Hoàn thiện khung pháp lý cho tiền ảo

Các đồng tiền ảo phát triển quá nhanh tạo ra những khoảng trống về pháp lý. Cần có sự điều chỉnh để giảm hệ lụy cho các nhà đầu tư cũng như nền kinh tế.

Chuyên gia cảnh báo tiền kỹ thuật số vẫn khó có thể được sử dụng rộng rãi như một công cụ thanh toán bởi mức độ biến động giá quá lớn và rất dễ bị lợi dụng, biến tướng.

Chuyên gia cảnh báo tiền kỹ thuật số vẫn khó có thể được sử dụng rộng rãi như một công cụ thanh toán bởi mức độ biến động giá quá lớn và rất dễ bị lợi dụng, biến tướng.

Sớm xây dựng hành lang pháp lý

Hiện nay, trên thế giới có trên 1.500 loại tiền ảo khác nhau đang lưu hành. Ở Việt Nam, hoạt động giao dịch tiền ảo thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, thu hút nhiều cá nhân tham gia mua bán, đầu tư, nổi bật nhất là bitcoin. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Nhiều quốc gia đã xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo, tiền ảo nói riêng như EU, Nhật Bản, Mỹ, một số nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…

Tại Việt Nam, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… phối hợp nghiên cứu đề xuất xây dựng khung pháp lý, song đến nay vẫn chưa được hoàn thiện.

Mới đây, Chính phủ ký Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5/2025.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu về khối lượng giao dịch tiền mã hóa (đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance). Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về là hàng chục tỷ USD.

Như vậy, các giao dịch tiền mã hóa diễn ra ở Việt Nam rất mạnh mẽ, nhà đầu tư vẫn thực hiện các giao dịch mua/bán tiền ảo qua tài khoản ngân hàng.

Theo các chuyên gia, việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo là rất cấp thiết, chú trọng vào các vấn đề như: Công nhận tài sản ảo, tiền ảo; xây dựng chính sách thuế với tài sản ảo, tiền ảo; ngăn chặn rửa tiền thông qua tiền ảo, tài sản ảo; bảo đảm an toàn thông tin và dữ liệu cá nhân khi giao dịch tài sản ảo, tiền ảo…

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhìn nhận, nhiều giao dịch tiền ảo vẫn được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, đây là các giao dịch đáng ngờ cần được báo cáo. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý, nên các giao dịch này là thỏa thuận dân sự, ngân hàng không thể can thiệp. Giám sát, quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách giai đoạn hiện nay, mà muốn quản lý được dòng tiền này thì trước hết phải có khung khổ pháp lý.

Chính sách bịt lỗ hổng

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ, điều chỉnh đối với tiền ảo và còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo. Theo chuyên gia tài chính Mai Tiến Phong, đối chiếu với quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa.

Việc chưa có quy định nào của pháp luật dân sự khẳng định tiền ảo là một loại tài sản dẫn đến những hệ quả tiếp theo là các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo đều không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp.

Chuyên gia Phong lấy ví dụ, khi ví điện tử của một chủ thể bị xâm nhập và bị ăn trộm một số lượng tiền ảo nhất định thì có đòi lại được không? Khi các bên mua bán tiền ảo không thực hiện nghĩa vụ giao tài sản thì áp dụng trách nhiệm dân sự gì? Các cá nhân chuyển tiền cho nhau thì làm sao để phát hiện đâu là giao dịch hợp pháp, đâu là giao dịch bất hợp pháp?

Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, xây dựng pháp luật bắt kịp với sự phát triển của khoa học và công nghệ là một thách thức không chỉ với Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 yêu cầu pháp luật phải có sự điều chỉnh để đáp ứng những đòi hỏi của xã hội hiện đại.

“Cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để giải quyết những quan hệ xã hội nảy sinh trong các giao dịch dân sự liên quan đến tiền ảo đang diễn ra trên thực tế nhằm hạn chế rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia”, luật sư Bình phân tích.

Tuy nhiên, luật sư Bình cho rằng, Việt Nam chưa nên công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán bởi có thể việc chấp nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán sẽ có ảnh hưởng lớn tới chính sách tiền tệ khi điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ, tài chính và nhận thức của người dân chưa cao.

Trong tương lai, khi nền tảng công nghệ, thị trường tài chính đã phát triển, sự tồn tại và phát triển của đồng tiền ảo đã ổn định thì lúc đó Việt Nam mới tính đến việc cân nhắc, xem xét tiền ảo có là một phương tiện thanh toán hay không.

Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp, kiểm soát được một cách tối đa các hoạt động liên quan đến tiền ảo, hạn chế rủi ro cho các bên tham gia, Việt Nam chỉ nên công nhận các giao dịch liên quan đến tiền ảo đối với các ví giao dịch được đăng ký và có danh tính.

Cần cấm tuyệt đối các hoạt động liên quan đến tiền ảo ẩn danh. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc hình sự đối với các chủ thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo không đăng ký.

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoan-thien-khung-phap-ly-cho-tien-ao-post674123.html