Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đang tiến gần hơn tới việc thiết lập thị trường carbon rừng minh bạch, hiệu quả và bền vững, thông qua dự thảo nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 146,3 triệu tấn CO₂ tương đương vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, và có thể tăng lên đến 403,7 triệu tấn nếu có hỗ trợ quốc tế.

Theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 146,3 triệu tấn CO₂ tương đương vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, và có thể tăng lên đến 403,7 triệu tấn nếu có hỗ trợ quốc tế.

Nghị định này quy định chi tiết khoản 5 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp, bao gồm các nội dung: đối tượng, hình thức, mức chi trả, quản lý và sử dụng tiền dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng; đồng thời bổ sung các quy định về nguyên tắc, điều kiện cung ứng và sử dụng dịch vụ, tổ chức triển khai hoạt động hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Qua gần ba năm triển khai thí điểm hoạt động chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính nguồn thu từ carbon rừng, thực tiễn cho thấy đây là nguồn thu mới có giá trị để đầu tư trở lại cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, được người dân và các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, đặc biệt là về cơ chế sử dụng nguồn tiền từ việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải của chủ rừng là tổ chức, việc xác định đối tượng được hưởng lợi, và thiếu các quy định cụ thể về mức chi trả, các khoản chi phí cho các hoạt động như đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm phát thải; kiểm tra, giám sát lượng carbon rừng; nâng cao năng lực và giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan.

Hiện nay, một số đối tác quốc tế đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trao đổi, thảo luận hướng tới ký kết các thỏa thuận về trao đổi tín chỉ carbon.

Một số địa phương như Quảng Nam, Lào Cai, Sơn La... đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thí điểm xây dựng Đề án về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Tuy nhiên, các địa phương này vẫn chưa thể triển khai do chưa có khung pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và tín chỉ carbon rừng ở quy mô toàn quốc.

Ngày 9/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2025/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2022/NĐ-CP, trong đó có những quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, phê duyệt dự án carbon.

Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ cho phép tổ chức đăng ký dự án và chưa quy định cụ thể về cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các dự án carbon rừng.

Trong khi đó, theo Luật Lâm nghiệp 2017, rừng ở Việt Nam thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau như Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư. Điều này đòi hỏi khung pháp lý phải rõ ràng về chủ thể đủ điều kiện tham gia và triển khai dự án carbon rừng, phù hợp với thực tiễn sở hữu rừng tại Việt Nam.

Song song với việc hướng dẫn cụ thể khoản 5 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp, dự thảo nghị định lần này cũng bổ sung quy định về cấp tín chỉ carbon rừng. Đây là công cụ chính để chủ rừng có thể tham gia giao dịch trên thị trường carbon.

Bên cung ứng dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng sẽ phải đăng ký dự án, thực hiện các bước từ tạo ra kết quả giảm phát thải, đo đạc, báo cáo, thẩm định, đến khi đủ điều kiện cấp tín chỉ carbon. Việc giao dịch có thể thực hiện qua hợp đồng hoặc trên sàn giao dịch carbon trong nước.

Bên sử dụng dịch vụ là các tổ chức hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có trách nhiệm thực hiện các cam kết trong hợp đồng hoặc theo cơ chế vận hành thị trường carbon, đồng thời đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật.

Kết quả giảm phát thải, tín chỉ carbon rừng đã được trao đổi hoặc chuyển nhượng thì không được sử dụng lại cho các mục đích khác nhằm đảm bảo minh bạch và tránh gian lận phát thải.

Nguồn thu từ hoạt động trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và tín chỉ carbon rừng thuộc về chủ rừng, được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng.

Dự thảo nghị định cũng nhấn mạnh nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ rừng và các bên liên quan; khuyến khích các bên hợp tác triển khai dự án carbon rừng và chia sẻ lợi ích công bằng từ hoạt động giao dịch tín chỉ carbon. Đồng thời, toàn bộ hoạt động phải đảm bảo không gây ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam đã tham gia.

Theo Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 146,3 triệu tấn CO₂ tương đương vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước, và có thể tăng lên đến 403,7 triệu tấn nếu có hỗ trợ quốc tế. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng: đưa phát thải ròng về 0.

Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần một thị trường carbon rừng phát triển lành mạnh, minh bạch và có cơ chế pháp lý đồng bộ. Dự thảo nghị định lần này được kỳ vọng sẽ là nền móng pháp lý quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu kép: bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế rừng bền vững.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-cho-thi-truong-tin-chi-carbon-rung-d318048.html