Học Bác, lòng ta trong sáng hơn

BPO - Vợ chồng ông Lê Minh Công (1948) và bà Bùi Thị Đầm (1951), ngụ ấp 6, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành cùng là bạn chiến đấu với nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hiện mối thâm tình giữa ông bà và nguyên Chủ tịch nước vẫn vẹn nguyên. Nhiều lần thăm đồng đội từng giữ vị trí lãnh đạo cấp cao, ông bà tuyệt nhiên chưa một lần nhờ vả hay dựa dẫm “tiếng thơm” để mưu lợi. Một thời “vào sinh ra tử” không chỉ tiếp cho ông bà ý chí tự lực vươn lên mà còn thấm nhuần lời Bác dạy, kiên cường trong chiến tranh và vượt khó ở đời thường để làm giàu, giúp người và giữ trọn hình ảnh tốt đẹp về bộ đội Cụ Hồ.

Sắt son một tình yêu đẹp

Tình yêu của ông Lê Minh Công (còn gọi là Tư Công) và bà Bùi Thị Đầm đơm hoa từ trong chiến tranh. Suốt 5 năm yêu nhau, từ đầu năm 1968 đến tháng 3-1972, ông bà chưa một lần gặp mặt nhưng tin tưởng vào lòng chung thủy, họ vẫn một lòng chờ ngày đoàn tụ.

Ông Công bồi hồi nhớ lại thuở 17 tuổi, lần đầu được đưa về cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Ông gặp gỡ và ấn tượng ngay với cô bé y tá dễ thương Bùi Thị Đầm, khi đó mới chỉ 14 tuổi. Cảm tình từ phút đầu nhìn thấy nhau nhưng 3 năm sau (1968), ông mới dám ngỏ lời yêu và may mắn được đáp lại. “Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, tôi được điều ra chiến trường Đông Nam bộ. Vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, chúng tôi đã gác lại tình riêng...” - ông Công chia sẻ. Bà Đầm tiếp lời chồng: “Tôi làm y tá ở Trung ương Cục miền Nam, tuy không trực tiếp chiến đấu nhưng thời điểm đó, địa bàn Đông Nam bộ đâu đâu cũng ác liệt. Là cơ quan đầu não của Đảng nên Trung ương Cục miền Nam là tầm ngắm của kẻ thù, bị oanh tạc khốc liệt. Nhưng để ông ấy thỏa niềm khát khao cống hiến sức trẻ, tôi luôn viết thư động viên và hứa hẹn một lòng chờ người yêu về, dù thư viết cho nhau 10 lá may mắn chỉ nhận được 3. Lúc đó, tôi cũng được nhiều bộ đội để ý, có cảm tình lắm! Trong đó có cả cháu thủ trưởng, con cán bộ đi du học ở Đông Đức về. Nhưng tôi vẫn không màng tới, chỉ dành tình yêu cho anh Công. Tôi nói thẳng thắn, mình đã có người yêu và một lòng chờ đợi...”.

Vợ chồng ông Lê Minh Công - bà Bùi Thị Đầm trong vườn cây ăn trái của gia đình sau bao ngày vất vả luôn bên nhau đồng cam cộng khổ

Vợ chồng ông Lê Minh Công - bà Bùi Thị Đầm trong vườn cây ăn trái của gia đình sau bao ngày vất vả luôn bên nhau đồng cam cộng khổ

Năm 1972, ông Công quay lại Trung ương Cục miền Nam và cùng bà Đầm nên duyên đúng ngày 26-3. “Đám cưới tổ chức trên đất bạn Campuchia, hôm đó kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn nên có đông đoàn viên, thanh niên tham dự, lại được quân đội Campuchia hỗ trợ nên rất vui. Ai cũng ủng hộ và chúc phúc cho chúng tôi, xúc động lắm! Tôi tin bà ấy còn vì chúng tôi hiểu nhau, tâm nguyện là người lính Cụ Hồ, sống có lý tưởng, bản lĩnh và trách nhiệm, biết đặt tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lên trên tình yêu lứa đôi. Điều đó cũng làm cho những người lính thêm yêu đời, yêu con đường mình đã chọn và không ích kỷ, vụ lợi” - ông Công nhớ lại.

Lời Bác luôn ở trong tim

Chiến tranh lùi xa hơn 44 năm nhưng với ông Công vẫn hiện lên vẹn nguyên mỗi khi nhắc đến ký ức xưa. Bởi chính sự tàn khốc của chiến tranh đôi lúc làm ông tưởng mình sẽ phải “nằm lại” chiến trường, nhưng đã đem đến cho ông những người đồng đội luôn “sống chết có nhau”. Đặc biệt là người bạn đời tri kỷ gắn bó hơn 50 năm qua, từ “nếm mật nằm gai” đến ngày cùng nhau hưởng tuổi già an vui và đủ đầy hôm nay.

Như một thước phim quay chậm theo lời ông Công kể, theo tiếng gọi “Năm xung phong” của Đoàn thanh niên cách mạng do Trung ương Cục miền Nam thành lập tháng 3-1965, ông trở thành thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên của C100 và “TNXP giải phóng miền Nam” vào ngày 20-4-1965. Sau 3 năm làm công tác hậu cần và huấn luyện tại Tây Ninh, năm 1968 ông Công chuyển sang bộ đội chính quy và chiến đấu tại Chiến khu C24, trải qua các mặt trận dọc sông Đồng Nai, La Ngà... Ông hào hứng nhớ lại: “Mới đầu ra chiến đấu như chim được sải cánh, mừng lắm! Đã thế, mỗi ngày 2 bữa cơm no, 1 bữa bánh mì nhân thịt nên càng “mê”. Nhưng từ từ lương thực ít dần, giảm còn 1 bữa bộ, 1 bữa gạo rồi đến lúc gạo cũng chỉ dành nấu cho thương - bệnh binh và người bệnh. Bộ đội chỉ còn ăn lá bép, tàu bay, rau muống qua ngày để đi chiến đấu... Một lần phát hiện có đầm rau muống ai cũng mừng, chúng tôi đi bộ nửa tiếng đồng hồ rồi ngâm mình dưới nước hơn 1 tiếng nữa mới cắt được rau muống mang về ăn. Vậy mà chưa được bao lâu thì địch phát hiện. Chúng nã pháo, quần máy bay bỏ bom liên tục. Ác hơn, chúng cẩu hết rau muống đi chỗ khác “rục” (vứt bỏ) nên nguồn lương thực, thực phẩm càng thiếu trầm trọng; đã thế, biệt kích còn “quần” dữ hơn. Nhưng lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam vài bữa điện ra động viên, chỉ đạo anh em nâng cao ý chí chiến đấu, tìm mọi cách bám trụ, không thoát ly chiến trường. Rồi những lời của Bác từng chỉ rõ, khó khăn là tạm thời, thuận lợi là trước mắt... Nhờ lời hiệu triệu đó mà gian khổ, ác liệt song hành với khó khăn chồng chất, chúng tôi vẫn vững niềm tin chiến thắng...”.

Tỏa sáng giữa thời bình

Năm 1977, vợ chồng ông Công phục viên về sinh sống tại Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Con đông, kinh tế eo hẹp nên năm 1988, vợ chồng ông quyết định “bỏ phố lên rừng”, đi xây dựng kinh tế mới tại huyện Bình Long cũ (nay là ấp 6, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) và bám trụ đến hôm nay.

Bà Đầm cho biết: “Ở trong rừng nhiều, khổ cực quen rồi nên đến đất Bình Phước làm rẫy, chúng tôi trụ được. Sáng thì phát rẫy vừa trồng đậu, bắp, lúa xen dưới bóng cây điều, lấy ngắn nuôi dài. Buổi trưa, cả nhà “rồng rắn” đi lượm sắt vụn (phế phẩm sót lại sau chiến tranh) bán lấy tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày. Đêm về, nhờ ánh trăng, vợ chồng lại cùng nhau bang gò mối. Ngày đó làm gì có máy móc nên chỉ dùng sức người. Mỗi tối, vợ chồng ráng sức thì làm được 5-10 gò mối, hôm nào yếu, gò lớn thì chỉ bang được vài cái... Thấy sức làm của chúng tôi, nhiều người đã gọi bằng vợ chồng “Tư làm” từ đó”.

Nghe tin ông bà định cư trên vùng đất mới, nhiều đồng đội đã tìm tới thăm. Đặc biệt, nơi miền sơn cước này cũng đã đón bước chân của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm đồng đội. Họ ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Nhiều người động viên ông bà trở lại thành phố lập nghiệp, nhất là khi nguyên Chủ tịch nước đang nắm giữ cương vị Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhưng vợ chồng ông quyết chọn Minh Hưng để sinh sống.

Quần quật làm ăn, 2 năm sau dư dả được một chút, ông bà đã bàn với nhau bán 2 ha đậu vừa thu hoạch để mua 1 chiếc tivi, tự sạc bình (vì khi đó chưa có điện lưới) rồi lợp lán kêu gọi mọi người trong thôn tới xem, nâng cao đời sống tinh thần. Mọi người trầm trồ, chỉ vợ chồng ông “Tư làm” mới chơi sang như vậy. Không những thế, những ai mới đến khu vực này lập nghiệp, kinh tế khó khăn đều được ông bà hỗ trợ lương thực, quần áo... Tình người theo đó mà ấm áp, lan tỏa rộng khắp.

Điều ấn tượng ở ông Công còn ở cách nhìn xa, trông rộng về đường nông thôn. Đến Minh Hưng ngay từ những ngày đầu, ông đã vận động mỗi hộ tự trừ ra 5-6m làm đường đi chung. Riêng gia đình ông hiến 3 sào đất, cắt mảnh đất đang vuông vắn thành xéo để con đường đi chung không bị khúc khuỷu. Ông bà cũng sẵn lòng bỏ tiền thuê máy cày làm đường bằng phẳng hơn. Nhiều người nhìn vào mà làm theo. “Nói thì dễ nhưng không phải ai cũng “thông” ngay đâu. Tôi thuyết phục đủ kiểu, bằng nhiều cách, cương - nhu đủ cả. Người nào tiếc rẫy, tôi đến nhà nhiều lần, nói về lợi ích khi làm đường rộng, thông thoáng. Vậy mà vẫn có người “chống” dữ lắm, nói mãi không nghe. Lần đó, tôi dứt khoát, nếu anh không chịu mở đường thì bà con lối xóm phải chấp nhận. Nhưng anh không được đi qua khu đất này mà tự sắm máy bay để di chuyển. Đêm đó anh ấy suy nghĩ lại, sáng sớm qua nhà tôi giãi bày, chú Tư nói đúng, tôi đồng ý mở đường” - ông Tư cười hiền hậu hỗ trợ.

Giờ đây, đến thăm vợ chồng ông “Tư làm”, mọi người càng thêm nể phục bởi hướng làm kinh tế đa cây ăn trái và măng tre đang mang lại tiền tỷ mỗi năm cho gia đình. Nhưng đáng quý hơn là lối sống giản dị, gần gũi của vợ chồng ông. Đặc biệt, tình cảm ông bà dành cho nhau vẫn ngọt ngào, ấm áp như một bài học quý cho mỗi người khi tiếp xúc. Niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng dành trọn tuổi xuân cống hiến cho độc lập dân tộc, đến hôm nay lại càng đẹp hơn trong thời bình. Hình ảnh người lính Cụ Hồ giữa đời thường của họ xứng đáng là tấm gương sáng về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và đang ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.

Ngọc Tú

Xem thêm: Báo xuân Canh Tý 2020

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/hoc-baclong-ta-trong-sang-hon-62523