Hoàn thiện thể chế thực sự là 'đột phá của đột phá' năm 2025
Tại Họp báo Chính phủ diễn ra chiều 8/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Năm 2025 sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược.
Theo đó, Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế để thực sự là "đột phá của đột phá" với "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm.
Ông Trần Văn Sơn cho biết, phấn đấu hết năm 2025, Việt Nam sẽ hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài; Khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; hoàn thiện các dự án khả thi đường sắt Bắc - Nam, Nhà máy hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng...
Năm 2025 sẽ tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó triển khai hiệu quả Đề án đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư bán dẫn.
Theo Người phát ngôn của Chính phủ, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài, đặc biệt các dự án bất động sản, đất đai, tài sản công, năng lượng tái tạo…
Tại buổi Họp báo chiều 8/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông tin về chỉ đạo trọng tâm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính năm 2025.
Thủ tướng nêu rõ, 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm có rất nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Do vậy, các cấp, ngành, địa phương cần quán triệt phương châm hành động năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", thực hiện đúng quan điểm "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó".
Trong năm nay, Việt Nam tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn; lạm phát ở mức khoảng 4,5%; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, năng lượng sạch...).
Triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", đảm bảo đúng tiến độ và làm tốt công tác tư tưởng. Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là động lực mới, như "khoán 10" trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới; tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý sau cao hơn quý trước; so với cùng kỳ năm 2023; GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011 - 2024.
Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế khác đánh giá cao.