Hoàn thiện quy định pháp luật về đối tượng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp tem 'AB'

Bộ Công an đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về đối tượng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp tem 'AB'.

Bộ Công an cho biết, Việt Nam đã ký điều ước quốc tế với một số nước, trong đó có nội dung miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông đi việc công. Đến nay, các điều ước quốc tế có nội dung miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông đi việc công với 03 nước (Trung Quốc, Lào, Cu Ba) còn hiệu lực.

Theo thỏa thuận giữa Việt Nam và các nước có điều ước quốc tế về miễn thị thực cho công dân sử dụng hộ chiếu phổ thông đi việc công, cơ quan chức năng Việt Nam dán tem "AB" vào hộ chiếu phổ thông của công dân để nhận biết mục đích xuất cảnh việc công. Công dân Việt Nam sử dụng hộ chiếu phổ thông có dán tem "AB" về cơ bản được các nước Bạn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập cảnh miễn thị thực, chưa phát sinh trường hợp vướng mắc, phức tạp.

Tuy nhiên, do các điều ước quốc tế trên không quy định cụ thể diện đối tượng được sử dụng hộ chiếu phổ thông đi việc công, dẫn đến một số lúng túng chưa thống nhất trong cấp tem "AB" cho công dân.

Cụ thể, chưa có quy định thống nhất diện đối tượng, trường hợp cấp tem "AB" giữa Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Thực tiễn thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp tem "AB" đối với các trường hợp xuất cảnh việc công ở trong nước. Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cấp cho công dân Việt Nam đang ở nước ngoài đi Trung Quốc, Lào, Cu Ba thực hiện nhiệm vụ công, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, công nhân, lao động theo thỏa thuận giữa Việt Nam và nước có điều ước quốc tế. Tuy nhiên, việc chưa có quy định phân định rõ trường hợp, thẩm quyền cấp giữa các cơ quan chức năng dẫn đến một số lúng túng nhất định trong triển khai thực hiện.

Thứ hai, chưa quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan cử người sử dụng hộ chiếu phổ thông có tem "AB" đi nước ngoài thực hiện nhiệm vụ. Trong thực tiễn, cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp căn cứ vào mục đích, thời gian chuyến công tác để cấp tem "AB" với thời hạn phù hợp. Tuy nhiên, chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan cử đi công tác trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức xuất cảnh, hoạt động bảo đảm đúng mục đích, nhập cảnh đúng thời hạn cho phép. Việc chưa có quy định như trên tiềm ẩn sơ hở trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức khi đi công tác nước ngoài, chưa chặt chẽ trong quản lý nội bộ, phòng ngừa cán bộ hoạt động trái mục đích ở nước ngoài.

Thứ ba, chưa có văn bản quy định chi tiết về diện đối tượng được cấp tem "AB" để xuất cảnh ở trong nước và tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều trường hợp công dân không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng tham gia chương trình giao lưu đối ngoại về nghệ thuật, thể thao, công dân được tham gia các đoàn công tác của cơ quan, đoàn thể nhà nước phục vụ giao lưu, hợp tác về kinh tế, văn hóa với các nước chưa có quy định được cấp tem "AB". Quy định về diện đối tượng được cấp tem "AB" tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài chưa cụ thể. Quy định không chặt chẽ về diện đối tượng dẫn đến chưa thống nhất trong việc xem xét cấp tem "AB" cho công dân thực hiện nhiệm vụ công nhưng không phải công chức, viên chức. Chưa thống nhất về nơi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp tem "AB". Các cơ quan, đoàn thể cử cán bộ đi công tác cũng không có căn cứ cụ thể trong việc đề nghị cấp tem "AB" cho các đoàn công tác.

Thứ tư, thủ tục, trình tự, thời hạn giải quyết hồ sơ đề nghị cấp tem "AB" chưa được quy định cụ thể.

Thứ năm, qua công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp lợi dụng tem "AB" xuất cảnh không đúng mục đích việc công, như sử dụng hộ chiếu có tem "AB" để được miễn thị thực của nước đến xuất cảnh với mục đích riêng, ở nước ngoài quá thời hạn cho phép, nộp hồ sơ đề nghị cấp tem "AB" quá gần ngày xuất cảnh dẫn đến khó khăn cho cơ quan giải quyết. Công tác thống kê về số lượng tem "AB" cấp ở trong và ngoài nước còn chưa được quan tâm thực hiện để quản lý.

Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, Lào, Cu Ba ngày càng phát triển với các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn thường xuyên giữa các nước, việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định về đối tượng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp tem "AB" là hết sức cấp thiết, tránh phát sinh các vấn đề đối ngoại trong thực tiễn.

Thống nhất khái niệm tem "AB"

Dự thảo nêu rõ: Tem "AB" là loại giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, dán vào hộ chiếu phổ thông của người được cơ quan có thẩm quyền cử đi Trung Quốc, Lào, Cu Ba để được áp dụng quy chế miễn thị thực theo Điều ước quốc tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ các nước trên.

Dự thảo quy định chung về tem "AB" tại Điều 2, trong đó: thống nhất khái niệm tem "AB", quy định về thời hạn tem "AB", mẫu tem "AB". Thời hạn tối đa tem "AB" là 12 tháng tham khảo cơ sở quy định thời hạn tối đa trong Thỏa thuận 2007 giữa Chính phủ Việt Nam và Lào.

Quy định mẫu tem "AB" cơ bản kế thừa quy định tại Thông tư 02/2013/TT-BCA ngày 05/01/2013 của Bộ Công an về việc ban hành, hướng dẫn sử dụng và quản lý các loại mẫu giấy tờ liên quan đến công tác quản lý xuất nhập cảnh. Người sử dụng tem "AB" được miễn thị thực sang nước ghi tên trên tem "AB" (Trung Quốc hoặc Lào hoặc Cu Ba) theo điều ước quốc tế với các nước trên. Tem "AB" có thời hạn phù hợp với thời gian công tác ghi trong Quyết định cử người đi nước ngoài thực hiện công vụ.

Đối tượng được xem xét cấp tem "AB"

Dự thảo quy định cụ thể đối tượng được xem xét cấp tem "AB" tại Điều 4, trong đó phân loại đối tượng được xem xét cấp theo nước xuất cảnh đến. Ngoài ra, quy định về trường hợp cấp tem "AB" phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, đối với đoàn công tác đi Trung Quốc, Cu Ba, đối tượng được xem xét cấp tem "AB" là cán bộ, công chức, viên chức, công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cử đi nước ngoài, không quá thời hạn hộ chiếu và tối đa không quá 12 tháng.

Đối với đoàn công tác đi Lào, diện đối tượng được mở rộng hơn, bao gồm cả nhân viên, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, thực tập sinh theo chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức có pháp nhân của hai nước.

Bộ Công an cho biết, việc cấp tem "AB" độc lập với việc xem xét cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ theo Điều 8, Điều 9 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, sửa đổi, bổ sung năm 2022. Có thể cấp tem "AB" cho người thuộc diện được cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ nhưng sử dụng hộ chiếu phổ thông. Tem "AB" cấp vào hộ chiếu phổ thông thuận tiện đối với các trường hợp đi công tác không thường xuyên, thời hạn tem "AB" thường được cấp phù hợp với lịch trình chuyến công tác cụ thể, trong khi thời hạn hộ chiếu ngoại giao, công vụ là 03 năm. Do đó, việc cấp tem "AB" thuận lợi hơn trong quản lý cán bộ sử dụng hộ chiếu đi thực hiện nhiệm vụ ngắn hạn, không thường xuyên.

Ngoài ra, dự thảo quy định thẩm quyền của Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Cục trưởng Cục Lãnh sự quyết định cấp tem "AB" ngoài các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 dự thảo phục vụ yêu cầu nghiệp vụ và yêu cầu đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Đến nay, chưa có quy định cụ thể thẩm quyền cấp tem "AB" từng trường hợp. Thực tiễn các đoàn công tác phục vụ nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ theo yêu cầu nghiệp vụ, hoặc phục vụ yêu cầu đối ngoại thường đòi hỏi tiến hành nhanh, cấp thiết. Nhiều trường hợp có thể huy động công dân thuộc nhiều thành phần khác nhau, không có cơ quan chủ quản, ví dụ như nghệ sĩ, vận động viên, chuyên gia độc lập… Do đó, việc quy định các trường hợp đặc biệt như trên để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, tránh bó hẹp về thủ tục, thời gian phải nộp hồ sơ đề nghị cấp thị thực của nước Bạn, ảnh hưởng đến hiệu quả đoàn công tác.

Điều kiện được xem xét cấp tem "AB"

Dự thảo quy định cụ thể điều kiện được xem xét cấp tem "AB" tại Điều 5: Công dân Việt Nam thuộc diện đối tượng quy định tại Điều 4 Quyết định này được xem xét cấp tem "AB" khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Không thuộc trường hợp chưa được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

2. Có Quyết định của cơ quan có thẩm quyền sau đây cử đi nước ngoài, trừ trường hợp phục vụ yêu cầu nghiệp vụ và công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định này:

a) Các cơ quan cấp Trung ương và cấp tỉnh của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội;

b) Các cơ quan, tổ chức, hội quần chúng được các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều này ủy quyền hoặc cho phép ban hành Quyết định cử người đi nước ngoài;

c) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam đang có hoạt động hợp tác, đầu tư tại Lào.

3. Có hộ chiếu phổ thông còn giá trị sử dụng.

Theo Bộ Công an, quy định trên góp phần tạo căn cứ pháp lý chặt chẽ để giải quyết hồ sơ đề nghị cấp tem "AB" đối với các đối tượng thuộc diện cấp. Quy định các cơ quan cử người đi nước ngoài trong dự thảo tại khoản 2 Điều 5 khắc phục bất cập trong thực tế chưa có quy định cơ quan nào cử công dân đi nước ngoài thuộc diện được cấp tem "AB".

Cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp tem "AB"

Điều 6 dự thảo quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền đề nghị cấp tem "AB":

1. Cơ quan của Đảng, Nhà nước có thẩm quyền đề nghị cấp tem "AB" cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, công dân xuất cảnh thực hiện công vụ.

2. Cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội có thẩm quyền đề nghị cấp tem "AB" cho hội viên xuất cảnh thực hiện công vụ.

3. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thẩm quyền đề nghị cấp tem "AB" cho người của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó trực tiếp quản lý người được cử đi thực hiện công vụ.

Trách nhiệm của người được cấp tem "AB", cơ quan đề nghị cấp tem "AB"

Dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm của người được cấp tem "AB" tại Điều 7. Trong đó quy định công dân được cấp tem "AB" chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp cho cơ quan chức năng để được cấp tem "AB"; xuất nhập cảnh, hoạt động ở nước ngoài đúng mục đích và thời hạn được nêu tại văn bản cử đi nước ngoài công tác.

Trách nhiệm của cơ quan đề nghị cấp tem "AB" cũng được quy định tại Điều 8. Theo đó, cơ quan trên có trách nhiệm đề nghị cấp tem "AB" đúng đối tượng, mục đích, thời hạn công tác. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đề nghị cấp tem "AB" cho người được cử đi công tác. Các cơ quan ủy quyền cho cơ quan thuộc sự quản lý của cơ quan mình ban hành Quyết định cử người đi nước ngoài thực hiện công vụ phải thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bằng văn bản. Thông báo ngay Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an khi người được cấp tem "AB" không về nước theo đúng thời gian cử đi công tác.

Cơ quan có thẩm quyền cấp tem "AB"

Điều 9 dự thảo quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cấp tem "AB" gồm:

1. Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cấp tem "AB" cho công dân Việt Nam đang ở trong nước.

2. Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp tem "AB" cho công dân Việt Nam đang ở nước ngoài.

Thủ tục cấp tem "AB" cũng được quy định cụ thể tại Điều 10 theo hướng bảo đảm thuận tiện, thông thoáng, dễ thực hiện đối với đối tượng thuộc diện cấp, cải cách tối đa về thành phần hồ sơ và bước thực hiện, đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ việc cấp tem "AB".

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nước Nước

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hoan-thien-quy-dinh-phap-luat-ve-doi-tuong-tham-quyen-trinh-tu-thu-tuc-cap-tem-ab-102250513152033899.htm