Hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố: Cần sự đổi mới

Hơn 10 năm qua, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố đã được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh duy trì thực hiện. Sau những thành công, ấn tượng ban đầu, hoạt động này ngày càng đơn điệu, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện để phù hợp với tình hình mới.

Ngày càng cũ mòn

Chúng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh các nghệ sĩ vui mừng, phấn chấn khi nhận được thông báo của UBND tỉnh ngày 27-12-2011 về việc tổ chức chương trình nghệ thuật đường phố phục vụ du lịch. Chưa đầy một năm sau, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã xây dựng được các chương trình với những kịch mục, trích đoạn đặc sắc nhất từ các vở diễn của sân khấu dân ca kịch bài chòi và nghệ thuật tuồng. Việc đưa tuồng, bài chòi ra phố lúc đó đã tạo được ấn tượng mạnh với khán giả, nhất là du khách nước ngoài. Một thời gian sau, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cũng thực hiện hoạt động hô hát bài chòi dân gian ở khu vực công viên bờ biển phía nam Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang), biểu diễn ca nhạc đường phố tại sân khấu đối diện đường Tuệ Tĩnh và được khán giả đón nhận tích cực.

Ông Nguyễn Ngọc Quang Trung - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Ban đầu, mỗi tuần nhà hát chỉ diễn 2 đêm nghệ thuật đường phố vào cuối tuần, sau đó nâng lên thành 4 đêm/tuần như hiện tại. Sân khấu biểu diễn cũng dịch chuyển từ sân Trung tâm Hội nghị tỉnh (46 Trần Phú) bên mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai sang mặt đường Trần Phú và nay là sân khấu ở khu vực Tháp Trầm Hương. Tuy nhiên, do các tiết mục biểu diễn chủ yếu được lấy từ các vở diễn có sẵn, không có kinh phí để xây dựng chương trình riêng nên chỉ cần diễn vài tháng là khán giả đã thuộc hết các chương trình, tính hấp dẫn vì thế cũng giảm”. Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh chia sẻ, từ năm 2012 đến nay, kinh phí bồi dưỡng cho 1 nghệ nhân hô hát bài chòi chỉ ở mức 290.000 đồng/đêm, còn các ca sĩ, nhạc công hoạt động ca nhạc đường phố trung bình 250.000 đồng/đêm. Để mở rộng quy mô, chất lượng hoạt động hô hát bài chòi, chương trình ca nhạc đường phố phù hợp với tình hình hiện nay, mức kinh phí bồi dưỡng cần được nâng lên mới động viên, khích lệ, giữ chân được các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia hoạt động.

Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố của các đơn vị đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đối với du khách khi đến Nha Trang - Khánh Hòa. Các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân tham gia hoạt động này chủ yếu là được làm nghề, biểu diễn phục vụ khán giả. Tuy vậy, lâu nay, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên mới chỉ được tính chi phí bồi dưỡng khi họ thực hiện hoạt động biểu diễn, chứ chưa có kinh phí đối với việc tập luyện, dàn dựng. Chính vì thế, các chương trình biểu diễn ít có sự thay đổi về tiết mục, hình thức thể hiện, loại hình nghệ thuật… Điều này dẫn tới hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố ngày càng trở nên cũ mòn.

Tiết mục Ông già cõng vợ đi xem hội được các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn dưới hình thức nghệ thuật đường phố.

Tiết mục Ông già cõng vợ đi xem hội được các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn dưới hình thức nghệ thuật đường phố.

Cần thay đổi một cách tổng thể

Mới đây, trong cuộc họp về công tác tổ chức biểu diễn nghệ thuật đường phố do ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, đại diện một số cơ quan, địa phương đều thống nhất, để hoạt động này đạt hiệu quả như mong đợi cần có sự thay đổi một cách tổng thể cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động. “Việc biểu diễn nghệ thuật đường phố cần được mở rộng theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, loại hình nghệ thuật, lực lượng tham gia biểu diễn để làm sao các tổ chức, đoàn thể, địa phương cũng có lực lượng tham gia biểu diễn và mang đến những màu sắc, không khí theo đúng tinh thần nghệ thuật đường phố. Muốn vậy, cần có một kế hoạch mang tính tổng thể", ông Nguyễn Thanh Hà - Chánh Văn phòng UBND tỉnh đề nghị.

Theo ông Phan Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang, trước mắt, cần tổ chức thêm nhiều điểm biểu diễn nhỏ để người dân, du khách dễ dàng xem và có thể tham gia. Về lâu dài, cần có một đề án cụ thể, trong đó huy động sự tham gia của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể nhằm làm phong phú, đa dạng các loại hình, hình thức biểu diễn nghệ thuật đường phố để thu hút sự quan tâm của công chúng, tạo bầu không khí văn hóa nghệ thuật sôi nổi về đêm.

Ông Đinh Văn Thiệu yêu cầu, trước mắt, Sở Văn hóa và Thể thao cần đề xuất, tham mưu cụ thể với UBND tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các đơn vị đang gặp phải. Về lâu dài, Sở Văn hóa và Thể thao nhanh chóng xây dựng dự thảo đề án tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố ban đêm phù hợp với Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt, bởi trong nội dung đề án, hoạt động dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí là một trong bốn nhóm sản phẩm chính để thực hiện phát triển kinh tế ban đêm. TP. Nha Trang cũng phải có đề án nâng cao thương hiệu địa phương, trong đó thể hiện rõ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nói chung và về ban đêm nói riêng.

6 tháng đầu năm 2023, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đã thực hiện 59 buổi biểu diễn nghệ thuật đường phố ở cả 2 loại hình dân ca kịch bài chòi và nghệ thuật tuồng; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thực hiện 48 buổi hô hát bài chòi và 48 buổi biểu diễn ca nhạc đường phố.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202307/hoat-dong-bieu-dien-nghe-thuat-duong-phocan-su-doi-moi-8043c28/