Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững

Phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và công nghiệp là một trong 6 chương trình trọng điểm của tỉnh, khi thực hiện có hiệu quả sẽ tạo nền tảng vững chắc trong phát triển kinh tế.

Dự án cầu vượt sông Hương đang đảm bảo tiến độ

Dự án cầu vượt sông Hương đang đảm bảo tiến độ

Không phải ngẫu nhiên mà khi đến thăm, làm việc tại Thừa Thiên Huế, lãnh đạo Trung ương luôn dành thời gian đi kiểm tra, đôn đốc các dự án (DA) liên quan đến việc hoàn thiện, phát triển hạ tầng. Bởi, phải thừa nhận thực tế rằng, cơ sở hạ tầng của Thừa Thiên Huế hiện vẫn yếu khi đặt trong mối tương quan với các đô thị lớn, trực thuộc Trung ương. Hiện trạng hạ tầng chưa hoàn thiện gây khó khăn trong đầu tư lẫn công tác quản lý, tạo ra trở lực phát triển kinh tế, làm mất lợi thế cạnh tranh và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Trong khi đó, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược của quốc gia.

Nhận diện để nỗ lực

“Việc hoàn thiện hạ tầng luôn được tỉnh quan tâm, đó là yếu tố quan trọng để tạo ra diện mạo mới cho đô thị Thừa Thiên Huế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định tại buổi kiểm tra tiến độ dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế.

Với tiến độ hiện nay, các DA đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại do địa phương quản lý, các tuyến kết nối khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh hiện đang được triển khai cơ bản đảm bảo yêu cầu đề ra. Điển hình như việc dự kiến sẽ thông xe kỹ thuật trong cuối năm 2024 đối với công trình cầu qua cửa Thuận An (thuộc DA Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế) và cầu vượt sông Hương (thuộc DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương). Các DA đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Vành đai 3 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư để có thể khởi công ngay trong cuối năm 2024.

 Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện

Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư hoàn thiện

Với hạ tầng giao thông, không chỉ có sự chuyển động từ các DA trọng điểm mà các DA mở rộng, chỉnh trang một số trục tỉnh lộ cơ bản hoàn thành các hạng mục chính; việc nâng cấp một số tuyến đường tại TP. Huế cũng đang được quan tâm…

Ngoài hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thương mại trên địa bàn từng bước phát triển bảo đảm lưu thông phân phối hàng hóa, phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Chợ được nâng cấp, cải tạo; các siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân địa phương và du khách. DA người dân quan tâm nhất hiện nay đó là Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 9/2024 thể hiện nỗ lực lớn của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan. Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác và Phát triển thương mại Nam Việt đang triển khai đầu tư xây dựng DA “Đầu tư quản lý, khai thác chợ và Trung tâm thương mại Lăng Cô (huyện Phú Lộc)” đã hoàn thành 80% khối lượng, dự kiến đưa vào hoạt động cuối quý II/2024.

Theo Ban quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh, thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hạ tầng triển khai thực hiện DA đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Theo đó, DA đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex1 (dự kiến hoàn thành đưa giai đoạn 1 đợt 1 vào hoạt động quý II/2024); KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 12 (hiện nay, đã đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành dự án, tỷ lệ hoàn thành khoảng 90%; dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án quý IV/2024); đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền - Viglacera; Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây. Hiện nay, 9 cụm công nghiệp, diện tích 317,42ha được thành lập đã thu hút 143 DA đầu tư, với tổng mức khoảng 2.147 tỷ đồng.

Ngoài ra, kết quả thực hiện phát triển hạ tầng cấp nước và xử lý nước thải; hạ tầng cấp điện; hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu… cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm

Không phủ nhận những kết quả, song thách thức đối với bài toán phát triển hạ tầng vẫn còn hiển hiện, nhất là một số DA còn chậm về tiến độ, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng… Và, từ đợt giám sát của HĐND tỉnh, Nghị quyết 70 được HĐND tỉnh ban hành chỉ rõ nhiều tồn tại. Triển khai thực hiện các kiến nghị từ nghị quyết này, lãnh đạo tỉnh cho biết, đối với 10 DA chậm triển khai thực hiện cần rà soát, xem xét thu hồi, đã chỉ đạo quyết định chấm dứt hoạt động 2 DA; nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động 1 DA; thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động 1 DA; 5 DA tiếp tục rà soát, xem xét thu hồi, 1 DA đã hoàn thành đi vào hoạt động.

Đối với 48 DA đôn đốc, theo dõi đặc biệt đã thu hồi 1 DA; 1 DA đã đi vào hoạt động; 3 DA đã được điều chỉnh tiến độ thực hiện; 6 DA xem xét, rà soát thu hồi; 9 DA ngừng hoạt động; 28 DA còn lại cơ quan quản lý đầu tư sẽ tiếp tục tố chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý theo quy định.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và công nghiệp đã đặt ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, 6 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai, cam kết tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, DA thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2024. Rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các DA triển khai chậm để bổ sung vốn cho các DA có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các DA trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ cũng như hoàn thành thủ tục khởi công các DA trọng điểm; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các DA sớm đi vào hoạt động, tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp…

Lê Thọ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/xay-dung-giao-thong/hoan-thien-ket-cau-ha-tang-bao-dam-cho-su-phat-trien-ben-vung-143617.html