'Hoàng đế chi bảo' về Việt Nam, 'ở' cùng bảo vật ngàn năm
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo - Bảo vật từ thời Nguyễn đã được đưa về đặt tại bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tại đây cũng đang lưu giữ Thạp đồng văn hóa Đông Sơn, niên đại 2.200 năm, được công nhận là bảo vật quốc gia.
Cổ vật ngàn năm 'sống' trong bảo tàng
Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, có địa chỉ tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chủ nhân của bảo tàng là doanh nhân Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Kinh Bắc. Hiện bảo tàng đang sở hữu và lưu giữ hàng nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.
Ông Nguyễn Thế Hồng là người đầu tiên ở tỉnh Bắc Ninh thành lập Bảo tàng tư nhân khi sở hữu một khối lượng cổ vật đáng nể (hơn 2.000 hiện vật) khiến bất kỳ nhà sưu tập nào đến tham quan, giao lưu cũng mê mẩn.
Các hiện vật được chia thành 6 bộ sưu tập gồm: đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn; bộ sưu tập gốm Việt Nam qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn... ; đồ sứ (bát, đĩa, ấm chén, khay đựng đồ, chum, thống)... ; đồ dùng của các gia đình vua chúa, quan lại, địa chủ thời phong kiến của Việt Nam; bộ sưu tập được chế tác từ ngà voi; đồng hồ được sản xuất từ thế kỷ XIX, XX có xuất xứ từ Pháp, Đức…
Đặc biệt, Thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cơ bản còn nguyên thân thạp, chỉ một số chỗ nhỏ bị sửa chữa. Hoa văn trang trí sắc nét, rõ ràng. Toàn bộ thạp phủ lớp patin hơi xanh gỉ đồng ngả vàng. Thạp có dáng gần hình trụ tròn (hình quả nhót), phần miệng hơi thu lại, phần thân trên phình ra và thon dần xuống đáy. Đáy nhỏ hơn miệng. Miệng thạp có gờ ở mép để đậy nắp.
Căn cứ vào hình dáng, kỹ thuật chế tác và đặc biệt là hoa văn trang trí, thạp đồng này thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn, niên đại cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, hiện nay nước ta phát hiện được hơn 200 chiếc thạp đồng bao gồm loại thực dụng và minh khí. Số lượng thạp không có nắp chiếm khoảng 88,74% và thạp có nắp chỉ chiếm 11,25% trong tổng số thạp xác định được hình dáng. Thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng hoàng gia Nam Hồng nguyên vẹn, gồm cả nắp, thân và phần quai.
Đây là một tác phẩm đẹp hoàn hảo, vào loại hiếm, được bảo quản nguyên vẹn đến ngày nay. Họa tiết hoa văn trên thạp sắc nét, được bố cục cân đối, hài hòa. Lối bố cục theo băng dải, đối xứng lặp lại, chạy quanh thân tạo nên cảm giác chuyển động quay tròn xung quanh trục trung tâm. Đây là một trong số rất ít các thạp đồng thuộc văn hóa Đông Sơn, đóng góp tư liệu mới, xác thực cho việc tìm hiểu và nhận thức lịch sử - văn hóa thời dựng nước và giữ nước đầu tiên của dân tộc.
“Cơ duyên” tiếp cận với Ấn vàng Hoàng đế chi bảo
Tháng 10/2022, nhà đấu giá Millon ở Paris (Pháp) đưa lên sàn đấu giá hiện vật là chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng triều Nguyễn, ông Nguyễn Thế Hồng đã đăng ký tham dự phiên đấu giá này, với mức phí đặt cọc 100.000 euro (khoảng 2,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo ông Hồng suy tính, nếu đấu giá thì không thể mua được ấn vàng vì mức giá chốt phiên rất cao.
Ông Hồng chủ động nộp các chi phí để Nhà đấu giá Millon hủy bỏ cuộc đấu giá, đồng thời liên hệ với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh, cùng các cơ quan chức năng Việt Nam để xin hỗ trợ để chuyển sang đàm phán thương lượng, mua trực tiếp.
Chiều ngày 16 tháng 11 năm 2023, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chứng kiến buổi lễ chuyển giao Ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho Việt Nam.
Sự kiện này là kết quả của hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai Ấn vàng Hoàng đế chi bảo tại Paris, Pháp tháng 11/2022, và cùng thỏa thuận thống nhất các yêu cầu cho việc chuyển giao Ấn vàng cho phía Việt Nam, theo đề nghị của đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Tư Pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan đến quyền lợi các bên liên quan đến Ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp; đồng thời sẽ thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của Ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Tại thời điểm Đoàn công tác liên ngành làm việc tại Pháp, tháng 11/2022, mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ để kịp thời có cơ sở đàm phán, dừng đấu giá và yêu cầu chuyển giao Ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho phía Việt Nam, tuy nhiên, chỉ có ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tham gia với mục đích mua để bổ sung sưu tập cá nhân, dự kiến trưng bày tại bảo tàng ngoài công lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm Ấn vàng Hoàng đế chi bảo sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam, sau một thời gian phù hợp khi không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng Gia Nam Hồng. Chi phí chuyển giao bao gồm: chi phí trả cho việc thuê Luật sư đàm phán; chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan); chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế).
Trong suốt 143 năm trị vì của nhà Nguyễn, có hơn 100 ấn triện được tạo ra. Các ấn triện với chất liệu bằng vàng, ngọc, ngà voi, bạc, đồng được các thành viên hoàng tộc và quan chức sử dụng tùy theo cấp bậc. Dưới thời vua Minh Mạng, có 10 chiếc ấn được chế tác bằng ngọc và vàng, song chỉ có duy nhất Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được dùng để đóng lên các sắc phong và văn bản quan trọng của triều đình.
Theo sách "Đại Nam thực lục" của Quốc Sử quán triều Nguyễn, ấn vàng Hoàng đế chi bảo được đúc vào ngày Giáp Thìn, mùng 4 tháng Hai năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823). Ấn có nuốm (quai) hình rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng (chính xác là 280 lạng 9 đồng 2 phân).
Kỳ Phong