Hoạt động đối ngoại Phật giáo góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước của Đảng đã mở ra thời cơ và cơ hội lớn để tập hợp, khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo tạo nên sức mạnh toàn dân tộc. Trong đó, Phật giáo là một trong những nguồn lực của tôn giáo góp phần phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu được thể hiện trong các hoạt động đối ngoại quốc tế rất đa dạng, phong phú của Phật giáo.
PHẬT GIÁO TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo rất tích cực, năng động, chủ động trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Quan hệ Phật giáo quốc tế và hoạt động đối ngoại giao lưu, hợp tác quốc tế là một trong những thành tựu Phật sự nổi bật nhất trong chặng đường phát triển, đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội đã không ngừng tăng cường mở rộng hoạt động đối ngoại, quan hệ quốc tế với các tổ chức Phật giáo các nước trên thế giới và các tổ chức tôn giáo theo phương châm đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các tổ chức tôn giáo tại tất cả các nước.
Trong năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều đoàn chức sắc tôn giáo ra nước ngoài tham dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, các diễn đàn khu vực và quốc tế, như: Đối thoại tôn giáo và văn hóa ASEAN (IIDC), Đối thoại Liên tôn Á - Âu (ASEM), Đối thoại Liên tôn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APIN), các đối thoại, hội nghị, hội thảo, hoạt động tôn giáo và văn hóa vì hòa bình của Liên hiệp quốc…; các chuyến giao lưu, hợp tác với các tổ chức tôn giáo quốc tế cũng như đón tiếp các phái đoàn, tổ chức quốc tế và tổ chức tôn giáo các nước đến thăm Việt Nam đã góp phần thiết thực vào sự nghiệp đối ngoại nhân dân, ngoại giao văn hóa, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập và thành viên tích cực của Hội Liên hữu Phật giáo thế giới (WFB), Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP), Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak Liên hiệp quốc (ICDV), Liên minh Phật giáo thế giới (IBC), Hội Sakyadhita thế giới… Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã có mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Liên minh Phật giáo Lào, Giáo hội Tăng già Phật giáo Vương quốc Căm-pu-chia, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc. Có mối quan hệ hữu nghị mật thiết với các tổ chức Giáo hội Tăng già Phật giáo Vương quốc Thái Lan, Mi-an-ma, Xin-ga-po, Ma-lai-xia, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin... Với Phật giáo các nước Đông Á, như: Phật giáo Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Triều Tiên... Với các nước Nam Á, như: Các tổ chức Giáo hội Tăng già Phật giáo Xri Lan-ca, Ấn Độ, Nê-pan và với các giáo hội, các tổ chức Phật giáo Nga và cộng đồng Phật giáo ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi…
Giáo hội đã tổ chức thành công ba kỳ Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc tại Việt Nam vào các năm 2008, năm 2014, gần đây nhất là vào năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam có sự tham dự của 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Đại lễ có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mi-an-ma, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Thủ tướng Nê-pan, Chủ tịch Thượng viện Bu-tan, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc và nhiều quan chức của Liên hiệp quốc.
Qua các kỳ Vesak rất thành công, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội. Những hoạt động này còn góp phần giúp bạn bè thế giới hiểu hơn về đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam, giới thiệu với bạn bè thế giới về truyền thống văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Đây là thành tựu nổi bật góp phần nâng cao vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam tham gia cùng Liên hiệp quốc và thế giới trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đón tiếp hàng trăm phái đoàn Phật giáo các nước đến thăm hữu nghị và giao lưu với Giáo hội, với các ban, viện của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các địa phương, với Học viện Phật giáo Việt Nam, các cơ sở đào tạo và các chùa, cơ sở tự viện. Đồng thời, Giáo hội cũng đón tiếp nhiều vị nguyên thủ, lãnh đạo các nước đến thăm Giáo hội và các chùa khi đến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam như đón tiếp Thủ tướng Ấn Độ (năm 2016), Tổng thống Mỹ (năm 2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (năm 2019), Tổng thống Mi-an-ma, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ, Thủ tướng Nê-pan, Chủ tịch Thượng viện Bu-tan (năm 2019), Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ (năm 2022), Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Căm-pu-chia (năm 2023).
Đặc biệt, năm 2022 Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đại diện cho Giáo hội tham dự Đại hội lãnh đạo các tôn giáo thế giới lần thứ VII tổ chức tại Thủ đô A-xta-na, Cộng hòa Ca-dắc-xtan với sự tham dự của Đức Giáo hoàng Francis cùng nhiều lãnh đạo các tôn giáo của 108 phái đoàn từ hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Tại Đại hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện đã truyền đi thông điệp về vai trò của lãnh đạo các tôn giáo và truyền thống trong việc chung tay giải quyết các vấn đề của nhân loại hiện nay. Kêu gọi tăng cường sự đoàn kết và hợp tác giữa các tôn giáo, thúc đẩy lòng bao dung, từ bi và tình thương để chăm lo cho nhân loại sau đại dịch COVID-19. Tăng cường sự đối thoại và hiểu biết lẫn nhau để tìm ra giải pháp chấm dứt bạo lực, xung đột, chiến tranh, khủng bố, nghèo đói và chung tay chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh. Khẳng định Việt Nam là đất nước luôn luôn yêu chuộng hòa bình. Đoàn kết luôn là sức mạnh của Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, các tôn giáo ở Việt Nam luôn chung sống hòa bình. Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong tất cả các hoạt động của mình đã luôn phát huy tinh thần hòa hợp với các truyền thống và tôn giáo khác tạo nên sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, luôn là người bạn tốt của tất cả các tổ chức tôn giáo tại các nước trên thế giới.
NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ
Những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử và tổ chức hàng trăm đoàn của Giáo hội, các ban, viện, Ban Trị sự các địa phương, Học viện Phật giáo Việt Nam, các cơ sở đào tạo và các chùa, cơ sở tự viện đi thăm viếng Phật giáo các nước để tăng cường tình hữu nghị và làm sâu sắc mối quan hệ quốc tế. Tham dự các hội thảo Phật giáo quốc tế, chia sẻ, trao đổi, giao lưu về mặt học thuật và học hỏi kinh nghiệm tu tập, hoằng pháp và phục vụ nhân sinh.
Đặc biệt, năm 2023 là năm có nhiều dấu ấn nổi bật về hoạt động quan hệ quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngay sau thành công của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Đức đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã có chuyến thăm chính thức Ấn Độ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới do Liên đoàn Phật giáo thế giới (IBC) tổ chức tại Thủ đô Niu Đê-li; Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã tiếp và dâng y tới Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự tham dự Thượng đỉnh Phật giáo thế giới tại Nhật Bản. Nhiều đoàn Chư tôn, đức lãnh đạo Giáo hội thăm hữu nghị và tham dự hội thảo tại Lào, Căm-pu-chia, Trung Quốc, Sri Lan-ca, Nê-pan, Hàn Quốc, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hung-ga-ri, Pháp…
Từ ngày 13 đến ngày 15/6/2023 tại thành phố Marrakech, Ma-rốc, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham gia Đoàn Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị nghị viện về đối thoại tôn giáo do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Nghị viện Vương quốc Ma-rốc đặt dưới sự bảo trợ của Nhà vua Ma-rốc Mohamed VI tổ chức. Hội nghị diễn ra trọng thể dưới sự chủ trì của Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và Chủ tịch Hạ viện Ma-rốc Rachid Talbi El Alami, Chủ tịch Thượng viện Ma-rốc Naam Mayara, và sự tham dự của hơn 700 đại biểu, trong đó có 60 chủ tịch, phó chủ tịch nghị viện các nước cùng các nghị sĩ, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng và các học giả, chuyên gia, nhà nghiên cứu trên thế giới.
Từ ngày 10 đến ngày 22/10/2023, đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã tham gia Đoàn liên ngành và các chức sắc tôn giáo Việt Nam sang thăm, làm việc tại Hoa Kỳ, trao đổi về thành tựu và chính sách tôn giáo tại Việt Nam. Chuyến đi đã có các buổi tiếp xúc, làm việc, trao đổi, đối thoại với các tổ chức tôn giáo của Hoa Kỳ và các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, Hạ nghị sĩ thuộc Quốc hội Hoa Kỳ… Các cuộc tiếp xúc, làm việc, trao đổi đó đã góp phần khẳng định với Hoa Kỳ về thành tựu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; chia sẻ quan điểm và đưa ra các bằng chứng phản bác lại các vấn đề thiếu khách quan, chưa được kiểm chứng, các quan điểm thù địch trong các báo cáo, nhận định không đúng về tình hình sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam. Đoàn đã đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (SWL) mà họ đưa vào năm 2022.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có nhiều hoạt động từ thiện quốc tế cứu trợ các nước bị thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, động đất, sóng thần như Nhật Bản, Trung Quốc, Mi-an-ma, Nê-pan, In-đô-nê-xi-a, Ăng-gô-la, Mô-dăm-bích... Trước thảm họa đại dịch COVID-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ủng hộ Chính phủ và nhân dân Lào, Căm-pu-chia, Ấn Độ, Nê-pan tiền và vật tư y tế, giúp đỡ trong phòng, chống dịch COVID-19 trị giá hơn 20 tỷ đồng, gồm: Tiền mặt, 200 máy thở, 50 máy tạo ô-xy, 2.000 bộ kits test COVID-19. Mới đây, năm 2023, trong chuyến thăm và làm việc với các tổ chức Phật giáo Xri Lan-ca, thăm và tiếp xúc với Thủ tướng Xri Lan-ca, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ủng hộ thuốc, vật tư y tế với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng. Những hoạt động đối ngoại nhân dân này đã được Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước đánh giá cao, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Đồng hành cùng với sự đổi mới của đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm tốt công tác chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Giáo hội đã thành lập Hội Phật tử Việt Nam ở các nước, như: Lào, Căm-pu-chia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Cộng hòa Séc, Ba Lan, U-crai-na, Hung-ga-ri, Đức, Nga, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la, Hoa Kỳ. Đồng thời, Giáo hội đã thiết lập tổ chức giữ mối liên hệ thường xuyên để hướng dẫn tăng ni, phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo là nơi đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nơi giao lưu, chia sẻ, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng, giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Có thể khẳng định, công tác chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiều năm qua đã thực sự thiết thực, đáp ứng được nguyện vọng thiết tha của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước, sự vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta trong mọi hoàn cảnh lịch sử, luôn luôn coi bà con Việt kiều là phần máu thịt không thể thiếu của dân tộc Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng các Trung tâm văn hóa Việt Nam, chùa Việt Nam tại các nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; hỗ trợ Hội Phật tử Việt Nam ở các nước mở các lớp dạy tiếng Việt cho con em.
Thời gian tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quan hệ quốc tế, tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với cộng đồng Phật giáo thế giới, với Phật giáo các nước châu Á, cộng đồng tôn giáo các nước ASEAN. Chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động đối ngoại đa phương, các tổ chức tôn giáo quốc tế, góp phần tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, tích cực tham gia vào các hội hữu nghị của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nhằm tăng cường giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, giao lưu tôn giáo. Năm 2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp tục khẳng định giá trị, ý nghĩa của các hoạt động đối ngoại của Phật giáo, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Thượng tọa THÍCH ĐỨC THIỆN
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Phật giáo quốc tế,
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
(Nguồn: xaydungdang.org.vn)