Hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trong phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ.
Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Quy chuẩn thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_590_51465345/2900c225f26b1b35427a.jpg)
Ảnh minh họa
Theo Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ, Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với các loại tàu biển (ngoại trừ các tàu quân sự, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở chất phóng xạ) đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam để phá dỡ.
Đồng thời, Điều 44 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về các yêu cầu đặc thù về bảo vệ môi trường đối với tàu biển nhập khẩu để phá dỡ.
Nghị định 82/2019/NĐ-CP 12/11/2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 74/2023/NĐ-CP của Chính phủ) đã quy định về chủng loại tàu bao gồm: Tàu chở hàng khô (hàng tổng hợp, hàng rời, hàng thiết bị, gỗ dăm, gỗ cây, ngũ cốc, hàng đóng bao, hàng sắt thép); tàu container; tàu chở quặng; tàu chở hàng lỏng (dầu thô, dầu sản phẩm, dầu thực vật); tàu chở gas, khí hóa lỏng; tàu Ro-Ro, tàu khách, sà lan biển, phà biển.
Đối với điều kiện để nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, theo quy định tại Nghị định 82, tàu biển nhập khẩu để phá dỡ phải được Cục Hàng Hải Việt Nam cấp Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ.
Do vậy, để thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý tàu biển nhập khẩu để phá dỡ, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về môi trường thì việc rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý do Bộ Giao thông vận tải chủ trì cũng cần được thực hiện đồng bộ, tạo hành lang pháp lý minh bạch và đáp ứng các yêu cầu quốc tế, quy định về bảo vệ môi trường.
Trong dự thảo tờ trình, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh, việc ban hành thông tư nhằm thể chế hóa các quy định, chính sách mới của Luật Bảo vệ môi trường về tăng cường kiểm soát về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu để phá dỡ đảm bảo hài hòa với các quy định quốc tế về phá dỡ tàu biển.
Các loại tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ phải đáp ứng quy định nêu tại Điều 5 Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng (hợp nhất tại Văn bản số 56/VBHNBGTVT ngày 07/11/2023 của Bộ Giao thông vận tải).
Đồng thời, tàu biển đã qua sử dụng được phép nhập khẩu để phá dỡ phải đảm bảo loại bỏ hàng hóa, vật liệu nguy hiểm, các loài ngoại lai xâm hại và chất thải, bao gồm: toàn bộ hàng hóa tồn đọng trên tàu, không chứa vũ khí, đạn dược và chất gây nổ, chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ. Loại bỏ toàn bộ các chất và các sản phẩm, thiết bị có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone... và một số quy chuẩn khác.
Tàu biển nhập khẩu vào Việt Nam để phá dỡ phải được phải được kiểm tra, giám định để đánh giá sự phù hợp với các quy định kỹ thuật tại mục 5 của Quy chuẩn này, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu tàu biển và cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, ngoại trừ trường hợp tàu biển đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm kê vật liệu nguy hiểm hoặc Giấy chứng nhận sẵn sàng tái chế của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước xuất khẩu.
Trường hợp không có Giấy chứng nhận kiểm kê vật liệu nguy hiểm hoặc Giấy chứng nhận sẵn sàng tái chế của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tại nước xuất khẩu, Tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu biển để phá dỡ phải thực hiện kiểm tra, giám định tàu biển trước khi làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam để phá dỡ. Việc kiểm tra, giám định tàu biển được thực hiện bởi tổ chức giám định được chỉ định hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu tàu biển để phá dỡ phải cung cấp kết quả đánh giá tàu biển nhập khẩu để phá dỡ (chứng thư giám định) cho cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu tàu biển và cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu kèm theo các hồ sơ đề nghị nhập khẩu tàu biển.
Trong đó, nội dung chứng thư giám định phải thể hiện đầy đủ các kết quả đánh giá tàu biển nhập khẩu để phá dỡ nêu tại mục 2 của Quy chuẩn này.
Việc xác định hàm lượng, nồng độ các thông số môi trường quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này phải được thực hiện bởi các tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.