Hoàn thiện hệ thống luật pháp, thúc đẩy sự nghiệp phát triển nền văn hóa, thể thao trong giai đoạn mới

Lời tòa soạn: Sáng nay, 12.5, tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao'. Tại Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo. . Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn:

Kính thưa đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội,

Thưa các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học và các đồng chí,

Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” đề cập đến một vấn đề thời sự, rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai các chủ trương lớn của Đảng về phát triển văn hóa, thể thao, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quá trình xây dựng pháp luật và giám sát thực hiện pháp luật của Quốc hội đối với lĩnh vực rất quan trọng, đang cần được tập trung ưu tiên phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Rất vui mừng được chào đón các quý vị đại biểu về dự hội thảo rất có ý nghĩa này. Xin được gửi tới các quý vị lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc các đồng chí, các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Thưa các đồng chí,

Chúng ta đều biết, các thiết chế văn hóa, thể thao có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao nước nhà. Đây có thể được coi là hạ tầng cho các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển; nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, phổ biến, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa; nơi rèn luyện thể chất, nâng cao thể lực và phát triển toàn diện con người Việt Nam; nơi bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc sắc, các hoạt động thể thao truyền thống có lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ những thiết chế văn hóa, thể thao nghèo nàn, lạc hậu, nhiều lúc, nhiều nơi bị lãng quên, hoạt động khép kín, biệt lập, thiếu kết nối, thậm chí xa rời với mục tiêu ban đầu, chúng ta đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ, bao phủ rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo. Hệ thống thư viện, trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm huấn luyện thể thao, nhà thi đấu, phòng tập, sân tập thể thao… đã được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang trên cả nước; và đang tiếp tục được nâng cấp hiện đại hơn, một số cơ sở tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Hình thức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng phong phú, đa dạng, vừa mang tính phổ biến chung trên cả nước; vừa phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương; bước đầu đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp nhân dân, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa - thể thao lành mạnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các thiết chế văn hóa, thể thao mới góp phần kiến tạo nên những cảnh quan phát triển vừa hiện đại, vừa mang bản sắc của các địa phương, góp phần tạo nên diện mạo rất đặc trưng cho không gian kiến trúc đô thị và nông thôn mới. Cùng với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, nơi đây đã trở thành không gian hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa, thể thao phù hợp với cơ chế thị trường; nơi ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo, tài năng biểu diễn, thi đấu thành tích cao; nơi tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể thao, các sự kiện chính trị-xã hội, góp phần hun đúc, phát huy và lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam trên trường quốc tế.

Đạt được những thành tựu quan trọng đó trước hết là nhờ nhận thức của Đảng ta về xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao đã từng bước được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện, toàn diện và sâu sắc hơn; đặc biệt, đã gắn chặt chẽ với quan điểm, mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa, toàn diện, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển; làm cơ sở cho việc ban hành, tổ chức thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, thể thao; giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, bộ máy tổ chức, nhân sự của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập; tồn tại những nghịch lý, khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa được khắc phục: Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”; trong khi nhiều thiết chế văn hóa, thể thao có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu; thì vẫn có một số thiết chế văn hóa, thể thao dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí “bỏ hoang”, gây ra lãng phí lớn; nhiều rạp hát, sân tập và nhà thi đấu thể thao được đầu tư khá hiện đại song do không hoạt động hiệu quả đã nhanh chóng xuống cấp và hầu như phải đóng cửa, ít có thời gian “sáng đèn”; kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao nhìn chung rất hạn hẹp, nhiều cơ sở chỉ đủ để hoạt động cầm chừng. Bộ máy hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao kém hiệu quả; nguồn nhân lực cả chuyên môn và quản lý đều chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thỏa đáng. Công tác hướng dẫn và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được coi trọng, thiếu tính chủ động, sáng tạo.

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Có một thực tế là, chủ trương của Đảng về quan tâm đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao đã rõ, nhất là những chủ trương về xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; phát triển đồng bộ các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao; đổi mới nội dung, phương thức quản lý hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa và các lĩnh vực kinh tế thể thao phù hợp với cơ chế thị trường… Tuy nhiên, khi đi vào tổ chức thực hiện thì nhiều địa phương, đơn vị vẫn không biết phải bắt đầu làm từ đâu và phải làm như thế nào. Chúng ta đã thấy, không ít chính sách, quy định của pháp luật vẫn nặng về hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”, cả trong đầu tư nguồn lực và tổ chức hoạt động. Một số nội dung, hình thức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa được điều chỉnh bởi văn bản quy pháp pháp luật; trong khi đó, các chính sách đã được ban hành lại thiếu sự liên thông, đồng bộ. Việc ban hành chính sách cũng chưa thật sự chú ý tới tính đặc thù của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao như văn hóa tinh hoa, bác học và thể thao thành tích cao. Một số quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của các thiết chế văn hóa, thể thao không phù hợp với thực tiễn. Điều này khiến cho nhiều thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, thể thao truyền thống, thật sự gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình tiến tới tự chủ tài chính, phải xoay xở “giật gấu vá vai”, thậm chí biến tướng “lách luật” trong việc huy động, phân bổ các nguồn lực và tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật, biểu diễn.

Thưa các đồng chí,

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về luật pháp, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến huy động và phân bổ có hiệu quả nguồn lực cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng những yêu cầu mới, tôi đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách.

Cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về yêu cầu bảo đảm tính “đồng bộ, khả thi và hiệu quả” trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện luật pháp và các cơ chế, chính sách về huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao. Phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí phát triển của các thiết chế này, gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị, bộ máy tổ chức, nhân sự, kinh phí hoạt động và cơ chế vận hành; phải bảo đảm sự kết nối, liên thông giữa các chính sách, nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao với các chính sách, nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về văn hóa, thể thao của mỗi địa phương và cả nước.

Đề nghị các quý vị đại biểu tập trung đánh giá, rà soát hệ thống các quy định về thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay, trong đó có những luật đã ban hành như: Luật Quy hoạch, Luật Thư viện, Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Thể dục, thể thao… cùng với các văn bản dưới luật có liên quan, để chỉ ra những quy định nào còn nguyên giá trị, những quy định nào không còn phù hợp, cần điều chỉnh, bổ sung; đồng thời, thảo luận cho ý kiến về việc liệu chúng ta có cần xây dựng thêm những văn bản quy phạm pháp luật mới, như: Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Nghị định về Văn học…; về các cơ chế, chính sách để có định hướng phát triển đúng cũng như để thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được hưởng lương từ ngân sách nhà nước; có chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; bảo đảm quyền tiếp cận và nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi…

Thứ hai, tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tổng thể.

Giai đoạn 2011-2020 chúng ta đã phê duyệt, ban hành một số quy hoạch xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nổi bật là Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các quy hoạch này vẫn là khâu yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Khó khăn chính là ở chỗ việc bố trí các nguồn lực, nhất là quỹ đất và kinh phí, để hiện thực hóa các quy hoạch này chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra và chưa phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và mỗi địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, thực hiện Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31.1.2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện cũng đang hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó có những mục tiêu, định hướng và giải pháp cụ thể về phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao. Đây là những căn cứ, yêu cầu rất quan trọng để các địa phương tích hợp, nhất là bổ sung các chỉ tiêu về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quỹ đất và nguồn kinh phí để thực hiện được các chỉ tiêu đã đề ra.

Thứ ba, tăng cường quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.

Phải đổi mới thật sự phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp trên nguyên tắc “phù hợp, bản sắc, hiện đại”. Khắc phục hội chứng “phong trào” và tình trạng “đồng dạng hóa” các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và một chính sách chung cho tất cả trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy, xã hội hóa nguồn lực đầu tư và cắt giảm biên chế cán bộ; khắc phục cho bằng được tình trạng đầu tư và tổ chức các hoạt động để lấy thành tích, mọi nơi đều làm giống nhau mà không tính đến đặc thù của địa phương, điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc điểm dân tộc, vùng miền, nhu cầu văn hóa, thể thao thật sự của người dân, của các nhóm đối tượng, lứa tuổi.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Cần phân định rõ các thiết chế dành cho các hoạt động văn hóa quần chúng, thể thao phong trào với các thiết chế dành cho các hoạt động văn hóa tinh hoa, bác học, thể thao chuyên nghiệp, thành tích cao để có những cơ chế, chính sách quản lý, khai thác có hiệu quả. Chú trọng khai thác đồng bộ những thiết chế văn hóa, thể thao truyền thống nhằm bảo tồn và lưu giữ những giá trị tốt đẹp đã có sức sống trong tâm thức cộng đồng; đồng thời tăng cường phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao hiện đại, phù hợp với quá trình chuyển đổi về kinh tế, xã hội, dân cư, thị hiếu và công nghệ. Nhân đây, tôi cũng đề nghị các đại biểu chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay, mô hình hoạt động hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở các địa phương, các ngành và kể cả kinh nghiệm quốc tế.

Thứ tư, tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao.

Cần khẳng định, đây là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng để các thiết chế văn hóa, thể thao có thể vận hành và phát triển. Thời gian qua chúng ta đã bố trí, sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất của nhiều thiết chế văn hóa, thể thao ở cả Trung ương và địa phương. Các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng dành một phần kinh phí thỏa đáng cho xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Tuy nhiên, từ thực tiễn hiện nay cho thấy, cần tính toán lại để đầu tư nguồn kinh phí cho mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa sao cho phù hợp, tập trung, hiệu quả, tránh tình trạng vừa thiếu, vừa lãng phí. Cần nhận thức sâu sắc rằng, để bảo tồn và lưu giữ được các thiết chế văn hóa, thể thao truyền thống rất cần nguồn lực đầu tư của Nhà nước; trong khi đó, lại rất cần đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trong xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao mới để đảm bảo được hiệu quả cả về mặt xã hội và về mặt kinh tế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Theo đó, phải xây dựng các cơ chế, chính sách rõ ràng hơn, hấp dẫn hơn để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao. Thúc đẩy sự liên kết giữa các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư để tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa nghệ thuật, biểu diễn thi đấu thể thao; khuyến khích sự giám sát, tham gia quản lý, khai thác sử dụng của cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, vận hành thiết chế văn hóa, thể thao.

Thứ năm, về tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tổ chức bộ máy của các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đang có nhiều xáo trộn. Mặc dù đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đang dần được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn song các cơ chế, chính sách hiện nay vẫn chưa thật sự sát hợp với đặc thù của lĩnh vực văn hóa, thể thao, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài; đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tiễn kiện toàn bộ máy tổ chức và nhân sự vừa qua của các thiết chế văn hóa, thể thao từ Trung ương tới địa phương đã đặt ra rất nhiều vấn đề mới cần nghiêm túc đánh giá, tổng kết để rút ra những bài học kinh nghiệm.

Tôi đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích xem các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, định mức biên chế, cơ cấu đội ngũ lao động, xác định vị trí việc làm tại các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đã phù hợp chưa? Việc sáp nhập và thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao gặp những thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc gì? Cần có những chính sách đãi ngộ, phụ cấp, bồi dưỡng, khen thưởng, xét tặng danh hiệu, động viên, khích lệ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, nhất là những tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao như thế nào cho đúng, hợp lý và thỏa đáng?

Thưa các đồng chí,

Với tinh thần khoa học, khách quan, tôi tin tưởng rằng, Hội thảo của chúng ra sẽ có những trao đổi thẳng thắn và tâm huyết, có nhiều kiến nghị, đề xuất thiết thực cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối, pháp luật, chính sách và các cơ chế để thúc đẩy sự nghiệp phát triển nền văn hóa, thể thao nước nhà trong giai đoạn mới.

Xin chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học cùng toàn thể quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và bình an.

Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp!

_________

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/hoan-thien-he-thong-luat-phap-thuc-day-su-nghiep-phat-trien-nen-van-hoa-the-thao-trong-giai-doan-moi-i371467/