Hoạt động trải nghiệm phải do nhà GD tổ chức, sao công ty lại được nhảy vào?
Tránh vì món lợi hoa hồng mà lợi dụng hoạt động trải nghiệm để tổ chức cho học sinh đi chơi, gây bức xúc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành.
Du lịch tham quan dưới danh nghĩa hoạt động trải nghiệm hiện đang là vấn đề khiến dư luận bức xúc. Mục đích của hoạt động trải nghiệm là gì? Học sinh sẽ học được những gì sau mỗi chuyến tham quan du lịch như thế không phải ai cũng hiểu rõ.
Dưới góc nhìn của một giáo viên, cũng là người đã không ít lần trực tiếp đưa học sinh đi du lịch nhưng dưới tên gọi trải nghiệm, người viết sẽ cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn khách quan nhất.
Mục tiêu của Hoạt động trải nghiệm trong chương trình mới
Có thể nói, cụm từ Hoạt động trải nghiệm mới được xuất hiện từ khi có chương trình giáo dục 2018 ra đời. Đây là hoạt động bắt buộc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Mỗi tuần có 3 tiết học, một năm học có tất cả 105 tiết.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm cho biết: “Hoạt động trải nghiệm sẽ tạo cơ hội cho học sinh huy động, tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực giáo dục khác nhau để có thể trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời giúp các em có cơ hội để tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp.
Đặc biệt tất cả các hoạt động này phải dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, những năng lực chung đã được xác định tại chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”.[1]
Như nhấn mạnh của Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm: "Tất cả các hoạt động này phải dưới sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục", vậy hoạt động trải nghiệm do các công ty tổ chức thì sự hướng dẫn, tổ chức của nhà giáo dục thể hiện ở đâu?
Hoạt động trải nghiệm hiện nay ở các trường học được triển khai thế nào?
a/ Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường
Có rất nhiều hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường như trò chơi, hội thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan du lịch, sân khấu hóa, thể dục thể thao, câu lạc bộ,…
Hàng tuần, nhiều trường học đều tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm ngay trong trường bằng những hoạt động như chăm sóc vườn cây, múa hát, kể chuyện theo chủ điểm.
Hàng tháng, sẽ có những hội thi như thể dục thể thao, tiếng hát dân ca, đồng diễn thể dục, tổ chức giao lưu…
Những hoạt động được tổ chức trong nhà trường đã thật sự cho các em nhiều trải nghiệm thực tế vì thông qua các hoạt động ấy, học sinh đã học được rất nhiều kiến và kỹ năng thiết thực.
b/ Hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường
Nhiều trường học lại chọn hình thức trải nghiệm ngoài nhà trường chủ yếu được thể hiện ở 2 hình thức. Đi thực tế nhiều cơ sở sản xuất hay du lịch tham quan một số danh lam thắng cảnh ngay tại địa phương. Hình thức này, chỉ mất ít tiền xe, tiền ăn mà không tốn tiền vào cổng vì chi phí đi lại cũng khá thấp.
Hình thức thứ hai được nhiều trường học lựa chọn hơn. Đó là, tổ chức các tua du lịch tham quan ngoài địa phương, nhiều thì đi vài ngày, ít thì sáng đi chiều về (hình thức đi về trong ngày được các trường chọn nhiều nhất).
Có những địa điểm du lịch cách trường gần 200km nhưng cũng chỉ đi về trong ngày. Theo một số phản ánh của đồng nghiệp, thời gian học sinh ngồi trên xe di chuyển còn nhiều hơn thời gian tham quan thì học tập, trải nghiệm được gì?
Ví như học ở Hà Nội nhưng địa điểm tham quan lại ở Thanh Hóa hoặc Ninh Bình. Xe xuất phát lúc 6 giờ (thậm chí rề rà 7 giờ mới lên xe). Sau 3-4 tiếng trên xe mới đến địa điểm tham quan thì lúc này nhiều em đã khá mệt.
Làm thủ tục và vào khu vực tham quan, các em chỉ đi qua lại ít vòng là đến giờ ăn trưa. Ăn xong ai cũng muốn chợp mắt vì đã quá mỏi mệt. Các em ngủ dậy cũng chỉ đi thêm được khoảng 1 tiếng là ăn xế và chuẩn bị ra xe để về vào lúc 4 giờ.
Một phụ huynh chia sẻ: “Hôm rồi, trường tiểu học con tôi có tổ chức học ngoại khóa tại Suối Tiên giá 360.000 đồng.
Thấy chương trình được gửi về cung khá phong phú, con tôi đòi đi. Vì vậy, 2 vợ chồng cùng nghỉ làm để chạy xe máy theo cùng con vì không an tâm bởi bé mới học lớp 2.
Khi đoàn xe du lịch đến Suối Tiên, tôi thấy mấy bé lội từ 8 giờ đến 9 giờ lòng vòng trong khuôn viên, không đi tham quan các điểm khác vì phải thêm tiền vé... Các bé ngồi chơi, chờ đến giờ vào cổng biển Tiên Đồng - Ngọc Nữ. 9 giờ 30 vào tới biển Tiên Đồng, các bé thay đồ đi tắm.
11 giờ là các bé tới giờ ăn. 12 giờ 30 phút ăn xong, tắm tiếp đến 2 giờ chiều, xe khởi hành về lại trường đến 3 giờ 30 phút phụ huynh đón.
Tôi đi theo thấy, một số người lớn thì đi trốn nắng, người đi ngủ, tụ tập chỗ mát mẻ ăn, còn các bé thì tắm. Gần mấy trăm bé ở khu vực tắm trẻ con, giao cho 1 vài người cứu hộ trông.
Có bé đi trượt, chảy máu chân, con tôi cũng té trầy tay mà có ai hay biết gì đâu. Trời nắng 36 độ, mà các bé tắm tại biển Tiên Đồng ngần ấy thời gian".
Cần chấm dứt kiểu tham quan du lịch núp bóng hoạt động trải nghiệm
Tham quan du lịch chỉ là một trong khá nhiều hình thức của hoạt động trải nghiệm. Bởi thế, không tổ chức cho học sinh đi tham quan du lịch, nhà trường có thể chọn những hình thức trải nghiệm khác hiệu quả hơn.
Đó là việc tổ chức các hội thi, hội giao lưu, ngoại khóa, cắm trại, diễn văn nghệ tại trường hay cho các em đi thăm đơn vị bộ đội, công an, thăm viếng nghĩa trang của các anh hùng liệt sĩ ở ngay tại địa phương.
Với cách tổ chức như thế sẽ mang lại hiệu quả không chỉ cho các em, cho gia đình mà các thầy cô giáo cũng đỡ khổ vì không phải chịu áp lực vận động học sinh tham gia.
Còn hình thức du lịch tham quan ngoài tỉnh đi về trong ngày, thời gian ngồi trên xe còn nhiều hơn thời gian đi tham quan tại địa điểm, chắc chắn các em cũng không học tập được nhiều.
Trong thực tế, vẫn còn không ít gia đình học sinh khá khó khăn. Thế nên việc nộp tiền cho các em đi tham quan du lịch vẫn luôn là gánh nặng đối với một số phụ huynh nghèo.
Không ít học sinh đặc biệt là tiểu học và mầm non, cứ sau mỗi lần tham gia du lịch là về mệt mỏi đến mấy ngày, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và việc học hành của các em.
Bên cạnh đó, khi nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan du lịch, giáo viên chủ nhiệm buộc phải tìm mọi cách để vận động phụ huynh, thậm chí gây áp lực cho học sinh để các em tham gia. Hình ảnh người thầy ít nhiều trở nên méo mó trong mắt biết bao người.
Đã đến lúc, các địa phương cần khách quan nhìn nhận và đánh giá một cách công tâm những điều lợi cho học sinh khi tham gia tham quan du lịch để có những quyết định đúng đắn.
Tránh cho những trường vì món lợi hoa hồng mà lợi dụng hoạt động trải nghiệm để chủ yếu tổ chức cho học sinh đi chơi, gây bức xúc trong phụ huynh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành, của những thầy cô giáo chân chính.
Theo Phan Tuyết
Giáo dục Việt Nam