Liên minh Châu Âu xem xét mức giá trần cho khí đốt tự nhiên
Liên minh Châu Âu đang xem xét khả năng áp dụng giá trần cho khí đốt tự nhiên như một phần của các cuộc thảo luận về chính sách thỏa thuận công nghiệp sạch nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp của lục địa này.
![Ảnh: Reuters](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_232_51468787/a9d4da0beb45021b5b54.jpg)
Ảnh: Reuters
Châu Âu đang mất đi khả năng cạnh tranh do giá khí đốt của khu vực này cao gấp bốn lần so với giá khí đốt tại Mỹ.
Một mức giá giới hạn đang được thảo luận tại Ủy ban Châu Âu trước khi công bố Thỏa thuận công nghiệp sạch hoặc Kế hoạch hành động liên quan đến năng lượng giá cả hợp lý vào tháng tới, các nguồn tin thân cận nói với tờ Financial Times.
EU hiện đang áp dụng giới hạn giá khí đốt, được gọi là "cơ chế điều chỉnh thị trường", từ năm 2022. Tuy nhiên, mức trần của nó là 187 USD (180 euro) cho mỗi MWh đối với TTF, mức chuẩn của Châu Âu và chưa bao giờ cần thiết vì giá chưa đạt đến mức đó.
Trong khi các cuộc tranh luận về mức giá trần mới vẫn đang diễn ra, ngành năng lượng, những người tham gia thị trường và các sàn giao dịch đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc về khả năng đưa ra mức giá trần" vào thỏa thuận công nghiệp sạch, các công ty năng lượng, ngân hàng, nhà cung cấp thanh khoản, sàn giao dịch và các trung tâm thanh toán bù trừ đã viết trong một lá thư chung gửi cho Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Các hiệp hội và tổ chức thương mại cho hay: "Chúng tôi tin rằng biện pháp này, nếu được công bố, có thể gây ra hậu quả tiêu cực sâu rộng đối với sự ổn định của thị trường năng lượng Châu Âu và an ninh nguồn cung trên khắp lục địa. Việc áp dụng mức giá trần giả tạo sẽ không giải quyết được những thay đổi cơ bản trong định giá khí đốt toàn cầu do động lực cung cầu đang thay đổi. Thay vào đó, nó có thể gây tổn hại đến niềm tin vào TTF và thúc đẩy cộng đồng khí đốt toàn cầu chuyển sang các mức giá tham chiếu khác, không bị hạn chế và do đó mang tính đại diện hơn, chủ yếu nằm ngoài EU".
Ngoài ra, mức giá trần khí đốt có thể gây nguy hiểm cho nguồn cung dài hạn cho Châu Âu vì nó sẽ "làm suy yếu uy tín của Châu Âu với tư cách là một khách hàng trên thị trường khí đốt toàn cầu", nhóm này nói thêm.
Cuộc tranh luận ở Châu Âu đang diễn ra khi ngành công nghiệp này tiếp tục chịu tác động từ giá năng lượng cao hơn nhiều và khi giá khí đốt chuẩn của Châu Âu tăng lên mức cao nhất trong hai năm vào tuần này trong bối cảnh thời tiết giá rét và lượng khí dự trữ cạn kiệt nhanh chóng.