Hoàn thiện thể chế để hiện thực hóa 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' trong lĩnh vực đầu tư
Ngày 5/4, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh diễn ra Hội thảo quốc tế Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc 'lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp.
Hội thảo do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức với sự tham gia của 150 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Vĩnh Quân
Phát biểu tại Hội nghị, TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới, gồm Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020, Luật Đấu thầu 2023, Luật Đất đai 2024...

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Vĩnh Quân
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ trao đổi về 3 nhóm chuyên đề với hơn 30 tham luận, bao gồm: các chuyên đề tổng quan về thể chế và nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; các chuyên đề về nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong các lĩnh vực cụ thể; các chuyên đề về vai trò quản lý Nhà nước và giải quyết tranh chấp.
Hội thảo đồng thời cũng tìm cách xác định những yêu cầu phổ quát quốc tế và yêu cầu đặc thù do bối cảnh Việt Nam mà nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" đặt ra gắn với thể chế hiện hành và việc hoàn thiện trong tương lai, nhận diện các giải pháp có khả năng thúc đẩy nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trở thành động lực thu hút đầu tư phát triển của đất nước.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Vĩnh Quân
Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết trong bối cảnh thương mại hóa toàn cầu, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhà thầu không thể không tham gia các giao dịch, ký kết các hợp đồng. Do đó, việc xác định và phòng ngừa hiệu quả các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong đầu tư có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Rủi ro pháp lý bao gồm rủi ro nội bộ và rủi ro bên ngoài. Sự phân biệt giữa rủi ro pháp lý nội bộ và rủi ro pháp lý bên ngoài cũng chỉ mang tính chất tương đối vì cũng dễ có sự chuyển hóa rủi ro nội bộ thành rủi ro bên ngoài và ngược lại.
Rủi ro pháp lý bên ngoài đáng lo hơn đối với doanh nghiệp. Trong thực tiễn hoạt động tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, hoạt động báo chí, các tác giả khẳng định một thực tế là nhiều doanh nghiệp chịu tổn thất rất lớn, dẫn đến phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Những hợp đồng thầu xây dựng theo các dự án lớn có giá trị hàng nghìn tỷ nếu đối mặt với những vụ kiện do chậm tiến độ, do chất lượng của hạng mục công trình nào đó đều khiến doanh nghiệp thiệt hại. Những giao dịch, hợp đồng có lợi cho doanh nghiệp nhưng hàm chứa những sai phạm như đưa, nhận hối lộ hay các vi phạm hình sự dẫn nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp đến những rủi ro pháp lý rất nghiêm trọng.
Như vậy, cần thấy rằng những rủi ro pháp lý tác động mạnh đến lợi ích của nhà đầu tư, nhà thầu ở chiều tiêu cực nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay của đất nước. Nhận diện, nghiên cứu và phân tích các rủi ro pháp lý đang cản trở việc hiện thực hóa nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và từ đó là giảm đi sức hút, sức cạnh tranh của đất nước đối với các nguồn vốn đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Vĩnh Quân
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề xoay quanh việc xác định nội hàm và giá trị của nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong thu hút đầu tư để phát triển đất nước trong bối cảnh có nhiều biến động về hoạt động đầu tư trong nước và trên thế giới; thời cơ và thách thức, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và nội tại trong nước đã kéo dài nhiều năm trong pháp luật Việt Nam hiện hành, đặc biệt trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.
GS.TS Lê Hồng Hạnh cho rằng đầu tư trực tiếp được định nghĩa là hoạt động mà trong đó các nhà đầu tư, nhà thầu bỏ vốn đầu tư và tự trực tiếp nắm quyền quản lý, kiểm soát và sử dụng phần vốn góp của mình trong hoạt động đầu tư kinh doanh khác với đầu tư gián tiếp là việc nhà đầu tư, nhà thầu bỏ vốn mua cổ phần để hưởng cổ tức hay đầu tư trái phiếu để hưởng lãi suất cố định. Đầu tư trực tiếp (bao gồm đầu tư trực tiếp từ nguồn vốn trong nước và từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài) có được thực hiện theo các hình thức sau: thành lập tổ chức kinh tế; thực hiện dự án đầu tư. Theo hợp đồng BBC; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp để nắm quyền kiểm soát công ty.