Hoàng hôn lặng lẽ

Nhiều người vẫn luôn nhớ đến bài thơ trữ tình 'Hoàng hôn lặng lẽ' của Hoài Vũ - nhà thơ quê ở xã Đức Lân (Mộ Đức). Bài thơ ra đời trong bối cảnh gắn với câu chuyện cảm động, khi tác giả công tác ở chiến trường Nam Bộ.

Bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc với nhan đề “Chia tay hoàng hôn”, ca từ thật thiết tha, da diết. Ca khúc này thường được chọn trong chương trình văn nghệ mừng đất nước thống nhất hay trong những đêm nhạc với chủ đề về cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, nhiều mất mát hy sinh để có ngày vui toàn thắng của dân tộc. Nhiều bạn trẻ sau khi nhóm họp đến lúc sắp kết thúc cuộc vui cũng thường chọn ca khúc này để hát thay lời giả biệt.

Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935. Sau khi học ở Trường Thiếu sinh quân khu 5, năm 1954 ông tập kết ra Bắc rồi trở thành du học sinh ở Khoa Văn, Trường Đại học Bắc Kinh. Năm 1963, ông vào chiến trường hoạt động và theo tháng năm trở thành một trong những gương mặt văn nghệ khá ấn tượng trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, Hoài Vũ có 2 tác phẩm đáng chú ý là bút ký “Thư Tân Sơn Nhất” in trên Văn nghệ Giải phóng và “Hoàng hôn lặng lẽ”.

Theo Võ Thu Hương, trong một bài phỏng vấn nhà thơ Hoài Vũ đăng trên Lâm Đồng online, bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” ra đời xuất phát từ một chuyện có thật. Trong một lần địch vây ráp, ông đã được người dân che chở. Có một người con gái tên Hạnh mua cho ông bộ đồ bà ba và tự tay quấn chiếc khăn rằn trên cổ cho ông, rồi bảo ông vác chiếc cuốc. Còn cô thì tay xách chiếc túi, giả như vợ chồng, đưa ông qua vùng địch chiếm để ông trở về vùng căn cứ. Họ chia tay nhau trong hoàng hôn. Ráng chiều đỏ rực bầu trời ở phía tây. Cô Hạnh nói lời từ biệt: “Thôi anh đi đi. Các anh nhớ về giải phóng sớm quê hương của tụi em, anh nhé”. Cuộc chia tay để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng nhà thơ, để rồi bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” ra đời.

Bài thơ gồm 5 khổ, mỗi khổ 4 câu, với lời thơ rất đỗi mộc mạc và giàu hình ảnh, qua đó thể hiện tình cảm sâu đậm của quân và dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chia tay là buồn nhưng chia tay trong hoàng hôn càng buồn hơn nên lời từ biệt ngại ngần không giám nói. Câu thơ “Anh phải về thôi, xa em thôi” cứ lặp đi lặp lại và cái từ “xa” cứ láy đi láy lại nên càng xốn xang, làm ta chợt nhớ đến câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du: “Người lên ngựa, kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.

Đi xa ai mà chẳng nhớ. Hoài Vũ nhớ những hình ảnh gần gũi thân thương: “Xa vườn xưa đôi chiền chiện tha mồi/ Hoa khế rụng tím ngầm hầm bí mật...”. Chiến trường miền Nam những năm đó đầy khốc liệt, nhưng cũng có những khoảnh khắc bình yên của cuộc sống. Ở đó, có đôi chim chiền chiện tha mồi về cho chim con trong mùa xây tổ ấm. Và hầm bí mật có hoa khế rụng với màu tím tình yêu càng cho thấy tâm hồn lãng mạn và sự lạc quan của người lính trong chiến tranh, mơ về ngày hòa bình, ngày chiến thắng.

Từ buổi chia tay, nhà thơ càng suy tư, càng thương, càng nhớ những dòng sông, những cánh đồng với những con người một đời bận rộn, gắn bó với ruộng vườn nên càng thấy rõ ý nghĩa của người lính cầm súng để giải phóng miền Nam. Bài thơ sau khi phát hành được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích và được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc trở thành một ca khúc hay về một thời chiến tranh.

Không chỉ có bài thơ “Hoàng hôn lặng lẽ” mà bài thơ “Đi trong hương tràm” của Hoài Vũ cũng được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc. Bài thơ “Vàm cỏ đông” được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc và được bạn đọc, công chúng yêu thích, hay bài “Gửi miền hạ” được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc “Anh ở đầu sông em cuối sông”...

Cũng vì gắn bó và viết về chiến trường Nam Bộ, nên có người nhầm lẫn nhà thơ Hoài Vũ là người Long An. Hoài Vũ trong quá trình hoạt động từng giữ chức Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn- Chợ Lớn - Gia Định, Ủy viên Thường trực Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất, ông từng giữ chức Trưởng đại diện miền Nam của Báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, phụ trách báo tiếng Hoa. Dù ở đâu, làm gì, ông vẫn mang cốt cách giản dị, một tâm hồn thơ hồn hậu của người Quảng Ngãi yêu thương.

CẨM THƯ

Hoàng hôn lặng lẽ

Anh phải về thôi, xa em thôi!

Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi

Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc

Mà lời từ biệt chẳng lên môi

Anh phải về thôi, xa em thôi!

Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi

Hoa khế rụng tím ngầm hầm bí mật

Ðể mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi...

Anh như cơn gió bay khắp chốn

Ðể lại mình em với ruộng, với vườn

Mồ hôi đổ giữa ngày mùa bận rộn

Nước mắt trào lạnh buốt những đêm sương!

Xa em, anh như tia nắng đi trên cát

Thèm một dòng sông, những cánh đồng...

Xa em, anh như người hát sau đêm hát

Chỉ thấy gió vật vờ qua những tấm phông

Anh đi em nhé! Lòng nhủ khẽ

Hoàng hôn cũng về, dịu êm và lặng lẽ

Một tiếng còi tầu vọng lại phía sông xa

Như muốn nhắc thầm anh: Cơn bão sắp đi qua...

HOÀI VŨ

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/hoang-hon-lang-le-52918.htm