Hoàn thiện nghị định mới về thu hồi đất để tạo công bằng
Các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia đang tiếp tục góp ý để Bộ Tài nguyên và môi trường (TNMT) hoàn thiện Dự thảo Nghị định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất. Đây là một trong những nghị định quan trọng để thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Theo yêu cầu của Chính phủ, nghị định phải rõ ràng, khả thi và thông suốt; công bằng, an sinh xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện nghị định
Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới, góp phần tháo gỡ các hạn chế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, mong muốn chung của các địa phương, doanh nghiệp, người dân là luật sớm có hiệu lực. Xuất phát từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng nghị định, thông tư để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội chấp thuận cho Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 thay vì ngày 1-1-2025 như quy định.
Bộ TNMT được giao chủ trì xây dựng nghị định mới về thu hồi đất. Từ đầu tháng 2-2024, dự thảo nghị định được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi. Sau đó, Bộ TNMT tiếp tục tổ chức lấy ý kiến trực tiếp và thông qua góp ý văn bản ở các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, nhân dân.
Đầu tháng 5 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến dự thảo nghị định mới về thu hồi đất. Trong đó, tập trung vào phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC; bồi thường bằng loại đất có mục đích sử dụng khác với loại đất bị thu hồi hoặc nhà ở; các trường hợp khác được bồi thường về đất và điều kiện được bồi thường về đất. Cùng với đó là đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống; đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…
Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI yêu cầu Sở TNMT tổng hợp các ý kiến đóng góp, tham mưu cho UBND tỉnh để gửi Bộ TNMT. Đồng thời, Sở TNMT rà soát lại Nghị quyết số 14/NQ-TU Tỉnh ủy ban hành đầu năm 2024 về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ TĐC trên địa bàn tỉnh, đối chiếu với nghị định mới, đề xuất tỉnh điều chỉnh đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ và khả thi trong thực hiện.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách quan trọng, nhạy cảm và đột phá nhằm bảo đảm công bằng, an sinh xã hội. Để có chính sách nhất quán, công bằng, có sự điều tiết của Nhà nước, không bỏ sót đối tượng, Bộ TNMT, Bộ Tài chính cùng các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, phản biện và đề xuất phương án bảo đảm quy định rõ ràng, khả thi, thông suốt.
Ngày 15-5, khi nghe Sở TNMT, các sở, ngành, địa phương báo cáo nội dung góp ý dự thảo nghị định này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, đây là nghị định rất quan trọng trong thi hành Luật Đất đai năm 2024, tác động trực tiếp đến hầu hết các dự án. Do đó, các đơn vị, địa phương phải nghiên cứu kỹ nội dung, xác định những vướng mắc có thể xảy ra, những quy định còn chưa rõ ràng, từ đó có ý kiến đóng góp. Các ý kiến này sẽ là cơ sở để thực thi pháp luật sau này.
Cần đồng bộ, chặt chẽ và khả thi
Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Hữu Thành cho rằng, điều 15 dự thảo nghị định quy định, Nhà nước bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất bị thu hồi, mức bồi thường bằng tổng giá trị công trình bị thiệt hại (xây mới) trừ đi khấu hao tài sản, thời gian sử dụng và mức bồi thường này không quá 100% giá trị công trình xây mới. Tuy nhiên, việc xác định giá trị còn lại của công trình rất khó với cấp huyện, nếu làm chính xác thì phải thuê đơn vị tư vấn, mà như vậy sẽ mất nhiều thời gian, thêm chi phí.
Ngoài ra, Điều 22 dự thảo nghị định quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất cũng khó thực hiện.
Ông Thành dẫn chứng, thời gian qua, với một số dự án thu hồi đất nông nghiệp, địa phương phải gửi giấy đến các tỉnh, thành nhờ xác nhận nghề nghiệp của người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi mà không trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Quá trình này mất nhiều thời gian, có nơi thì có thông tin phản hồi, có nơi không phản hồi.
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho biết, Điều 22 dự thảo nghị định quy định, người có đất ở bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở thì được bố trí TĐC bằng đất ở hoặc nhà ở. Thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương, việc đầu tư xây dựng hạ tầng khu TĐC đã khó, xây dựng nhà ở TĐC càng khó hơn. Thêm vào đó, nếu xây dựng các khu TĐC mà chưa sử dụng, lại phải có người quản lý. Từ đó, ông Nam kiến nghị nghị định nên quy định cho các địa phương đặt hàng chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng căn hộ đủ điều kiện về diện tích để bố trí TĐC cho người dân.
Đại diện Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ TĐC tỉnh cho rằng, dự thảo nghị định thiếu hẳn nội dung bồi thường cây trồng, nhà cửa, kiến trúc trên đất thu hồi. Do vậy, cần bổ sung thêm nội dung hỗ trợ khác để có cơ sở xử lý quyền lợi cho các trường hợp không đủ điều kiện TĐC.