Hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 3.2024 đã mở rộng lần đầu tiên sau khi suy giảm trong 6 tháng liên tiếp, cho thấy sự phục hồi trong các hoạt động công nghiệp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Cụ thể, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 31.3 vừa công bố báo cáo cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI - là một chỉ số về xu hướng kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) tăng từ 49,1 trong tháng 2 lên 50,8 trong tháng 3.
PMI là một chỉ số có giá trị trong khoảng từ 0 đến 100. PMI trên 50 thể hiện sự mở rộng khi so sánh với tháng trước, dưới 50 thể hiện sự co lại và PMI bằng 50 cho thấy không có sự thay đổi trong nhận định về triển vọng kinh tế. Chỉ số càng xa 50 thì sự báo hiệu về mức độ thay đổi càng lớn. PMI mới nhất của Trung Quốc cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 3.2023 (51,9).
Tân Hoa xã dẫn lời ông Zhao Qinghe, quan chức của NBS, cho biết 15/21 lĩnh vực được khảo sát cho thấy có sự mở rộng sản xuất, so với con số 5 của tháng trước đó.
Cũng theo ông Zhao, thị trường trở nên tích cực hơn khi doanh nghiệp tăng cường nối lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều nhà máy đã ngừng hoạt động trong kỳ nghỉ lễ, với các thông tin cho thấy công nhân tại một số công ty đã nghỉ tới 140 ngày bắt đầu từ cuối năm 2023 do thiếu đơn đặt hàng mới.
Tuy nhiên, ông Zhao cho biết cuộc khảo sát cũng cho thấy các công ty vẫn còn đối mặt một số thách thức trong hoạt động và sản xuất, như cạnh tranh gia tăng và nhu cầu thị trường không đủ.
Trong phiên họp thường niên của Quốc hội vào tháng 3, Trung Quốc cho biết sẽ khuyến khích người tiêu dùng loại bỏ các thiết bị cũ và đổi ô tô của họ lấy xe điện để giúp thúc đẩy thêm nhu cầu trong nước. Chính phủ cũng thông báo sẽ hỗ trợ 10,4 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ USD) để nâng cấp các ngành công nghiệp và hiện đại hóa sản xuất.
Ông Zhao cho biết các chính sách thúc đẩy trao đổi hàng tiêu dùng và nâng cấp thiết bị quy mô lớn vẫn cần được triển khai thêm để hỗ trợ sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay. Theo tờ South China Morning Post, mục tiêu này vẫn được xem là tham vọng trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau những cú sốc của đại dịch gặp nhiều trở ngại. Một trong những trở ngại lớn nhất là sự suy thoái của ngành bất động sản sau khi các nhà chức trách có động thái hạn chế các khoản vay quá mức của các nhà phát triển bất động sản. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức khác như xu hướng xã hội đang già đi, nợ chính quyền địa phương tăng, nhu cầu toàn cầu suy yếu, tình hình địa chính trị phức tạp…
Giới phân tích nhận định: Bắc Kinh sẽ cần triển khai thêm các gói kích thích kinh tế để đạt được mục tiêu nói trên.
Trong khi đó Bloomberg nhận định số liệu nói trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế thứ 2 thế giới đang ổn định. Ngân hàng Citi của Mỹ hôm 28.3 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay từ 4,6% lên 5% do những dữ liệu tích cực gần đây và việc đưa ra chính sách phù hợp.