Hoạt động trải nghiệm đóng vai trò quan trọng khi đào tạo Địa chất học ở HCMUNRE
Việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần thu hút sinh viên theo học ngành Địa chất học.
Địa chất học vốn là ngành khoa học nghiên cứu về thành phần, cấu trúc, các quy luật về sự hình thành và phát triển của trái đất cũng như lịch sử trái đất, bao gồm việc nghiên cứu về tài nguyên khoáng sản, nước ngầm, tai biến địa chất (động đất, núi lửa, sạt lở đất), cũng như ảnh hưởng của các quá trình địa chất nội sinh và ngoại sinh đối với môi trường địa chất. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chuyển đối dần sang kinh tế xanh kết hợp ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường như hiện nay, ngành địa chất học trở nên cần thiết trong việc cung ứng nguồn nhân lực cao đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của đất nước.
Đây cũng là một trong những ngành đào tạo đặc thù của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp nguồn nhân lực cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường và xã hội.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Thiềm Quốc Tuấn – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Địa chất khoáng sản, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, ngành Địa chất học đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực tài nguyên môi trường, địa chất công trình - xây dựng, địa chất thủy văn - tài nguyên nước, địa chất khoáng sản - thăm dò, địa chất môi trường, giám định đá quý, quản lý kinh tế và định giá tài nguyên khoáng sản. Từ đó, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, Khoa Địa chất khoáng sản và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm giúp sinh viên kết nối lý thuyết với thực tiễn và phát triển kỹ năng nghề nghiệp.


Sinh viên ngành Địa chất học Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế. Ảnh: NTCC.
Theo thầy Tuấn, các hoạt động trải nghiệm là rất cần thiết trong chương trình đào tạo ngành Địa chất học.
Thứ nhất là, giúp nâng cao kiến thức thực tế và kỹ năng thực hành. Các hoạt động thực địa như khảo sát địa chất địa chất-xây dựng, đo vẽ bản đồ địa chất, thăm dò khoáng sản giúp sinh viên vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tế; Rèn luyện kỹ năng quan sát, thu thập và phân tích mẫu địa chất, sử dụng các thiết bị chuyên dụng trong nghiên cứu địa chất.
Thứ hai là, giúp phát triển kỹ năng mềm và tư duy khoa học cho sinh viên. Nhờ hoạt động trải nghiệm, sinh viên ngành Địa chất học được học cách làm việc nhóm, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề và thích nghi với môi trường làm việc ngoài thực địa. Đồng thời, khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo trong việc đánh giá các đặc điểm địa chất, dự báo tài nguyên và đề xuất các giải pháp khai thác bền vững.
Thứ ba là, giúp định hướng nghề nghiệp và tạo động lực học tập cho người học. Các chuyến tham quan thực tế tại các công ty khảo sát địa chất-xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, viện nghiên cứu giúp sinh viên có cái nhìn rõ hơn về nghề nghiệp tương lai; Tạo niềm đam mê với ngành địa chất, giúp sinh viên hiểu rõ tầm quan trọng của ngành và có động lực theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này.
Thứ tư là, tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các hoạt động trải nghiệm giúp sinh viên ngành Địa chất học tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, mở rộng cơ hội thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp. Từ đó, tạo cầu nối giữa Khoa Địa chất và Khoáng sản và các doanh nghiệp, giúp cải tiến chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
“Các hoạt động trải nghiệm đóng vai trò không thể thiếu trong công tác đào tạo ngành Địa chất học tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần thu hút sinh viên theo học ngành Địa chất học. Từ đó, góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển sinh và phát triển nguồn nhân lực cho ngành”, thầy Tuấn khẳng định.