoa học, thực tiễn và nội dung được trao đổi thảo luận cũng như kiến nghị, đề xuất tại hội thảo là nguồn tư liệu, thông tin quan trọng, quý báu trong quá trình nghiên cứu đề tài. Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện các báo cáo chuyên đề nghiên cứu liên quan đến hoàn thiện cơ chế pháp lý đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách./.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83188