Hoạt động kiểm toán giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật
Thông qua hoạt động kiểm toán, cùng với việc kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các sai sót, tồn tại, hạn chế, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng kiến nghị sửa đổi kịp thời các văn bản không còn phù hợp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức ngày 6/9.
Bám sát luật, nghị quyết của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, KTNN là cơ quan chuyên môn do Quốc hội thành lập có chức năng đánh giá, xác nhận, kiến nghị việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực, tính giải trình, tính minh bạch của các đơn vị trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì thế, trong hoạt động của mình, KTNN luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, các luật, Nghị quyết của Quốc hội để tổ chức triển khai thực hiện.
Về việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, công tác xây dựng pháp luật, KTNN được giao hai nhiệm vụ.
Thứ nhất, KTNN được giao xây dựng Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Thực hiện nhiệm vụ này, đến nay, được sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, sự quan tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/2/2023.
“Ngay sau khi Pháp lệnh được thông qua, KTNN đã khẩn trương ban hành các hướng dẫn để hoàn thiện các văn bản của Ngành, đảm bảo Pháp lệnh được đưa vào cuộc sống đúng thời hạn quy định” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Thứ hai, KTNN được giao thực hiện việc tổng kết sửa đổi, hoàn thiện Luật KTNN 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Theo chương trình, KTNN đã khẩn trương triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Tại Hội nghị này, trên cơ sở các định hướng về công tác xây dựng pháp luật, KTNN sẽ nghiên cứu, đẩy mạnh hoàn thiện và sớm trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng” - Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.
Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, ngay trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, KTNN đã bám sát Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong đó quy định rất rõ nhiệm vụ kiểm toán hằng năm tập trung vào hai nhiệm vụ quan trọng.
Thứ nhất là, đến năm 2025 đảm bảo kiểm toán 100% báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai là, thực hiện kiểm toán 40% các cuộc kiểm toán chuyên đề; trong đó tập trung vào 2 lĩnh vực quan trọng: các chuyên đề phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và các chuyên đề tập trung vào các lĩnh vực “nóng” dễ xảy ra tham nhũng, thất thoát, tiêu cực, được dư luận, cử tri quan tâm.
Bám sát yêu cầu này, trong thời gian vừa qua, trước khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và xin ý kiến Quốc hội để xây dựng kế hoạch kiểm toán.
"Năm 2021, KTNN đã xây dựng Kế hoạch kiểm toán với 198 nhiệm vụ kiểm toán, trong đó có những chuyên đề kiểm toán rất quan trọng như cấp phép và quản lý đất đô thị, chuyên đề về quản lý đất đai, khoáng sản… Trong năm 2022 KTNN thực hiện 270 nhiệm vụ kiểm toán và năm 2023 triển khai 129 nhiệm vụ kiểm toán".
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Trong quá trình kiểm toán, KTNN đã kịp thời phát hiện các sai sót, tồn tại, hạn chế và những lãng phí, thất thoát, kịp thời báo cáo các cơ quan có liên quan chấn chỉnh.
Đồng thời, KTNN đề nghị các cơ quan có liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai sót; chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
KTNN cũng đã cung cấp kịp thời các thông tin phục vụ cho các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội.
Đặc biệt, KTNN đã kiến nghị sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật ko còn phù hợp trong quá trình triển khai, có sự chồng chéo, mâu thuẫn…
“Năm 2021, KTNN đã kiến nghị sửa đổi 198 văn bản; năm 2022, KTNN kiến nghị sửa đổi 270 văn bản và 6 tháng đầu năm 2023, KTNN đã kiến nghị sửa đổi 90 văn bản. Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu cuộc sống” - Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ.
Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, trong thời gian tới, bám sát chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN sẽ tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ Quốc hội đã phân công.
Để KTNN thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường chia sẻ, kết nối thông tin với KTNN nhằm tiết kiệm thời gian cũng như nâng cao chất lượng kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đề nghị lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, cấp ủy quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các kết luận, kiến nghị của KTNN.