Hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 17/6, tại Nhà Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Theo Chính phủ, Luật Công chứng năm 2014 đã tạo nhiều bước tiến mới trong hoạt động công chứng, số lượng cũng như chất lượng của công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng tăng đáng kể. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và chuyển đổi số mạnh mẽ. Việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng. Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để luật hóa tối đa các nội dung "đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm" và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung cho Chính phủ, cho Bộ Tư pháp quy định chi tiết. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, gây khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế hậu kiểm đối với việc thực hiện công chứng, đặc biệt là về xử lý vi phạm trong trường hợp thực hiện quy trình chưa đầy đủ, chưa phù hợp nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng./.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!