Hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

Điều kiện kinh tế - xã hội và bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam đặt ra những thời cơ và thách thức nhất định đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung, của Công đoàn nói riêng. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, tổ chức Công đoàn Việt Nam hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình với những hoạt động ngày một thiết thực và hiệu quả hơn.

Thủ tướng thăm hỏi, động viên lực lượng thi công Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, ngày 22/6/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng thăm hỏi, động viên lực lượng thi công Trạm biến áp 500 kV Thanh Hóa ở xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, ngày 22/6/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập quốc tế

Việc xác định hướng phát triển kinh tế - xã hội được Đảng và Nhà nước khẳng định trong nhiều văn bản quan trọng, đồng thời, hiện thực phát triển xã hội cũng là minh chứng cho sự lựa chọn đúng đắn đó. Đây là kết quả thể hiện sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của nền kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm bởi những điều kiện lịch sử nhất định. Với sự đồng tâm, đồng lòng của Nhân dân và của hệ thống chính trị, nền kinh tế Việt Nam đang xây dựng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường”[1]. Trên cơ sở nắm bắt được sự vận động của nền kinh tế cũng như xác định rõ định hướng phát triển xã hội, Đảng và Nhà nước tiếp thu và vận dụng những ưu điểm của nền kinh tế thị trường thế giới vào điều kiện thực tiễn xã hội Việt Nam. Một bước ngoặt lớn trong hoạch định đường lối phát triển kinh tế đã được xác định là duy trì sự tồn tại và phát triển cũng như tiếp tục thực hiện một cách nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; vừa vận động theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội; trong đó, cơ chế thị trường được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả mọi nguồn lực”[2]. Cho nên, dù là thành phần kinh tế nào: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; kinh tế tư bản nhà nước, thì đều khuyến khích sự tham gia của toàn thể người dân vào hoạt động phát triển kinh tế, vừa ích nước, vừa lợi nhà. Nó cũng đưa đến sự đa dạng của các hình thức hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kiểu tổ chức kinh tế đặc biệt, vừa tuân theo những nguyên tắc và quy luật của hệ thống kinh tế thị trường, vừa bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính tính chất, đặc trưng cơ bản này chi phối và quyết định phương tiện, công cụ, động lực của nền kinh tế và con đường đạt tới mục tiêu, là sử dụng kinh tế thị trường, nâng cao hiệu lực và hiệu quả điều tiết của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát triển khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở cửa và hội nhập nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển rút ngắn để trong khoảng thời gian không dài có thể khắc phục tình trạng lạc hậu, đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[3]. Đây là điểm đặc trưng riêng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Mục tiêu phát triển kinh tế vì sự phát triển chung của dân tộc, của đất nước, vì sự phát triển của con người.

Cùng với đặc trưng của nền kinh tế thị trường nói chung, bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay cũng tác động đến quá trình phát triển của nền kinh tế các quốc gia. Theo đó, sự phát triển hiện đại không thể tách biệt, “bế quan tỏa cảng” của riêng quốc gia nào, mà sự liên kết, phối hợp của các quốc gia như trở thành một điều kiện tiên quyết của sự phát triển. Cùng với tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội quy định phát triển kinh tế thị trường ở nước ta nhằm “xây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu”[4], nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới. Và để bắt kịp nhịp độ phát triển chung, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, kết nối với những nền kinh tế của các quốc gia phát triển thể hiện qua các vấn đề về công nghệ, về sản phẩm, về thị trường, về nguồn vốn,...

Trong bối cảnh đó, người lao động là hạt nhân quan trọng nhất. Dù đặc điểm phát triển kinh tế theo hướng nào, bối cảnh hội nhập quốc tế thay đổi ra sao, vấn đề về người lao động luôn ở vị trí trọng tâm. Đó cũng là lý do nhiều tổ chức quốc tế ra đời nhằm bảo vệ người lao động được thành lập cùng với việc ban hành những điều luật trên phạm vi quốc tế, cũng như ở các quốc gia. Khi tham gia và hội nhập quốc tế, để có cùng nhịp phát triển kinh tế với các quốc gia khác trong khu vực, cũng như trên thế giới, vấn đề đang đặt ra với Việt Nam là cần tiếp tục hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật và phát triển tổ chức Công đoàn bảo vệ người lao động.

Hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

Không chỉ tăng lên về mặt số lượng, người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng cao về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam ngày một phát triển. Ảnh minh họa - nguồn: internet

Không chỉ tăng lên về mặt số lượng, người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng cao về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam ngày một phát triển. Ảnh minh họa - nguồn: internet

Theo Điều 10 Hiến pháp Việt Nam năm 2013, “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Việt Nam, việc đánh giá và nhận định về thời cơ và thách thức đối với hoạt động Công đoàn cần được tiến hành qua những lát cắt cụ thể. Tuy nhiên, việc phân định rõ đâu là thời cơ, đâu là thách thức đôi khi không rõ ràng vì có thể thời cơ và thách thức đan xen nhau.

Thứ nhất, tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ghi nhận những hiệu quả hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong thời gian qua và cũng là định hướng nhiệm vụ và trách nhiệm của Công đoàn trong thời gian tới, đó là: “Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[5]. Thực tiễn xã hội cũng đang tạo những điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy hiệu quả của những hoạt động trong thời gian tới.

Thứ hai, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam được ghi nhận qua những chỉ số phát triển, sự tham gia của Việt Nam vào những tổ chức kinh tế thế giới, hay những quan hệ hợp tác đối ngoại ngày càng được mở rộng và củng cố... Những điều đó cũng đã và đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có sự phát triển về mọi mặt của lực lượng lao động Việt Nam. Đồng thời, mở ra những thời cơ để hoạt động Công đoàn ngày một hiệu quả hơn.

Thứ ba, hoạt động Công đoàn có sự tham gia của lực lượng công đoàn viên đông đảo về số lượng, có chất lượng cao.

Theo đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo nên một sự thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành nghề trong hoạt động sản xuất của Việt Nam. Thêm vào đó, với sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như hội nhập nền kinh tế toàn cầu, lực lượng lao động Việt Nam tham gia vào các ngành nghề cũng đa dạng hơn rất nhiều. Cùng với đó, nhu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng tăng lên. Với sự mở rộng và tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương nghiệp cũng như nhiều ngành nghề khác đã và đang thu hút sự tham gia của nhiều người lao động vào tổ chức công đoàn, tổ chức bảo vệ người lao động. Năm 2016, cả nước có 9,6 triệu công đoàn viên, năm 2022 có trên 10,5 triệu công đoàn viên, đến hết năm 2023, cả nước có trên 11 triệu công đoàn viên. Điều đó cho thấy, đây là một lực lượng quan trọng và tạo nên sự vững chắc về tổ chức Công đoàn, đồng thời, cũng là minh chứng cho sự tin cậy của người lao động với tổ chức Công đoàn. Người lao động có niềm tin vào tổ chức, được pháp luật bảo vệ và từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được duy trì ngày một vững chắc hơn. Khối đoàn kết này được tạo dựng từ lòng tin, sự quan tâm và bảo vệ của Đảng, Nhà nước.

Không chỉ tăng lên về mặt số lượng, người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng cao về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy thị trường lao động Việt Nam ngày một phát triển. Số lượng và chất lượng người lao động Việt Nam tăng lên một cách đáng kể như vậy càng khuyến khích hoạt động Công đoàn cũng được tăng lên. Vừa để đáp ứng nhu cầu của người lao động, vừa để khuyến khích sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo, hoạt động Công đoàn sẽ có được sự đa dạng từ sự góp ý và tham gia tích cực của các công đoàn viên. Người lao động vừa tham gia hoạt động sản xuất, vừa đóng góp cho tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình một cách thiết thực. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, không chỉ có nguồn vốn từ nước ngoài mà còn có người lao động nước ngoài, điều đó thể hiện sự đa dạng trong lực lượng lao động có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế Việt Nam.

Thứ tư, hình thức hoạt động Công đoàn đa dạng và được tiếp cận dễ dàng, phong phú hơn.

Với sự phát triển và việc vận dụng được các thành tựu khoa học công nghệ vào cuộc sống, sự truyền tải và tiếp cận các thông tin được thực hiện đa dạng, nhanh chóng. Nếu như trước đây, các thông tin được tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu... nên dường như nội dung được truyền tải mang tính chắt lọc, đơn giản nhất để người lao động được biết đến, thì đến nay các nội dung được truyền tải mang tính đa dạng hơn, phù hợp với nhiều ngành nghề hơn và cũng nhanh nhất có thể. Điều đó cho thấy, sự bắt nhịp kịp thời của các nội dung từ văn bản đến hiện thực trong hoạt động. Các hoạt động Công đoàn không chỉ còn bó hẹp trong các Công đoàn cơ sở hay sự phối hợp của một số Công đoàn cơ sở gần nhau, mà sự phối hợp cùng hoạt động của các Công đoàn cơ sở của ngành, của tỉnh... hay liên ngành cũng dần được hình thành. Việc phổ biến các hình thức hoạt động được phổ biến và học hỏi lẫn nhau giữa các Công đoàn cơ sở tạo nên sự gắn kết.

Bên cạnh đó, tính hội nhập với tổ chức Công đoàn quốc tế được mở rộng cũng tạo cơ hội để đa dạng hóa các hoạt động Công đoàn, tạo điều kiện để học hỏi kinh nghiệm của các phong trào công nhân quốc tế, cũng như bắt nhịp và học hỏi những điều bổ ích để bảo vệ người lao động. Hoạt động đối ngoại này thể hiện sự “chủ động, tích cực mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhằm học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực, thúc đẩy đổi mới, nâng cao vị thế của Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế”[6].

Hiện nay, hoạt động Công đoàn hướng tới việc xây dựng, phát triển, duy trì mối quan hệ tích cực với các tổ chức Công đoàn quốc tế, các tổ chức công đoàn của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Liên đoàn Công đoàn quốc tế (ITUC) - tổ chức Công đoàn lớn nhất thế giới và có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế, góp phần khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam với thế giới. Đồng thời, qua hoạt động này, góp phần truyền tải những quy định của pháp luật Việt Nam về người lao động đến các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tập đoàn biết về điều kiện để đầu tư vào Việt Nam. Đây có thể coi là một hoạt động cần đi trước của Công đoàn trong tình hình mới.

Bên cạnh những thời cơ kể trên, hoạt động công đoàn cũng phải đối diện với những thách thức nhất định. Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã nêu: “Xu hướng phân hóa trong công nhân, lao động ngày càng lớn làm cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và phát huy vai trò của công nhân trở nên khó khăn hơn”[7], cho nên hoạt động Công đoàn cần thu hút được sự quan tâm của người lao động. Điều này có thể được khắc phục hoàn toàn, không những vậy, đây còn trở thành điều kiện để đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, đó là: 1) Cơ sở pháp lý là chỗ dựa quan trọng và là định hướng để hoạt động Công đoàn đi đúng hướng và góp phần vào sự phát triển của đất nước, thể chế hóa các quy định về Công đoàn cần được cập nhật kịp thời với thực tế; 2) Trang bị điều kiện, công cụ thực sự cần thiết và đầy đủ bảo đảm cho hoạt động Công đoàn; 3)Đào tạo cán bộ hoạt động Công đoàn gắn với cơ cấu ngành nghề, vùng miền; 4) Mở rộng việc truyền tải thông tin. Việc mở rộng này cần chú ý đến các yếu tố là đối tượng tiếp nhận thông tin, nội dung truyền tải và phương thức truyền tải thông tin. Các quy định về người lao động, về Công đoàn đã có, việc phổ biến đến toàn thể người lao động là yếu tố tiên quyết. Hoạt động Công đoàn cần mở rộng đối tượng truyền tải thông tin. Cùng với đó, các phương thức và phương tiện để tiếp cận đến người lao động ngày càng đa dạng và dễ dàng tiếp cận, nhưng đây cũng là cách thức dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Cho nên, việc tạo được kênh chính thức đến với người lao động phải cập nhật, nhanh chóng, dễ dàng, đa dạng và phi lợi nhuận.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và bối cảnh hội nhập quốc tế có nhiều tác động đến hoạt động Công đoàn nói riêng. Việc nhận diện đúng và kịp thời các thời cơ và thách thức là điều kiện quan trọng để định hướng và tiến hành các hoạt động của Công đoàn đạt hiệu quả cao, xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Để xác định hình thức hoạt động Công đoàn mới, việc dựa trên cách nhìn nhận và đánh giá giá trị đến với người lao động được lựa chọn là nền tảng. Theo đó, việc hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức Công đoàn là cần thiết. Đồng thời, việc tuyên truyền và phổ biến các quy định pháp luật đến công đoàn viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các hoạt động Công đoàn. Nghị quyết số 02 đã nhấn mạnh: “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn... Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lao động và tổ chức đại diện của người lao động. Cơ quan quản lý nhà nước tích cực phối hợp với công đoàn tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn”[8]. Việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản này góp phần tạo cơ sở vững chắc để các hoạt động Công đoàn góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Các mối quan hệ đối ngoại, song phương, đa phương, các hợp tác thương mại... đã thúc đẩy sự giao lưu, học hỏi của Việt Nam. Những quy định, những văn bản pháp luật Việt Nam được xây dựng và đang dần hoàn thiện là sự kết hợp giữa những quy định và điều kiện thực tiễn trong nước, song những quy định đó cần có sự phù hợp với các quy định quốc tế. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và có sự hợp tác với nước ngoài, với tập đoàn quốc tế, việc tuân thủ những quy định chung là điều tất yếu. Dù vậy, không phải điều gì của quy định quốc tế cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Việc bảo vệ người lao động được đặt lên hàng đầu, lợi ích quốc gia là điều không thể bị xâm phạm. Cho nên, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động Công đoàn sẽ là cơ sở để tổ chức Công đoàn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các hoạt động Công đoàn luôn dựa trên những quy định của pháp luật Việt Nam, cũng như cần tuân thủ các quy định của quốc tế. Việc giao lưu với các tổ chức bảo vệ người lao động ngoài lãnh thổ Việt Nam là cơ hội tốt để học hỏi, rút ra được những bài học kinh nghiệm để bảo vệ người lao động Việt Nam một cách tốt nhất. Cho nên, hoạt động Công đoàn không chỉ là bảo vệ mà cần đi trước một bước để định hướng, không để tình trạng có vấn đề xảy ra mới giải quyết, đây là thách thức đặt ra đối với các cán bộ Công đoàn, với hoạt động Công đoàn. Dù vậy, trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay có những thời cơ và thách thức đan xen, hoạt động Công đoàn tiếp tục hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, được người lao động tin tưởng./.

Phạm Minh Phúc - Nguyễn Thị Phương Mai,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[1] Nguyễn Phú Trọng (2007), “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Quan niệm và giải pháp phát triển”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/2081/kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia---quan-niem-va-giai-phap-phat-trien.aspx

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 34.

[3] Nguyễn Phú Trọng (2007), “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Quan niệm và giải pháp phát triển”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/2081/kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia---quan-niem-va-giai-phap-phat-trien.aspx

[4] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528

[5] Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, ngày 12/6/2021.

[6] Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, ngày 12/6/2021.

[7] Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, ngày 12/6/2021.

[8] Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, ngày 12/6/2021.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/hoat-dong-cua-cong-doan-viet-nam-trong-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia-va-hoi-nhap-quoc-te-59260.html