Hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ

Ngày 27/6, tại Sở TT&TT, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát kết quả hoạt động động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới từ năm 2020 đến nay.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Lâm phát biểu tại buổi giám sát.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Lâm phát biểu tại buổi giám sát.

Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng Lâm - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thanh Tâm - TUV, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát; các đồng chí thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh.

Toàn cảnh buổi giám sát.

Toàn cảnh buổi giám sát.

Báo cáo tại chương trình giám sát cho thấy, toàn tỉnh có 4 cơ quan báo chí gồm: Báo Phú Thọ, Đài PT-TH tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, Tạp chí Khoa học và công nghệ; 16 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện; 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với các loại hình dịch vụ: Truyền hình cáp, truyền hình IPTV. Ước tính hết tháng 5/2024, số thuê bao truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh đạt 183.283 thuê bao.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thanh Tâm phát biểu kết luận.

Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Thanh Tâm phát biểu kết luận.

Về hoạt động truyền thanh, toàn tỉnh có 12 cơ sở truyền thanh cấp huyện thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông các huyện, thị (trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện); riêng Đài Truyền thanh - Truyền hình TP Việt Trì vẫn duy trì tổ chức bộ máy hoạt động độc lập.

Từ năm 2020 đến nay, công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình được quan tâm, thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền được triển khai kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Trong đó, công tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác và toàn diện; góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đồng chí Nguyễn Minh Tường - TUV, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Minh Tường - TUV, Giám đốc Sở TT&TT phát biểu ý kiến.

Các ấn phẩm báo chí và các chương trình phát thanh, truyền hình có nhiều đổi mới, đảm bảo chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có đủ 4 loại hình báo chí: Báo in, phát thanh, truyền hình, điện tử; cùng với nhiều loại hình truyền thông xã hội phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Hoạt động xuất bản, in, phát hành luôn đảm bảo giữ vững định hướng chính trị tư tưởng, giữ được sự hài hòa giữa phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hoạt động truyền thanh cấp huyện và cấp xã được quan tâm từng bước đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo duy trì thường xuyên, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền ở cơ sở.

Đồng chí Vũ Xuân Chường - Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao đổi, giải trình các nội dung Đoàn giám sát quan tâm

Đồng chí Vũ Xuân Chường - Tổng Biên tập Báo Phú Thọ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao đổi, giải trình các nội dung Đoàn giám sát quan tâm

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, từ năm 2020 đến nay, Sở TT&TT thực hiện 5 cuộc kiểm tra trong lĩnh vực thông tin, báo chí, xuất bản đối với 74 tổ chức, cá nhân; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh đối với 12 cơ quan báo chí, văn phòng đại diện và phóng viên thường trú độc lập tại tỉnh. Qua kiểm tra đã kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; thường xuyên trao đổi, nhắc nhở các phóng viên báo chí Trung ương, phóng viên thường trú có sự hợp tác khi đưa tin về tỉnh.

Tại buổi giám sát, thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo Sở TT&TT, Báo Phú Thọ, Đài PT&TH đã trao đổi, giải trình làm rõ một số nội dung mà các bên quan tâm như: Định mức chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; vấn đề thu hút quảng cáo; thời lượng tự sản xuất các chương trình truyền hình; mức độ chuyển đổi số báo chí; truyền hình có trả tiền; kinh phí bảo đảm cho hoạt động động phát thanh, truyền hình cấp huyện, cấp xã; truyền thanh thông minh; công tác quản lý phóng viên. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cũng thẳng thắn chia sẻ về định hướng những nhiệm vụ trọng tâm nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Lâm đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ quan liên quan cũng như cách thức làm việc của Đoàn giám sát. Đồng chí đề nghị, Đoàn giám sát tiếp thu, đánh giá đúng, đầy đủ, thực chất các kết quả đạt được; cũng như tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình của các cơ quan báo chí trong thời gian qua; tổng hợp, có kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan báo chí, quản lý nhà nước về báo chí của tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí của tỉnh thu hút quảng cáo, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện tuyên truyền theo đặt hàng; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, các sản phẩm báo chí sử dụng ngân sách Nhà nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền thiết yếu áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng Lê Văn Phượng, thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến.

Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng Lê Văn Phượng, thành viên Đoàn giám sát phát biểu ý kiến.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Đoàn giám sát đề nghị, các cơ quan báo chí tỉnh tiếp tục triển khai tốt các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình; quản lý chặt chẽ thông tin trên các nền tảng mạng xã hội; theo dõi, xử lý thông tin báo chí phản ánh về tỉnh. Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và Kế hoạch triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành các văn bản định hướng xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh, có cơ chế khuyến khích đội ngũ những người làm báo hăng say, tâm huyết với nghề.

Các cơ quan báo chí tiếp tục tham mưu, triển khai việc đầu tư trang thiết bị và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở tỉnh giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp thực hiện tốt quy chế phát ngôn và Đề án 03 của Tỉnh ủy về tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ứng xử, cung cấp thông tin cho báo chí...

Đối với những kiến nghị, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp trình HĐND tỉnh xem xét thời gian tới; có thông báo kết quả giám sát gửi đến các đơn vị.

Huy Thắng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hoat-dong-bao-chi-xuat-ban-phat-thanh-truyen-hinh-dap-ung-yeu-cau-thuc-hien-nhiem-vu-214393.htm