Lý do VNĐ giảm giá dù đồng USD suy yếu
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết việc Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp, khối ngoại bán ròng là lý do VNĐ giảm giá dù đồng USD yếu.

Ảnh minh họa
Ngày 8/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Tiền đồng mất giá gần 3%, lãi suất ngân hàng giảm liên tiếp
Theo báo cáo, hiện lãi suất cho vay bình quân với các khoản vay mới giảm 0,64% so với cuối năm ngoái, về 6,24%/năm. Lãnh đạo NHNN cho biết cơ quan này tiếp tục theo dõi sát sao lạm phát và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến đồng tiền (VNĐ) mất giá 2,7-2,8%, trong khi từ đầu năm 2024, chỉ số đồng USD giảm từ 10%.
Ông Quang nhấn mạnh, một trong những lý do chính là việc duy trì lãi suất tiền đồng ở mức thấp.

Ngày 8/7, NHNN đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.
Từ đầu năm đến nay, USD Index (DXY) - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh - giảm 11%. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD lại tăng khoảng 3% trong cùng giai đoạn, có lúc giá bán ra ở mức đỉnh 26.345 đồng/USD. Không chỉ mất giá so với USD, tỷ giá tiền đồng so với yen Nhật hay Bảng Anh cũng tăng.
Theo ông Quang, USD Index giảm do những thay đổi chính sách nhanh chóng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, tiền đồng mất giá vì Ngân hàng Nhà nước muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Ngoài ra, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn chứng khoán cũng gây ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Khối ngoại đã rút ròng khoảng 40.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán.
Dư nợ toàn nền kinh tế vượt 17 triệu tỷ
Tính đến ngày 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm ngoái, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh. Chỉ sau nửa năm, đã có gần 1,55 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng được bơm ra nền kinh tế, tương đương gần 260.000 tỷ đồng/tháng. Nếu so với cùng kỳ năm 2024, con số này đã tăng 19,32%, là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023 đến nay.
Theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 5/2025, tín dụng nông nghiệp, nông thôn đã tăng 5,31% so với cuối năm 2024, chiếm 23,16% dư nợ nền kinh tế; tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,71%, chiếm 17,51% tổng dư nợ; tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 2,91%, chiếm 2,06% tổng dư nợ; tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 15,69%, chiếm 3,24% tổng dư nợ toàn nền kinh tế...

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu
Tại buổi họp, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, dựa trên mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát năm 2025 do Quốc hội, Chính phủ giao, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, có điều chỉnh linh hoạt theo thực tế.
Trong những tháng còn lại của năm, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều bất định.
Đơn cử, ngay đầu giờ sáng 8/7 (giờ Việt Nam), Mỹ đã công bố mức thuế 25-40% đối với 14 quốc gia, hiệu lực từ ngày 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ tăng thuế nếu như các quốc gia này trả đũa. Bên cạnh đó, dù lạm phát đã giảm về gần mục tiêu, vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại...
Trước bối cảnh này, NHNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và các giải pháp nhằm hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, điều hành tỷ giá linh hoạt và kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ.
NHNN cũng sẽ điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, ưu tiên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực trọng điểm và động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.