Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Hiện nay, các hoạt động về công tác đo lường, hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ… ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, các hoạt động trên còn đảm bảo tính công bằng, chính sách an sinh xã hội cho người sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Ứng dụng công nghệ trong hoạt động đo lường xăng dầu giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Trà Hương

Ứng dụng công nghệ trong hoạt động đo lường xăng dầu giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: Trà Hương

Theo số liệu thống kê của Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TĐC) Vĩnh Phúc (Sở KH&CN), toàn tỉnh có hơn 450.000 phương tiện đo nhóm 2 và hàng nghìn phương tiện đo nhóm 1 đang sử dụng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Một số doanh nghiệp điển hình sử dụng và ứng dụng công nghệ trong hoạt động đo lường như Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, Chi nhánh xăng dầu Vĩnh Phúc, Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tập đoàn Prime...

Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên từ năm 2020 đến nay, chi cục tổ chức được 110 cuộc kiểm tra về đo lường, phép đo trong thương mại, kiểm tra chất lượng và ghi nhãn sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện, trong đó có gần 50 nghìn phương tiện đo, 16 mẫu sản phẩm hàng hóa, 63 máy X-quang trong y tế, 902 mẫu, tổ mẫu vật liệu xây dựng và 82 vị trí thí nghiệm điện trở tiếp đất.

Qua kiểm tra, đã phát hiện hơn 5.000 phương tiện đo hết hạn kiểm định, chưa thực hiện kiểm định, trong đó chủ yếu là đồng hồ công tơ điện tại các hợp tác xã dịch vụ điện.

Chi cục đã yêu cầu các hợp tác xã cung cấp điện kiểm định lại số công tơ điện hết thời hạn; đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, yêu cầu tạm dừng phương tiện đo đã hết thời hạn kiểm định/chưa kiểm định để thực hiện kiểm định lại, đảm bảo chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chi cục đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cơ sở áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ, có khả năng đáp ứng yêu cầu kiểm tra nhanh trị số octane, cetane trong xăng, dầu.

Thử nghiệm một số chỉ tiêu an toàn cho các thiết bị điện, điện tử, đồ gia dụng; kiểm định hiệu chuẩn thiết bị đo nhiệt, độ ẩm, X-quang, kiểm tra tuổi vàng, kiểm định dư lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số hóa chất độc hại trong môi trường, phân bón, sản phẩm dệt may…

Đồng thời, tổ chức tiếp nhận hồ sơ, công bố hợp chuẩn, hợp quy cho một số sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng quản lý về đăng kiểm phương tiện đo, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm, hàng hóa và hướng dẫn thực hiện công bố hợp quy đối với các sản phẩm hàng hóa theo quy định.

Chi cục trưởng Chi cục TCĐC Vĩnh Phúc Tạ Văn Sinh cho biết: "Ngoài việc làm tốt công tác kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo trong thương mại dịch vụ, kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu về đo lường, Chi cục TCĐC Vĩnh Phúc còn hỗ trợ tích cực cho việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Hiện tại, Chi cục TCĐC Vĩnh Phúc tập trung đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ kiểm định và hiệu chuẩn. Hằng năm, phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố cử cán bộ hướng dẫn triển khai hoạt động đo lường cấp huyện; tổ chức hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh; phối hợp thanh, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh".

Thời gian tới, Chi cục TCĐC Vĩnh Phúc tập trung triển khai các mục tiêu trọng tâm như phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ kỹ thuật đo lường theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics; công nghệ điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn với hoạt động doanh nghiệp.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để đóng góp vào phát triển hoạt động đo lường của tỉnh.

Áp dụng hiệu quả bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hóa năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hoàng Hà

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/74428/hoat-dong-tieu-chuan-do-luong-chat-luong-dap-ung-yeu-cau-trong-tinh-hinh-moi.html