Hoàn thiện hệ thống pháp luật 'đồ sộ' quy định về an toàn điện
Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật 'đồ sộ' quy định về an toàn điện với tất cả các bên, từ bán điện, sử dụng điện, cung cấp thiết bị điện và trách nhiệm cơ quan quản lý trong an toàn điện.
Tại Tọa đàm An toàn điện trong công tơ - Nhận thức đúng, hành động kịp thời do Báo Công an nhân dân tổ chức chiều 23/4, ông Trịnh Văn Thuận - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực và Luật Phòng cháy chữa cháy, qua đó hoàn thiện hệ thống pháp luật "đồ sộ" quy định về an toàn điện đối với tất cả các bên, từ bên bán điện, bên sử dụng điện, bên cung cấp thiết bị điện và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong an toàn điện.
Trong đó, Điều 74 Luật Điện lực 2024 quy định trách nhiệm rất rõ ràng của bên bán điện và người sử dụng điện. Điều luật quy định, người sử dụng điện có trách nhiệm thiết kế hệ thống điện trong gia đình đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn nói chung và quy chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy nói riêng; gắn trách nhiệm người sử dụng điện phải đầu tư, đảm bảo chất lượng đường dây điện từ công tơ vào thiết bị, cũng như việc kiểm tra định kỳ trong quá trình sử dụng.

Tọa đàm An toàn điện trong công tơ - Nhận thức đúng, hành động kịp thời do Báo Công an nhân dân tổ chức chiều 23/4. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát
Đối với bên bán điện, luật mới bổ sung các trách nhiệm về việc tư vấn, cung cấp thông tin cho khách hàng về các biện pháp đảm bảo an toàn, các nguy cơ mất an toàn điện và phối hợp với cơ quan chức năng trong đảm bảo an toàn điện.
Điều 69 Luật Điện lực 2024 đã nêu chi tiết về trách nhiệm của các cơ quan; trong đó, Bộ Công Thương là đầu mối quản lý nhà nước về lĩnh vực này, có trách nhiệm phối hợp với các ban, bộ, ngành, các địa phương để trình Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về an toàn điện.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm hoàn thiện quy chuẩn quốc gia về an toàn điện với các công trình xây dựng. UBND các tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động kiểm tra an toàn điện tại địa phương. Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết bị điện phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Ngoài ra, Luật Phòng cháy chữa cháy cũng có quy định bổ sung về an toàn điện liên quan đến lắp đặt thiết bị điện trong sinh hoạt và nhà ở.
Một văn bản khác rất quan trọng là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 12 năm 2014 của Bộ Xây dựng về hệ thống điện trong nhà ở; trong đó có những yêu cầu kĩ thuật rất quan trọng về điện lắp đặt trong nhà ở.
“Lâu nay tôi cho rằng, vẫn có tình trạng nhiều người chưa thực sự quan tâm đến quy chuẩn này. Tôi đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các giải pháp thiết thực nhằm đưa các văn bản này vào thực hiện, qua đó tăng cường an toàn trong việc sử dụng điện sinh hoạt”, ông Thuận nói.
Ông Thuận cho rằng, hệ thống pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ và đồng bộ về an toàn điện sau công tơ. Tuy vậy, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, để việc thực thi được hiệu quả hơn. Ông Thuận cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, phải có các chế tài xử phạt thì mới đủ sức răn đe. Đồng thời, cần hoàn thiện quy định, quy chế phối hợp theo từng địa phương trong đảm bảo an toàn sử dụng điện phù hợp với đặc thù của mỗi nơi. Nếu muốn kiểm tra nhà dân cần có quy trình, các bước cụ thể.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra, giám sát việc an toàn điện sau công tơ để nâng cao mức độ tuân thủ của người dân. “Chúng ta chỉ cần làm các chiến dịch điểm, khoanh vùng khu vực nguy cơ cao. Từ đó sẽ lan tỏa để người dân tự nhận thức được trách nhiệm của bản thân, không chỉ giao phó những vấn đề đó cho các bên bán điện. Tóm lại, cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng để đồng bộ giải pháp, ngăn ngừa và giảm thiểu các vụ tai nạn cháy nổ do điện”, ông Thuận nói.

Các diễn giả thảo luận, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, Tổng công ty Điện lực Hà Nội hiện nay có khoảng 2,9 triệu khách hàng sử dụng điện và thấy rằng hiện nay có 3 vấn đề về an toàn diện, đó là vấn đề về hệ thống điện, thiết bị điện, người sử dụng điện.
Về hệ thống điện, Luật Điện lực đã nêu rõ ràng về thiết kế mẫu phù hợp cho từng hộ gia đình, nếu như hộ gia đình ở nhà cấp 4 hoặc nhà cao tầng, biệt thự… đều có thiết kế mẫu để khi ta lắp đặt theo đúng thiết kế của hộ gia đình ứng vào việc sử dụng.
Việc thứ hai là các thiết bị điện. Theo đó, thiết bị điện sử dụng trong các hộ gia đình là nguyên nhân thứ hai ta cần phải quan tâm. Hiện nay, tất cả các hộ gia đình đã điện khí hóa, sử dụng hoàn toàn các thiết bị điện. Trước đây các hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng gas hay củi, than… tuy nhiên, hiện nay 100% đều đã sử dụng điện.
Vừa rồi, Luật Điện lực cũng nêu chi tiết về các thiết bị lắp đặt trong gia đình, từ ổ cắm đến các thiết bị đều có quy chuẩn, quy định rất đầy đủ. Chính vì thế khi ta thiết kế nguồn điện cho gia đình chúng ta như một dây dẫn đến một ổ cắm có công suất bao nhiêu, ổ cắm chịu được thiết bị điện bao nhiêu mAh…
Ông Dũng cho rằng, tất cả thiết bị có quy chuẩn riêng, người sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn. Trước đây, có những trường hợp quạt điện đổ hay đèn sợi đốt quá công suất gây ra cháy, tuy nhiên, hiện nay các thiết bị đã hiện đại hơn, khi quá tải sẽ tự động ngắt. “Người bán điện phải có trách nhiệm tuyên truyền đến mọi người dân về mọi ý thức lắp đặt cũng như sử dụng điện”, ông Dũng nói
Thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, trên hệ thống loa truyền thanh của phường; phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PC07) tổ chức các buổi tuyên truyền đến người dân, những em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí là qua loa kéo tay.
Đến nay, có 2,9 triệu khách hàng của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã được tuyên truyền đầy đủ, được nghe, hiểu về sử dụng điện an toàn, đảm bảo phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, để cho người dân hiểu sâu, hiểu thêm nữa vẫn rất cần cần các phương tiện báo chí, các đài truyền hình phối hợp để đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền.
Theo ông Dũng, trách nhiệm của ngành điện nói chung và Điện lực Hà Nội nói riêng là quản lý việc vận hành, đảm bảo an toàn điện đến trước công tơ. Với trách nhiệm đó, trong nhiều năm liền, ngành điện Hà Nội thường xuyên cải tạo hệ thống lưới điện. Tại 12 quận nội thành Hà Nội, 100% hệ thống đường dây điện đã được ngầm hóa. Đồng thời, 70% lưới điện hạ áp đã được hạ ngầm. Công tơ hiện nay 100% công tơ điện tử, đo đếm từ xa.
Thời gian qua, để đảm bảo an toàn đối với hệ thống lưới điện, ngành điện Hà Nội quy định rõ lưới điện không được phép vượt quá 80% công suất, nếu vượt thì phải khẩn trương có biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn, tránh quá tải. Hà Nội là một địa phương đặc thù với 2,9 triệu khách hàng sử dụng điện, mùa Hè nóng bức. Năm 2024, công suất sử dụng mùa Hè có lúc lên đến gần 5.300 MW, tương đương 12% tổng công suất phát điện toàn quốc.
Để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, thời gian qua, EVNHANOI thường xuyên cải tiến thiết bị và công nghệ tự động hóa. Toàn bộ 65 trạm biến áp 110kV đều được đóng, cắt tự động từ xa, không cần người trực. Hàng ngàn trạm biến áp phân phối cũng được lắp đặt thiết bị kiểm soát tự động. Trong năm 2025 này, ngành điện Hà Nội phấn đấu triển khai một thiết bị chung để đóng, ngắt từ xa đối với các cụm từ 3-5 trạm biến áp. Tất cả thiết bị ngành điện đều được kiểm định, bảo trì bảo dưỡng thường xuyên. Từ công tơ vào các hộ gia đình được lắp đồng bộ aptomat 65 Ampe cùng dây dẫn đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Với trách nhiệm với khách hàng, EVNHANOI thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền cũng như kiểm tra việc sử dụng điện. Thời gian tới, EVNHANOI sẽ xây dựng một bộ các quy tắc để nhân viên ngành điện khi đi kiểm tra. EVNHANOI cũng dự thảo các hợp đồng mua bán điện để đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Thủ đô, đảm bảo việc thực hiện nghiêm các nội dung quy định trách nhiệm của các bên trong kinh doanh, sử dụng điện.
Theo Thiếu tướng Phạm Khải, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân, trong những năm gần đây, vấn đề an toàn điện ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội, đặc biệt là khu vực sau công tơ điện – phần thuộc quyền sử dụng và quản lý trực tiếp của người dân, doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều sự cố đáng tiếc về cháy nổ, thậm chí gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, đã xảy ra do sự chủ quan, thiếu hiểu biết hoặc không tuân thủ quy định trong việc sử dụng điện an toàn.