Hoạt động CSR là khoản đầu tư trách nhiệm dài hạn vì cộng đồng

Câu chuyện về hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội) của các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn đang được hiểu đơn giản là những chương trình thiện nguyện: sự đầu tư của doanh nghiệp cho CSR cũng được xem như một khoản chi phí trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nên hiểu theo ý nghĩa đây là khoản đầu tư trách nhiệm của doanh nghiệp để góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.

 Các diễn giả tại buổi tọa đàm "Thực hiện CSR hướng tới phát triển bền vững" do The Saigon Times, thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Ảnh: Dũng Nguyễn

Các diễn giả tại buổi tọa đàm "Thực hiện CSR hướng tới phát triển bền vững" do The Saigon Times, thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức. Ảnh: Dũng Nguyễn

Đây là ý kiến chia sẻ của nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã có hoạt động CSR nổi bật được vinh danh tại buổi lễ Saigon Times CSR 2020 được do tờ The Saigon Times (engligh.thesaigontimes.vn) thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào sáng 20-11. Theo quan điểm của nhiều diễn giả, thực tế để hoạt động CSR được thực hiện đúng bản chất thì các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy không nên xem đây là một khoản bắt buộc phải chi mà nên xem là hoạt động đầu tư.

Ông Binu Jacob Tổng giám đốc của Nestlé Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nên thay đổi cách thể hiện trách nhiệm xã hội vì cộng đồng sao cho có thể kéo hoạt động CSR đến gần hơn với nhân viên để họ thấy mình cũng góp sức vào hoạt động có ý nghĩa đó. Chiến lược tạo giá ra trị chung (Creating Shared Value - CSV) này trong nội bộ doanh nghiệp sẽ tạo ra một động lực chung mạnh mẽ trong toàn bộ nhân viên, ai nấy đều nhận thấy đó là hoạt động nên làm, mong muốn thực hiện để đóng góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng cộng đồng phát triển bền vững. Đó là lý do mà bất cứ doanh nghiệp nào dù là quy mô lớn hay nhỏ đều có thể thực hiện trách nhiệm xã hội của mình với cộng đồng, nó không đòi hỏi quá nhiều chi phí mà phụ thuộc rất nhiều vào cách làm. Ví dụ, khi doanh nghiệp thực hiện chăm lo đời sống nhân viên thì đấy cũng là một phần của CSR.

Hiện còn khá nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp nhỏ hầu như chưa quan tâm đến các chương trình CSR vì phải dành ra một khoản chi phí tương đối lớn trong khi hoạt động kinh doanh vẫn chưa ổn định. Tuy nhiên ông Đỗ Thái Vương, Phó chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam cho rằng quan điểm doanh nghiệp nhỏ khó làm CSR là không phù hợp, vì tất cả hoạt động này đều xuất phát từ tư tưởng phụng sự xã hội.

“Trên thực tế doanh nghiệp làm CSR không phải vì họ là FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn - PV) mà vì đó là ý thức và văn hóa của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp triển bền vững thì cần có những hành động bền vững. Bắt đầu từ tư tưởng từ nội bộ và đi từng bước nhỏ trước khi trở thành một doanh nghiệp vĩ đại”, ông Vương chia sẻ

Việc nhận thức rõ giá trị của hoạt động CSR không phải là điều dễ dàng, thậm chí ở Việt Nam còn có nhiều thách thức. Vì vậy, thay đổi nhận thức cần phải có một chuỗi hoạt động mang tính tham chiếu cao từ đó tạo ra những động lực thực tế để chuyển đổi.

Bà Mimi Vũ, chuyên gia độc lập về CSR Partner, Raise Partners, nhận định tiêu chuẩn về CSR ở Việt Nam vẫn chưa được giải thích đầy đủ. Hầu hết doanh nghiệp cũng như nhiều cơ quan chức năng vẫn hiểu CSR là một chương trình thiện nguyện trong hoạt động của doanh nghiệp nên tiêu chí hoạt đọng phần nào bị hạn chế. Hiểu rộng hơn là các doanh nghiệp phải gắn trách nhiệm của mình thông qua các chương trình phát triển bền vững chứ không riêng chì các chuyến đi từ thiện. Nếu thời gian tới thông qua các FTA thì doanh nghiệp trong nước sẽ hiểu rõ các tiêu chuẩn đối sánh và phát triển bền vững hơn.

Đồng tình với quan điểm này, bà Harini Gopalakrishnan đại diện quỹ đầu tư Vinacapital, cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư ở Việt Nam đã ưu tiên về các hoạt động cộng đồng hơn là các chỉ số tài chính. Qua những hoạt động này họ sẽ hiểu hơn về sự phát triển của thị trường ra sao trong tương lai gần. Các chương trình CSR đang là hệ tham chiếu tốt cho họ hướng đến thị trường này.

Trong khi đó, ông Binu Jacob chia sẻ trực quan hơn về câu chuyện hoạt động CSR của chính Nestlé trong hơn 10 năm qua với chương trình phát triển cà phê bền vững. Tạo nên giá trị gia tăng cho chính những người nông dân ở vùng nguyên liệu thông qua các phương thức canh tác tiên tiến, cải thiện thu nhập, chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa việc bảo vệ môi trường. Sau 10 năm một vùng nguyên liệu về cà phê rộng lớn khắp 5 tỉnh Tây Nguyên đã bước vào một quy trình phát triển bền vững. Đó mới thực sự là ý nghĩa mang tình dài hơi của CSR.

Song Dũng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/310901/hoat-dong-csr-la-khoan-dau-tu-trach-nhiem-dai-han-vi-cong-dong.html