Hoàn thiện thể chế, không để oan sai, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Với sự ra đời của Quy định 117-QĐ/TW và Nghị định 73/2023/NĐ-CP, chúng ta có được 'bộ công cụ' đủ mạnh để đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích cán bộ dám dấn thân, dám phấn đấu, dám quyết định và giải quyết được những lo lắng khi thực thi công vụ.
Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực thời gian qua, đặc biệt sau 10 năm Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, đã trở thành “phong trào, xu thế không thể đảo ngược".
Bên cạnh đó, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhận thức về công tác này ngày càng sâu hơn, được thực hiện với quyết tâm ngày càng cao hơn, làm rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình nhưng vẫn đủ răn đe và giáo dục.
Để có được kết quả đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội vẫn không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng: thể chế về quản lý KT-XH, cơ chế chính sách về đội ngũ cán bộ công chức, cơ chế về kiểm soát thu nhập, công khai minh bạch, kiểm tra giám sát kỷ luật, thu hồi tài sản tham nhũng, vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân...
Công tâm trước mọi vấn đề đúng - sai
Một trong những điểm nhấn về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng trong năm 2023 đó là sự ra đời của Quy định số 117-QĐ/TW, ngày 18/8/2023 về xin lỗi và phục hồi quyền lợi của tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan và Nghị định 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ở Quy định 117, không phải là lần đầu Đảng đặt vấn đề xin lỗi tổ chức đảng, đảng viên bị kỷ luật oan nhưng là lần đầu Đảng có quy định bằng văn bản một cách chặt chẽ, hoàn chỉnh từ đối tượng áp dụng, hình thức tổ chức, thời hạn… để khắc phục oan sai đối với tổ chức đảng, đảng viên khi bị kỷ luật.
Điều này cho thấy Đảng rất công tâm trước mọi vấn đề đúng - sai của một tổ chức đảng hay của một đảng viên. Khi Đảng làm oan sai cho tổ chức hay đảng viên nào đó thì Đảng thành thật sửa chữa, khắc phục, xin lỗi. Việc Đảng nhận lỗi, sửa chữa không những không làm giảm uy tín của Đảng mà ngược lại còn lấy lại lòng tin cho đảng viên, cho quần chúng đối với Đảng.
Qua việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 117, Tiến sỹ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, khi dũng cảm nhận khuyết điểm và khắc phục khuyết điểm nhằm xây dựng một đảng đạo đức và văn minh. Quy định này sẽ góp phần khuyến khích đảng viên dám dấn thân, dám phấn đấu, dám quyết định và giải quyết được những lo lắng khi thực thi công vụ.
Hoan nghênh tinh thần của Đảng khi ban hành Quy định này, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, đây là việc làm cần thiết. Nó thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng là đảm bảo tính quy chuẩn, chặt chẽ, phù hợp với việc áp dụng luật pháp ở Việt Nam trong công tác xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng.
“Sự ra đời của Quy định 117 là một tiến bộ rất lớn, cho thấy rất rõ tinh thần công tội rạch ròi, cán bộ làm sai phải bị xử lý, ngược lại cán bộ bị kỷ luật sai phải được xin lỗi, khắc phục”, ông Lê Văn Thái, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương nhìn nhận. Không những thế, ông Lê Văn Thái còn thấy được lời nhắc nhở, cảnh báo của Đảng đối với các tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật phải thận trọng, cân nhắc để không xảy ra oan sai.
Hơn nữa, với Quy định 117, chúng ta đã có được công cụ để kiểm soát, không cho phép cá nhân, tổ chức vượt quá quyền lực, gây oan sai cho cán bộ. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vô cùng cần thiết, nhưng không thể khiến cho người ta hoang mang, lo ngại, như thế không thể gây oan sai, mà đã gây oan sai thì phải xử lý.
Giúp cán bộ tự tin trong thực thi công vụ
Nếu Quy định 117 là bước hoàn thiện thể chế về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, giúp Đảng thêm vững mạnh thì Nghị định 73/2023/NĐ-CP là bước hoàn thiện cơ chế chính sách về cán bộ.
Việc ban hành Nghị định của Chính phủ về “khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi nhiều cán bộ “co lại” giữ an toàn, sợ làm sai, sợ trách nhiệm.
Trong điều kiện cơ chế vẫn đang được hoàn thiện, cán bộ dám nghĩ dám làm, nhưng ranh giới giữa sáng tạo và sai sót lại rất mong manh, vì thế công cụ bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm cho cán bộ yên tâm, mạnh dạn phát huy được sức sáng tạo, đồng thời bảo vệ họ bằng cơ chế trong trường hợp rủi ro khi thực hiện chính sách. Nghị định của Chính phủ là bước cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Đồng tình với việc cần có cơ chế bảo vệ cán bộ trước những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn trong quá trình thực thi công vụ, PGS.TS Nguyễn Văn Giang, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương vẫn nhấn mạnh việc phải có quy định rõ ràng, cụ thể ranh giới giữa cái đúng - cái sai, giữa làm vì tập thể, vì cái chung với tính chất cá nhân, lợi ích nhóm; thậm chí là núp bóng, nhân danh dám nghĩ, dám làm để làm liều, thực hiện ý đồ của bản thân. Việc xác định rõ đúng - sai sẽ giúp cán bộ yên tâm làm việc.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Giang, việc phân loại và quy định cụ thể việc gì không được làm, việc gì được làm và việc gì, lĩnh vực nào cần vận dụng linh hoạt trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, sẽ là nền tảng để cán bộ dám nghĩ, dám làm. Khi cán bộ có bản lĩnh, tinh thông nghiệp vụ, làm đúng chức trách nhiệm vụ, cán bộ đó hoàn toàn tự tin trong thực thi công vụ.
Một dấu ấn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực thời gian qua đó là việc đặt ra lộ trình xử lý các vụ việc. Dễ nhận thấy ở nhiều kỳ họp của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, sau khi rà soát lại các vụ việc, Ban Chỉ đạo đều chốt lại, xác định lộ trình để tiếp tục xử lý, xử lý dứt điểm những việc đang dở dang, những khâu còn yếu, những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Cách làm này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “đã làm thì phải làm triệt để, làm có hiệu quả, chứ không phải chỉ là làm để làm ví dụ, để tỏ ra ta có làm, cần thiết thì phải gia hạn. Phải làm triệt để đến bao giờ xong thì thôi". Điều đó thể hiện quyết tâm rất lớn của Trưởng Ban Chỉ đạo, của người đứng đầu Đảng ta trong thực tiễn công tác đấu tranh với tham nhũng tiêu cực, đã nói là làm.